Tham quan Phòng truyền thống Lữ đoàn 134, tôi được Thượng tá Thái Doãn Ngọc, Phó chính ủy Lữ đoàn giới thiệu truyền thống của đơn vị từ năm 1966 đến nay. Chúng tôi dừng lại ở những bức ảnh tổ đài của Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M thuộc Tiểu đoàn 4, những người đầu tiên truyền tin chiến thắng ngày 30-4-1975 về Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, để từ đó truyền tin ra Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh ở Hà Nội.

Tôi còn nhớ vào tháng 1-2019, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Bộ đội Thông tin liên lạc (28-1-1969), Lữ đoàn 134 đã tổ chức buổi giao lưu giữa các cán bộ, chiến sĩ Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M năm xưa với cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn. Buổi giao lưu thật cảm động bởi niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và niềm vui gặp mặt của các thành viên tổ đài truyền tin chiến thắng sau hàng chục năm xa cách.

Cựu chiến binh Trần Văn Thủy, nguyên Trạm trưởng Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M kể: “Ngay sau khi lực lượng của Quân đoàn 2 làm chủ Dinh Độc Lập, chúng tôi được lệnh vào triển khai tổ đài tại đó để bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời báo cáo sự kiện nội các chính quyền ngụy Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ trạm chúng tôi ai cũng vui mừng nên khẩn trương triển khai tổ đài liên lạc. Dù có nhiều khí tài nặng nhưng khi vận chuyển lên tầng 3 của Dinh Độc Lập, chúng tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng. Do được thông báo trước về góc độ ăng ten của trạm tiếp sức trên tầng thượng Dinh Độc Lập nên khi triển khai xong khí tài là chúng tôi liên lạc được ngay với Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh...”.

leftcenterrightdel

Cán bộ Lữ đoàn 134 cùng các cựu chiến binh Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M, tháng 1-2019. Ảnh: TRỌNG TUỆ   

Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M khi vào Dinh Độc Lập có 7 cán bộ, chiến sĩ, gồm một trạm trưởng, một phó trạm trưởng, một lái xe và 4 báo vụ viên. Trong buổi gặp mặt hôm ấy chỉ còn 5 người là các cựu chiến binh: Trần Văn Thủy, Trạm trưởng; Nguyễn Ngọc Thắng, Phó trạm trưởng; Phạm Ngọc Thụ, lái xe và các báo vụ viên: Bùi Văn Dậu, Nguyễn Văn Lý. Các thành viên khác đến nay người đã mất, người chưa liên lạc được.

Chúng tôi cùng với Thượng tá Thái Doãn Ngọc đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1953, trú tại tổ 1, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), nguyên Phó trạm trưởng Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M, khi ông vừa đi họp Ban tổ chức lễ hội khu phố trở về. Hỏi về kỷ niệm khi triển khai tổ đài tại Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975, ông kể: “Lúc ấy, chúng tôi tinh thần rất phấn khởi, hăng hái triển khai khí tài, vận chuyển từ tầng một leo cầu thang bộ lên tầng ba, lắp đặt khí tài ở đó, rồi lên lắp đặt ăng ten ở tầng thượng của dinh. Tôi có sức khỏe tốt nên nhận việc vận chuyển các khí tài nặng nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi triển khai xong tổ đài và mở phiên liên lạc ngay. Chúng tôi sử dụng khí tài thông tin vô tuyến điện tiếp sức P401-M để truyền tin về Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cũng cảm thấy rất rõ niềm vui của các báo vụ viên Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy khi nhận được tin chiến thắng hôm ấy”...

Ông Nguyễn Ngọc Thắng nhập ngũ tháng 5-1971, được biên chế về Tiểu đoàn 627, Sư đoàn 320B. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới, ông được chuyển về Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 (Binh chủng Thông tin liên lạc). Từ tháng 12-1971, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu và bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Tổ đài A-350 do ông phụ trách đã truyền đi nhiều tin chiến thắng ở La Vang, Ái Tử, động Ông Do (Quảng Trị), đặc biệt là thông tin ta giải phóng tỉnh Quảng Trị ngày 1-5-1972.

Sau đó, ông được điều ra Bắc huấn luyện sử dụng khí tài thông tin vô tuyến điện tiếp sức P401-M và P405. Huấn luyện xong, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 4 (Binh chủng Thông tin liên lạc). Đầu tháng 3-1975, đơn vị ông hành quân thần tốc vào miền Nam, có mặt bảo đảm thông tin liên lạc ở Xuân Lộc, rồi cơ động qua Dầu Giây, Biên Hòa, tới Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia bảo đảm thông tin liên lạc cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M của ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự là đơn vị đầu tiên truyền tin chiến thắng về Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Chiến dịch để báo cáo ra Hà Nội và cả nước.

Nhớ lại thời điểm 48 năm trước, cựu chiến binh, nguyên Trạm trưởng Trần Văn Thủy cho biết: “Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi và một số chiến sĩ được kết nạp Đảng. Tiểu đoàn 4 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tập thể Trạm vô tuyến điện tiếp sức P401-M được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì”.

XUÂN GIANG