Cao Bá Điển còn có tên là Cao Vinh (nhân dân địa phương thường gọi là Cao Điển), sinh ngày 11-11 năm Quý Sửu 1853 (có tài liệu ghi ông sinh năm Mậu Thân 1848) trong một gia đình nông dân nghèo, quê ở làng Trinh Sơn (nay thuộc xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, Cao Bá Điển vừa đi học vừa lao động để kiếm sống. Lớn lên trong cảnh triều Nguyễn phải đối phó với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, vì thế, năm 1877, Cao Bá Điển từ giã quê nhà để đi lính cho triều đình. Vốn thông minh lại chăm chỉ rèn luyện, năm 1879, Cao Bá Điển tham dự kỳ thi võ và đỗ cử nhân võ. Trong cuộc tiến công vào tòa Khâm sứ Pháp và đồn Mang Cá đêm 4, rạng sáng 5-7-1885, Cao Bá Điển đứng về phe kháng chiến, trực tiếp chỉ huy quân tham gia trận đánh. Khi Vua Hàm Nghi xuất bôn, Cao Bá Điển tham gia bảo vệ, hộ tống nhà vua từ kinh đô Huế ra sơn phòng Quảng Trị rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Sau khi Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Cao Bá Điển được Tôn Thất Thuyết cử ra Thanh Hóa tổ chức phong trào chống Pháp. Trở về quê, Cao Bá Điển liền chiêu mộ nghĩa quân xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở làng Trinh Sơn, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân huyện Hoằng Hóa và vùng lân cận tham gia. Khi được tin Tống Duy Tân khởi binh, xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở Bồng Trung-Đa Bút (Vĩnh Lộc), Cao Bá Điển quyết định kéo đội nghĩa quân dưới quyền mình tới phối hợp với nghĩa quân Hùng Lĩnh chống Pháp. Từ đây, nghĩa quân Hùng Lĩnh không chỉ có thêm lực lượng chiến đấu mà bộ chỉ huy nghĩa quân cũng có thêm Cao Bá Điển-một người chỉ huy kiên cường, có tài tổ chức và chỉ huy chiến đấu, đã tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi.
Điển hình là trận đánh tỉnh lỵ Thanh Hóa ngày 12-3-1886. Theo kế hoạch, nghĩa quân Hùng Lĩnh do Cao Bá Điển chỉ huy phối hợp với nghĩa quân các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa bí mật áp sát, nhanh chóng giết chết bọn lính gác, sau đó tiến vào thành Thanh Hóa, diệt nhiều binh lính và một số sĩ quan Pháp, chiếm các công sở. Địch huy động 300 lính khố xanh đến ứng cứu. Nghĩa quân chiến đấu quyết liệt ngăn chặn địch, đến sáng 13-3 thì chủ động rút về căn cứ an toàn. Ngày 26-3-1886, nghĩa quân tổ chức phục kích một toán quân Pháp đi càn quét ở làng An Bình, huyện Yên Định (nay là thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), diệt một số tên, số còn lại rút chạy về tỉnh lỵ Thanh Hóa.
Nhằm đẩy mạnh phong trào chống Pháp trong tỉnh lên một bước mới, giữa năm 1886, Cao Bá Điển cùng các lãnh tụ phong trào Cần Vương Thanh Hóa họp tại Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc. Theo quyết định tại cuộc họp, nghĩa quân Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân và Cao Bá Điển chỉ huy đến đóng ở Phi Lai (nay thuộc xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) để hỗ trợ cho nghĩa quân Ba Đình.
Sau khi hai căn cứ Ba Đình và Mã Cao bị thất thủ (1887), nghĩa quân Hùng Lĩnh cũng gặp khó khăn do địch tăng cường truy lùng khủng bố. Sau khi bàn giao việc lãnh đạo nghĩa quân cho Cao Bá Điển, Tống Duy Tân ra Bắc bắt liên lạc với những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa tìm sự giúp đỡ nghĩa quân Hùng Lĩnh. Cao Bá Điển trở thành trụ cột tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân xây dựng và chiến đấu. Lúc này, nghĩa quân Hùng Lĩnh đóng ở làng Vân Đồn, xã Hợp Lý, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Phát hiện nghĩa quân, ngày 8-10-1889, tên đồn trưởng Nông Cống người Pháp chỉ huy một đội biệt động từ huyện lỵ Nông Cống kéo đến sa vào trận địa phục kích của nghĩa quân do Cao Bá Điển chỉ huy ở Cồn Giếng. Tên đồn trưởng cùng với lính Pháp và 4 lính khố xanh bị tiêu diệt, số còn lại phải rút chạy. Tiếp đó, ngày 11-10-1889, cũng tại Cồn Giếng, nghĩa quân lại tổ chức phục kích đánh chặn 120 tên địch do Công sứ Thanh Hóa chỉ huy, gây cho chúng một số thiệt hại, buộc phải rút về tỉnh lỵ Thanh Hóa.
