Ngày 8-1-1954, chúng tôi về tập kết an toàn ở Tuần Giáo. Kế hoạch tác chiến ban đầu với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dự kiến tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 ngày 3 đêm, có phương án kéo pháo bằng tay 15km từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Phu Sông (cao 1.150m) xuống Bản Tấu; đường Lai Châu-Điện Biên Phủ. Dự kiến kéo pháo trong một ngày đêm. Nhưng không thực hiện được kế hoạch đã xác định, trong khi đó, địch đã cơ động tăng cường thêm lực lượng lớn ở cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tháng 1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra mặt trận, thấy tình hình địch đã biến chuyển nên quyết định thay đổi phương châm đánh và lệnh “hoãn tiến công”, kéo pháo ra vị trí tập kết. Bấy giờ, Trung đoàn 367 được biên chế 6 tiểu đoàn, trong đó 3 tiểu đoàn (381, 383, 394) vào chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ, còn 3 tiểu đoàn (385, 392, 396) bố trí bảo vệ giao thông và hậu phương chiến dịch. Pháo cao xạ của ta là pháo cỡ 37mm, một nòng và không có thiết bị bắn đêm.

leftcenterrightdel

Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên. Ảnh: SƠN BÌNH 

Thời gian này, ngoài việc trinh sát địa hình, chuẩn bị đội hình bố trí, làm công sự trận địa, pháo cao xạ còn có khó khăn lớn là mới huấn luyện và hành quân ở Trung Quốc về, chưa có tư liệu về tính năng kỹ, chiến thuật của các loại máy bay địch, như: Dakota, B-24, B-26, Hellcat, Bearcat, Morane... để có phương pháp bắn hiệu quả. Ban Tham mưu Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã có sáng kiến làm thước tính theo nguyên lý tính chất của hai tam giác đồng dạng. Cụ thể là sử dụng thước bằng tre rộng 4cm, dài 30cm, ở giữa buộc một sợi dây dù dài 50cm. Mỗi lần máy bay địch xuất hiện, miệng cắn một đầu dây, tay cầm thước căng dây hướng lên song song với đường bay của máy bay. Nhẩm thời gian (giây) từ lúc máy bay vào đầu thước đến khi qua hết thước, kết hợp với cự ly tới máy bay rồi tính ra tốc độ bay. Sau gần một tháng làm việc tỉ mỉ, kiên trì, tổ trinh sát đã xác định được quy luật về tốc độ, thời gian, hướng bay, độ cao, vòng lượn, góc bổ nhào... sau đó phổ biến, tổ chức cho bộ đội luyện tập bằng phương pháp này.

Chiều 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, 24 chiếc máy bay cường kích của địch hùng hổ nhào xuống đánh vào tuyến xuất phát của ta. Pháo cao xạ của Trung đoàn 367 nhờ được chuẩn bị chu đáo và giữ được bí mật đã bất ngờ đánh trả quyết liệt. Vấp phải lưới lửa dày đặc, phi công Pháp hoảng hốt bay thả bom bừa bãi rồi tháo chạy. Nhưng trận này ta không tiêu diệt được máy bay nào. Trong buổi rút kinh nghiệm đêm 13-3, đơn vị xác định nguyên nhân do tâm lý bộ đội thiếu bình tĩnh, cán bộ quyết định thời cơ bắn chưa đúng lúc, bắn chưa tập trung...

Sáng hôm sau, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát Morane. Đây là chiếc máy bay Pháp đầu tiên bị pháo cao xạ 37mm bắn rơi kể từ khi ta mở chiến dịch. Một số đơn vị bộ binh sau khi đánh chiếm đồi Him Lam, hành quân qua trận địa Đại đội 815, vừa ca ngợi cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ dũng cảm, vừa tung chiến lợi phẩm vào trận địa và nói: “Từ nay, bộ binh không còn sợ máy bay địch nữa và có thể chiến đấu cả ban ngày”.

Sau thất bại ngày 14-3, tướng Navarre ra lệnh: Toàn bộ lực lượng không quân đưa lên mặt trận; phải tiêu diệt những khẩu pháo cao xạ quái ác của Việt Minh. Từ ngày 17-3, địch tổ chức những đợt đánh phá pháo cao xạ nhưng đều bị ta đánh trả ác liệt, bắn rơi nhiều máy bay. Đại đội 815 và 827 bị địch đánh vào trận địa. Ban chỉ huy Đại đội 827 hy sinh, hỏng 3 khẩu pháo. Cùng đợt này, sơn pháo 75mm đã bắn vào sân bay, phá hủy 10 máy bay địch. 5 ngày đầu, pháo cao xạ ta đã bắn rơi 14 máy bay và bắn bị thương 25 chiếc. Từ ngày 27-3, sân bay Mường Thanh không còn hoạt động.

Đợt 2 chiến dịch từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, kế hoạch tác chiến của ta là “bóc vỏ, bao vây”. Bộ binh đào chiến hào vây lấn ở mặt đất, pháo cao xạ bao vây siết chặt vùng trời, cắt cầu hàng không. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: Chỉ cần triệt cầu hàng không, địch sẽ mất sức chiến đấu. Thời gian này, địch phải thả dù tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn pháo, cối... Máy bay phải bay cao trên 3.000m nhưng vẫn bị pháo cao xạ ta bắn nên phần lớn dù rơi vào khu vực của ta. Đặc biệt, ngày 12-4, pháo cao xạ đã bắn rơi chiếc “pháo đài bay” B-24 và chiếc F-8F, bắt sống giặc lái Robert Daniel.

Chiều 7-5-1954, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch, bộ đội pháo cao xạ đã bắn hạ 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay địch. Tại lễ mừng công ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen tặng: “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi anh dũng tuyệt vời, lần đầu ra trận đã đánh thắng vẻ vang”.

Đại tá TRẦN LIÊN, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Radar, nguyên Trợ lý Quân báo-trinh sát, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