Bắc Sơn là vùng bồn địa nằm gọn giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp tạo nên khung cảnh bình yên và đẹp đến nao lòng. Văn hóa Bắc Sơn lắng trong trầm tích núi sông, lắng trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao và những di tích trường tồn cùng năm tháng. Nơi đây được coi là “quê hương cách mạng-vùng đất anh hùng”, bởi cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (năm 1940) do quân, dân Bắc Sơn tiến hành đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Dưới mái đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ (Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã có một cuộc họp vô cùng quan trọng diễn ra trong những ngày mùa thu quật khởi ấy.

Đồng chí Dương Xuân Hòa, nguyên Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn (khóa XIV), là con trai của một chiến sĩ Đội du kích Bắc Sơn, đã cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên trước trí nhớ và sự hiểu biết sâu sắc về vùng đất này, trong đó có sự kiện quan trọng diễn ra dưới mái đình Nông Lục. Vào một đêm cuối tháng 9-1940, các đảng viên cộng sản sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân đã tập hợp và họp bàn với các đảng viên Chi bộ Hưng Vũ để nhận định tình hình, thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa. Ban chỉ đạo đã chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa nhằm cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài (nay thuộc xã Hưng Vũ), châu lỵ Bắc Sơn lúc 8 giờ tối 27-9-1940, tạo nên bước ngoặt lịch sử quan trọng, là tiếng súng mở đầu cho khởi nghĩa vũ trang cách mạng.

leftcenterrightdel

Các lãnh đạo của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Ảnh tư liệu 

Chiêm bái ngôi đình lịch sử, đôi câu đối nhuốm màu thời gian nơi cửa đình đã cho chúng tôi nhiều giao cảm trước tấm lòng và chí nguyện của người xưa. “Lưu phúc địa hộ giang sơn/ Hội nhân tài phụ Tổ quốc”-hơn trăm năm trước, nam phụ lão ấu sinh cơ lập ấp tại miền biên này đã phát tâm lời nguyện đó như ước định cùng núi sông bờ cõi rằng, sẽ đồng lòng bảo vệ giang sơn, phụng sự Tổ quốc. Được xây từ thời nhà Nguyễn, thờ Thành hoàng làng-vị thần có công giúp nước, hộ dân và cai quản đất đai trong làng, nét độc đáo của ngôi đình nằm ở kiến trúc được kết hợp tinh xảo giữa kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ truyền thống và nhà sàn của người Tày, cây đa trăm tuổi lồng bóng núi, tỏa bóng trên mái ngói âm dương, cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi hiện diện ở nơi đây từ rất sớm.

Rời ngôi đình trăm tuổi với bóng đa thiêng, chúng tôi đến với rừng Khuổi Nọi thuộc xã Vũ Lễ. “Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Việt Bắc-Tố Hữu) là đây. Năm 1941, ngay sau khi về nước, căn cứ vào tình hình ở vùng Bắc Sơn-Võ Nhai và Cao Bằng là những chiến khu cách mạng được xây dựng từ nhiều năm, lại đang có đội du kích tập trung của Đảng hoạt động, Nguyễn Ái Quốc (với bí danh Già Thu) và Trung ương Đảng đã chọn đây là nơi thí điểm xây dựng những cơ sở Việt Minh đầu tiên của Đảng. Dưới tán rừng này, ngày 23-2-1941, Đội Cứu quốc quân 1 được thành lập. Đây là đội vũ trang đầu tiên của Đảng do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Rừng Khuổi Nọi trở thành trung tâm huấn luyện, trang bị kiến thức về quân sự cho lớp cán bộ quân sự đầu tiên của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Biên cương nhớ bóng anh hùng, giữa rừng Khuổi Nọi hôm nay, trong khói hương bảng lảng, chúng tôi nghe trong gió còn vọng vang 5 lời thề sắt son của 32 chiến sĩ cách mạng giữa núi rừng Khuổi Nọi năm xưa: 1. Không phản Đảng; 2. Tuyệt đối trung thành với Đảng; 3. Kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh; 4. Không hàng giặc; 5. Không hại dân.

Trong hành trình về với Bắc Sơn, một điểm đến quan trọng của chúng tôi là Nhà truyền thống xã Vũ Lăng, hay còn được gọi là Trường Vũ Lăng. Trở lại nơi đây khi cuộc Khởi nghĩa

Bắc Sơn đã lùi xa gần một thế kỷ, vậy mà chúng tôi vẫn cảm nhận được khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa nhờ các hiện vật đang lưu giữ tại ngôi trường nhỏ nhuốm màu thời gian ấy. Đó là ảnh các căn cứ du kích, các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa, du kích Bắc Sơn tiêu biểu như: Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Hoàng Văn Hán...   

leftcenterrightdel

Du kích Bắc Sơn tiến hành cuộc mít tinh tại Trường Vũ Lăng ngày 28-10-1940. Ảnh tư liệu 

Cuộc mít tinh tại Trường Vũ Lăng ngày ấy có ý nghĩa như một cuộc biểu dương lực lượng, biểu thị sự đồng lòng, quyết tâm đánh Pháp, đuổi Nhật của quân, dân Bắc Sơn. Nhiều hiện vật khác như súng kíp, giáo, kiếm mà các chiến sĩ du kích Bắc Sơn đã sử dụng, chiếc bàn đồng chí Trần Đăng Ninh đã sử dụng, chiếc ấm tích ủ trà bà con dùng ngụy trang mang muối vào rừng cho cán bộ đều lưu giữ những câu chuyện đầy khí phách và ân tình của quân, dân. Chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh một số ngôi làng tan hoang, đồng chí Dương Thị Thép, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn giới thiệu, đó là hình ảnh ghi lại 14 căn nhà của đồng bào Tày ở làng Minh Đán (nay thuộc xã Hưng Vũ) bị thiêu cháy hoàn toàn và 16 hộ gia đình đồng bào Dao ở làng Khuôn Khát (nay thuộc xã Vũ Lễ) bị thảm sát dưới họng súng, lưỡi lê của quân thù. Ngày đó, giữa lúc phong trào cách mạng ở Bắc Sơn đang phát triển mạnh, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng hơn 4.000 quân mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai. Trước sức mạnh gấp nhiều lần của kẻ thù, Đội Cứu quốc quân l và các tổ du kích, tự vệ trong chiến khu chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt địch, đẩy lùi một số cuộc càn quét của địch, bảo vệ an toàn cho các đồng chí Ủy viên Trung ương và cán bộ cốt cán thoát khỏi vòng vây của địch.

Nơi yếu địa sáng tình đất nước, các cuộc đàn áp của thực dân Pháp đã cho thấy tấm lòng trung trinh, cương liệt của nhân dân các dân tộc Bắc Sơn. Nhiều làng, bản bị đốt phá, nhiều quần chúng cách mạng bị giết, bị bắt và tra tấn dã man, song bà con thà hy sinh tất cả chứ nhất định không tiếp tay cho kẻ thù đuổi bắt cán bộ, phá hoại cách mạng.

Tre già cho măng ấm bụi, rừng lại lên xanh! Những ngôi làng năm xưa tan nát dưới gót giày quân xâm lược giờ đây rộn ràng nhịp sống thanh bình, no ấm. Minh Đán, Khuôn Khát... hôm nay đẹp như một bức tranh quê, một điển hình tiên tiến của Bắc Sơn trong xây dựng nông thôn mới. Cờ Tổ quốc bay trong gió xuân, những nếp nhà sàn vững chãi, những cánh đồng xanh lúa, vàng ngô và tiếng trẻ thơ líu lo hát bên bia di tích lịch sử là minh chứng thuyết phục nhất về sức sống và nghị lực của người dân nơi đây.

Ghi chép của PHẠM VÂN ANH