Sau hai trận thắng, Cao Bá Điển biết quân Pháp sẽ tập trung lực lượng lớn tiến công nên bí mật chuyển nghĩa quân vượt sông Chu, sông Mã về Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc), bố trí nhiều điểm phục kích từ Bồng Trung đến Đa Bút. Tại đây, ngày 2-11-1889, nghĩa quân đã chặn đánh quyết liệt cuộc tiến công của 200 tên địch do Barberet chỉ huy. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí trang bị, Tống Duy Tân và Cao Bá Điển lệnh cho nghĩa quân rút khỏi Đa Bút về Phố Cát (huyện Thạch Thành), sau đó chuyển tới xây dựng căn cứ ở làng Vạn Lại (nay thuộc xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tiếp tục chiến đấu. Ngày 30-11-1889, dựa vào hệ thống hào giao thông và công sự khá kiên cố, nghĩa quân đánh chặn, bẻ gãy một cuộc càn lớn của địch do Trung tá Lefevre chỉ huy, buộc chúng phải rút chạy về Yên Lãng chờ viện binh. Phát huy thắng lợi, đêm 2-12-1889, Cao Bá Điển và những người chỉ huy nghĩa quân quyết định chia lực lượng thành 4 mũi bí mật tập kích vào nơi trú quân của địch ở Yên Lãng, gây cho chúng thiệt hại nặng.
Phát huy thế thắng, ngày 5-3-1890, nghĩa quân do Cao Bá Điển chỉ huy tiến đánh đồn Nông Cống, khiến địch phải điều quân từ tỉnh lỵ Thanh Hóa đến ứng cứu. Cao Bá Điển không chỉ là người giỏi dụng binh mà còn có tài “ngụy vận”. Trong thư kêu gọi binh lính người Việt trong quân đội Pháp ở đồn Thị Long (huyện lỵ Tĩnh Gia) viết vào tháng 3-1890 có nội dung: “Tôi là Cao Bá Điển, Đề đốc chỉ huy nghĩa quân, rất hân hạnh được gửi mấy lời này với anh em quân đội đồn Thị Long. Bọn Pháp đánh chiếm nước chúng ta, thần và người đều giận... Tôi được lệnh đi tiễu trừ gian phi. Lương-giáo chúng ta cùng là con một nước không nên sát hại lẫn nhau... Các anh nên trở về với gia đình làm ăn yên ổn, hoặc đánh lại giặc, cướp lấy súng nộp cho nghĩa quân thì không những được tha tội mà còn được lĩnh thưởng”.
Dưới sự chỉ huy khôn khéo của Cao Bá Điển, ngày 29-3-1890, nghĩa quân đã đánh chặn quyết liệt quân địch đến vây đánh làng Yên Lãng (nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân), buộc chúng lui quân. Hai năm 1891-1892, nghĩa quân Hùng Lĩnh phải chiến đấu lưu động trên địa bàn rộng lớn từ Thọ Xuân sang Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc và cuối cùng là vùng Thường Xuân. Tại Thường Xuân, nghĩa quân Hùng Lĩnh phối hợp với nghĩa quân của Cầm Bá Thước chống lại nhiều cuộc càn quét của địch. Ngày 18-5-1892, nghĩa quân do Tống Duy Tân và Cao Bá Điển chỉ huy phối hợp với nghĩa quân Đốc Ngữ chiến đấu giành thắng lợi lớn ở Niên Kỷ châu Quan Hóa (nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), diệt 8 sĩ quan Pháp, 70 lính ngụy, làm bị thương nhiều tên khác, thu 15 khẩu súng.
Thế nhưng mọi nỗ lực chiến đấu của nghĩa quân không làm chuyển biến được tình hình, lực lượng bị hao tổn (còn khoảng 100 người và 50 súng), địa bàn hoạt động bị thu hẹp. Sau khi Tống Duy Tân bị địch bắt (5-10-1892), Cao Bá Điển ra Bắc, lên căn cứ Yên Thế (Bắc Giang) tìm gặp thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám để phối hợp chống Pháp. Song vừa đến Bắc Giang, chưa gặp được Hoàng Hoa Thám thì ngày 16-1-1896, Cao Bá Điển bị địch bắt rồi đưa về Thanh Hóa. Sau khi tìm mọi cách dụ dỗ và tra tấn mà không thể khuất phục nổi, ngày 28-12-1896, thực dân Pháp đã xử tử ông tại Cầu Hạc, Thanh Hóa.
Là người đứng hẳn về phe chủ chiến của triều đình Huế, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp, cống hiến nổi bật của Cao Bá Điển là đóng góp quan trọng đối với phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa trong xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ. Ông trở thành thủ lĩnh trụ cột chỉ huy nghĩa quân Hùng Lĩnh chiến đấu rất linh hoạt, lập nhiều chiến công xuất sắc, để lại nhiều kinh nghiệm quý, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật đánh giặc giữ nước độc đáo của dân tộc.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP