Đốc Tít tên thật là Nguyễn Xuân Tiết, còn có các tên khác là Nguyễn Đức Tiết, Nguyễn Đức Hiệu... Ông sinh năm 1853, trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Yên Lưu Thượng, tổng Yên Lưu, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là khu Lưu Thượng, phường Hiệp An, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Lớn lên được học hành khá bài bản, nhưng vốn không tin triều Nguyễn nên ông không theo con đường khoa cử mà tìm thầy học võ. Chẳng bao lâu, nhờ có năng khiếu võ, lại chăm chỉ luyện tập, ông trở thành người giỏi võ nổi tiếng trong vùng.

Từ năm 1882, khi quân Pháp mở rộng đánh chiếm vùng Đồng bằng Bắc Bộ, ông chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ tại vùng Hai Sông (nằm giữa sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc), nay thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Đây là vùng núi đá vôi có hang sâu và rộng cùng hệ thống sông ngòi bao bọc xung quanh, thuận lợi cho nghĩa quân xây dựng đồn trú và phòng ngự khi bị địch tiến công hoặc bao vây. Trung tâm căn cứ Hai Sông lập tại Trại Sơn (nay thuộc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên). Đây là một làng nằm ở chân núi đá vôi hiểm trở, bốn bề sông nước, trong một địa thế giao thông quan trọng hình tam giác Hải Phòng-Phủ Kinh Môn-Hải Dương. Phía Bắc có sông Kinh Thầy, phía Nam và phía Tây có sông Hàn Màu và sông Con bao quanh.

Xét quan điểm về xây dựng căn cứ, Đốc Tít chọn vùng Hai Sông, trong đó có làng Trại Sơn tựa lưng vào dãy núi đá vôi hiểm trở, có thể dựa vào nhân dân ủng hộ, che giấu, bảo vệ. Đó là nơi có thể tiến, thoái dễ dàng, thuận tiện cho nghĩa quân chiến đấu. Đồng thời, từ đây, nghĩa quân có thể mở rộng phối hợp với nghĩa quân ở các tỉnh lân cận, nhất là nghĩa quân Bãi Sậy ở Hưng Yên. Trại Sơn được xây dựng thành căn cứ gồm các phòng tuyến hỗ trợ nhau. Phía ngoài cùng là hào sâu, lũy cao, trồng tre gai xung quanh làng. Hang Thung có địa thế cao, là nơi đặt hỏa lực và núi Hưng đặt tuyến xạ giới. Chùa Kim Liên là nơi đặt đại bản doanh nghĩa quân, được đào hào, đắp lũy, trồng tre bao quanh.

Để hoạt động lâu dài, Đốc Tít tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân, vận động nhân dân ủng hộ thóc gạo dự trữ và sắm sửa vũ khí, kể cả nguồn vũ khí thu được của địch sau các trận đánh cất giấu ở hang trong núi. Bên cạnh đó, nghĩa quân Đốc Tít còn chủ động chuẩn bị lương thực bằng cách tham gia sản xuất với nông dân, dựa vào các lũy tre làng đào hào, đắp lũy, tổ chức chống giặc càn quét. Lực lượng nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy từ 600 người và 20 tướng lĩnh cuối năm 1883 đã tăng lên hơn 1.000 người và 40 tướng lĩnh cuối năm 1884. Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị là chính, ngoài vũ khí thô sơ như: Giáo, mác, mã tấu, đinh ba, gậy gộc, nghĩa quân còn sản xuất được súng theo mẫu súng của quân Pháp.

leftcenterrightdel
 Minh họa: LÊ HẢI

Cuối tháng 7-1885, khi Nguyễn Thiện Thuật trở về Hưng Yên lãnh đạo nghĩa quân (thay Đinh Gia Quế bị ốm và sau đó mất), Đốc Tít đem đội nghĩa quân dưới quyền gia nhập nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật và được giao trọng trách chỉ huy một bộ phận nghĩa quân bảo vệ căn cứ Hai Sông. Tháng 8-1885, Đốc Tít tổ chức lễ tế cờ khởi nghĩa ở chùa Kim Liên (Trại Sơn), tuyên thệ, nêu khẩu hiệu: “Linh Sơn động chủ, xướng nghĩa bình Tây”. Toàn bộ nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy nguyện một lòng hưởng ứng Chiếu Cần Vương, quyết tâm chống Pháp. Sang năm 1886, Đốc Tít tiếp tục củng cố căn cứ Hai Sông, trong đó chỉ đạo nghĩa quân ở tất cả lối vào hang, điểm cao đều đặt súng thần công, súng “thập bát”, “thập tam”, địa lôi... Tháng 10-1886, ông được vua Hàm Nghi phong chức Đề đốc Quân vụ Hải Dương.

Việc hình thành và phát triển của căn cứ Hai Sông do Đốc Tít chỉ huy xây dựng đã giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với phong trào kháng chiến ở vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Xuất phát từ căn cứ Hai Sông, Đốc Tít đã chỉ huy nghĩa quân đánh nhiều trận, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tiêu biểu là trận đánh bật một tiểu đoàn quân Pháp từ Hải Phòng lên tiến công Yên Lưu và trận bắn cháy tàu Pháp trên sông Kinh Môn (một nhánh của sông Kinh Thầy, tháng 8-1884). Đêm 28 rạng ngày 29-8-1885, nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy chặn đứng cuộc càn quét của quân Pháp ở Tam Lưu và tiến công đồn binh Pháp ở Hiệp Sơn (nay thuộc phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn), loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch. Năm 1886, Đốc Tít chỉ huy nghĩa quân bắn cháy hai tàu chiến Pháp tại cửa hang Son và tiến công đồn Đông Triều (ngày 10-7-1886). Đặc biệt, ngày 8-6-1888, nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy đánh một trận quyết liệt với quân Pháp ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), gây cho địch nhiều tổn thất. Ngày 11 và 12-9-1888, nghĩa quân tiến công đồn Uông Bí (Quảng Ninh), diệt nhiều địch...

Sự tồn tại của căn cứ Hai Sông là nỗi lo và mối nguy lớn đối với thực dân Pháp trong công cuộc bình định vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Vì thế, khi phát hiện được căn cứ nghĩa quân, địch tập trung lực lượng càn quét lớn, quyết tiêu diệt nghĩa quân và triệt hạ bằng được căn cứ Hai Sông. Cuối năm 1888, Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ chính ở Trại Sơn. Đốc Tít chỉ huy hơn 600 nghĩa quân đánh trả quyết liệt, đẩy lùi cuộc càn quét quy mô lớn của địch. Sau nhiều ngày chiến đấu, ngày 11-12-1888, nghĩa quân bí mật rút khỏi vòng vây của địch tới cù lao Hai Sông tiếp tục hoạt động.

Để đối phó với ảnh hưởng của nghĩa quân Đốc Tít, Pháp lập hệ thống đồn bốt bố trí canh gác, kiểm soát từng địa phương hòng tách nghĩa quân khỏi chỗ dựa nhân dân; đồng thời triều đình Huế phái Hoàng Cao Khải đem quân phối hợp với quân Pháp đánh dẹp nghĩa quân. Ngày 14-7-1889, Pháp huy động 1.500 quân, trang bị đầy đủ vũ khí, có cả tàu chiến và đại bác hỗ trợ, chia làm 4 cánh tiến công vào căn cứ Hai Sông. Dựa vào những hang đá kiên cố và chiến lũy, nghĩa quân đã anh dũng đánh chặn các cuộc tiến công của địch. Sau hơn một tháng chiến đấu, số nghĩa quân của Đốc Tít giảm nhiều do bị thương, hy sinh hoặc bị địch bắt. Khu căn cứ Hai Sông bị địch bao vây chặt, nhiều công sự bị tàn phá, lương thực, vũ khí thiếu. Đến ngày 12-8-1889, Đốc Tít bị địch bắt, sau đó bị đi đày ở Algeria và mất ngày 21-12-1916.

Đốc Tít là một trong những thủ lĩnh sát cánh chiến đấu cùng với Nguyễn Thiện Thuật ở căn cứ Bãi Sậy, đã có những đóng góp to lớn trong Phong trào Cần Vương chống Pháp ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó, vai trò nổi bật của ông gắn liền với việc lãnh đạo xây dựng và chỉ huy nghĩa quân chiến đấu bảo vệ căn cứ Hai Sông. Ông xứng đáng được lịch sử ghi nhận và nhân dân tôn vinh, trở thành một trong những danh nhân quân sự, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, quyết tâm chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ 19.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP