Năm 2019, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tập truyện ký “Những liệt sĩ thời bình” của nhà văn Phùng Văn Khai, hiện là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tập sách gồm 10 bút ký và 4 truyện ký, viết về người thật, việc thật là những người vợ liệt sĩ, những người lính thời bình và công tác chính sách hậu phương Quân đội...

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973, tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; nhập ngũ tháng 2-1994. Gần 30 năm quân ngũ, nhà văn Phùng Văn Khai luôn bám sát các đơn vị Quân đội, nhất là khi có các đồng chí cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi cứu dân trong bão lũ, anh đều cất công tìm hiểu và từ đó thể hiện vào những trang viết rất sinh động. Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, anh chia sẻ: “Một day dứt, thậm chí là dằn vặt luôn trở đi trở lại mỗi khi tôi đối diện với những người vợ lính có chồng hy sinh, nhất là hy sinh trong thời bình. Đất nước rộng dài. Mấy cuộc chiến tranh dằng dặc. Không đất nước nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như đất nước Việt Nam. Ngay thời bình, tôi đã chứng kiến không ít đồng đội hy sinh, có người khá thầm lặng. Những người vợ liệt sĩ, dù ở lứa tuổi nào chăng nữa cũng đều dội trực diện vào tâm tư, luôn ám ảnh, thúc giục ngòi bút của tôi. Có những cuộc, sau 6, 7 năm các anh hy sinh, những người vợ hăm mốt, hăm hai ngày nào, con thơ còn tơ tóc, giờ đây chúng lớn lên, được giải thích, được hưởng chế độ, chính sách, nhưng riêng tôi vẫn thấy có cái gì đó chưa trọn vẹn. Đời người phụ nữ góa chồng luôn dài khác thường. Những người vợ lính càng không ngoại lệ, có khi còn mông mênh dằng dặc hơn. Tôi luôn ám ảnh và tìm xuống các đơn vị toàn quân vì những lý do như thế”.

leftcenterrightdel

Tập truyện ký "Những liệt sĩ thời bình" của nhà văn Phùng Văn Khai. Ảnh: QUỲNH LINH 

Ở phần bút ký của “Những liệt sĩ thời bình”, tác giả trực tiếp gặp gỡ, khai thác nhân chứng và chuyển tải những thông điệp xúc động. “Khi đối diện với người vợ trẻ của liệt sĩ Đặng Đình Hào ở Ninh Bình, tôi không dám nói với chị một điều gì về lẽ sống. Nhìn đàn gà con lích rích ngoài sân bên cạnh cậu bé con liệt sĩ Hào đang lẫm chẫm, tôi thấy mọi lời nói là thừa thãi. Hôm cùng nhà văn Nguyễn Thế Hùng đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Phượng ở Nghệ An, tôi càng bàng hoàng hơn khi trong căn nhà tuềnh toàng, dột nát là hình ảnh người mẹ già gần 90 tuổi không dậy được, nằm trên chiếc chõng tre, bên dưới là chậu than hồng nghi ngút khói ở cái lạnh 3-4oC. Hôm ở Lạng Sơn, trước những vành khăn trắng của liệt sĩ Ngô Văn Vinh, tôi và nhà báo Hàn Viết Hoan, phóng viên Báo Biên phòng cũng chỉ biết ngồi im như tượng. Một hôm, trong căn nhà nhỏ đi thuê ở một đơn vị xăng dầu, người vợ liệt sĩ vừa 20 tuổi ru con ngủ khi chúng tôi quay những cảnh phim càng như cứa vào tâm can chúng tôi-đồng đội của các anh những vết cứa không thể liền được. Những nỗi đau quá lớn với một gia đình, mỗi người cha, người mẹ, người vợ, người con...”, nhà văn Phùng Văn Khai cho hay. 

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú là đồng nghiệp, nhiều năm công tác cùng nhà văn Phùng Văn Khai và có rất nhiều bài viết về sáng tác của anh, nhận định: “Những liệt sĩ thời bình” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Phùng Văn Khai. Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh là một trong những người đi đơn vị nhiều nhất và cũng là người viết bút ký chân dung về liệt sĩ thời bình nhiều nhất. Những trang viết ấy đã cho thấy đời sống, nhất là sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong thời bình là rất thiêng liêng, lay động trái tim bạn đọc, để chúng ta trân trọng hơn cuộc sống. Cùng với mảng đề tài lịch sử, Phùng Văn Khai còn có những đóng góp trong sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, mà tiêu biểu là bút ký, truyện ký “Những liệt sĩ thời bình”-tác phẩm đã đoạt Giải thưởng về văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng”.

“Những liệt sĩ thời bình” đã khắc họa chi tiết những khó khăn, vất vả của người lính trong quá trình công tác và cả sự hy sinh của họ. Đề tài người lính hay nhưng khó để thu thập đủ tư liệu và cũng rất khó trong cách viết để hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, trong tập bút ký này, những câu chuyện ấy là những trải nghiệm có thật, ít người biết về những người lính, những liệt sĩ trong thời bình. Xuyên suốt tác phẩm là những khó khăn mà người lính gặp phải trong quá trình công tác, sự hy sinh cao cả của họ để bảo vệ đồng đội, nhân dân trong các nhiệm vụ và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào của người ở lại khi nhận tin chồng, con mình đã hy sinh. Những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm đều là những người anh hùng đã và đang ngày ngày cố gắng hết sức mình để bảo vệ đất nước và nhân dân. Đa phần trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Trong quá trình công tác, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh. Những cán bộ, chiến sĩ ấy hằng ngày hòa đồng, vui vẻ cùng đồng đội, giúp đỡ nhân dân, được nhân dân vô cùng yêu quý.

leftcenterrightdel

Nhà văn Phùng Văn Khai (áo trắng) cùng cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn trao đổi với chị Đỗ Thị Thu Hương - vợ liệt sĩ Ngô Văn Vinh (năm 2007). Ảnh do nhà văn Phùng Văn Khai cung cấp

Kể về “Những liệt sĩ thời bình”, nhà văn Phùng Văn Khai cho hay: “Có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại những vùng biên cương núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí có khi cả năm mới có thể nghỉ phép một, hai lần. Hằng ngày, cha mẹ già và vợ con đều chờ mong tin tức của các anh. Tuy khó khăn là vậy nhưng các anh luôn cố gắng bám trụ biên giới, hải đảo, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc. Điển hình là trong các trận lũ quét, sạt lở... các anh luôn sẵn sàng ứng cứu người dân và tài sản của người dân, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng của mình để bảo đảm cho lợi ích và tính mạng của nhân dân. Sự hy sinh cao cả ấy của các anh đã để lại niềm tiếc thương vô bờ của nhân dân, những người đồng đội và đặc biệt là sự đau xót của gia đình các anh...”.

Ngoài những khoảnh khắc ứng cứu nhân dân trong thiên tai, cũng có không ít cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biên giới. Trong những chuyên án bắt giữ tội phạm nguy hiểm, các anh đã ngã xuống. Những cố gắng, hy sinh của các anh được tác giả Phùng Văn Khai miêu tả một cách chân thực trong tác phẩm bút ký của mình. Tổng thể tập bút ký là những nỗi trăn trở về cuộc sống của người lính, những khó khăn hằng ngày mà họ và gia đình phải đối mặt. “Những liệt sĩ thời bình” cho người đọc thấy rõ hơn các khía cạnh về đời sống của người lính hy sinh ngay cả trong thời kỳ không có chiến tranh, đem lại cái nhìn chính xác, chân thật.

TRẦN MẠNH TUẤN