Trò chuyện với chúng tôi trong căn hộ chung cư ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, bác sĩ Phan Thị Phi Phi trầm ngâm nhớ lại: “Đó là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời tôi. Giờ nghĩ lại cũng không biết bằng sức mạnh nào mà mình đã vượt qua những tháng ngày vô cùng hiểm nguy, gian khó ấy!”. Rồi ký ức như một cuốn phim quay chậm đưa bà về những năm cuối thập kỷ 1960.

Năm 1966, đang là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội, bà được cấp trên cử vào xây dựng bệnh viện tại Khu 5. Bệnh viện đóng tại Nam Trà My, Quảng Nam, lấy mật danh là Làng Khoa. Ban đầu, bà được cử làm Chủ nhiệm Khoa Nội, sau khi bệnh viện tách thành hai cơ sở thì bà đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện 1 (nay là Bệnh viện C Đà Nẵng).

leftcenterrightdel

Bác sĩ Phan Thị Phi Phi và các đồng nghiệp tại chiến trường Khu 5, năm 1971. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nhiệm vụ của Bệnh viện khi ấy là khám, chữa bệnh cho cán bộ của Khu ủy, có khi cho cả bộ đội và nhân dân trong vùng. Nhiệm vụ nặng nề nhưng con người và trang thiết bị đều thiếu thốn. Là giám đốc một bệnh viện non trẻ, bác sĩ Phi Phi đã phải cố gắng hết sức mình để giải quyết khối lượng công việc rất lớn.

- Bà đã phân chia công việc như thế nào để mọi việc suôn sẻ?-Tôi hỏi.

- Nói thì các bạn có thể không hình dung ra nhưng nếu nhiệm vụ của một bệnh viện bây giờ chỉ là khám, chữa bệnh cũng như nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thì chúng tôi phải làm tất cả để vừa có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa sản xuất để tạo ra lương thực, thực phẩm. Vậy là chỉ với biên chế khoảng 60-70 người, chúng tôi chia làm 4 đội: Chuyên môn, đánh cá, vận chuyển và sản xuất để duy trì hoạt động của Bệnh viện. Đội làm chuyên môn thường ít người nhất, nhưng một năm vẫn phải có đủ 3 tháng làm nhiệm vụ sản xuất. Giám đốc thì được tính ngày công ít hơn nhưng cũng vẫn phải lao động!-Bác sĩ Phi Phi cười, cho biết.

Bệnh viện đóng quân trong rừng sâu để bảo đảm bí mật, muốn đi từ khu khám bệnh đến cơ sở chính phải mất một ngày đường. Nhưng cái khó khăn nhất chính là việc thường xuyên phải di chuyển. Bà nhớ lại: “Vất vả nhất là năm 1971, trong hai tháng, chúng tôi phải di chuyển 7 lần, do thời gian ấy địch thường xuyên lùng sục, đánh phá. Nghĩa là vừa làm xong cơ sở dã chiến, chưa kịp chuyển bệnh nhân đến thì đã phải đi làm bệnh viện mới ở địa điểm khác”. Bác sĩ Phi Phi thường là người đi đầu trong những cuộc chuyển cơ sở ấy để nắm bắt và phân công mọi việc.

 Nhắc đến việc di chuyển, bác sĩ Phi Phi không thể quên những chuyến công tác xuyên rừng trong đêm của mình. Có lần vì về trễ hơn so với dự định, không đúng giờ hẹn đồng đội đi thuyền sang đón để vượt sông Tranh, bà phải ở một mình suốt đêm trong rừng. “Đó là một đêm mùa đông mưa gió, tôi mặc áo nilon che mưa, đứng nép mình trên tảng đá, chỉ nghĩ có thể bị thú rừng ăn thịt bất cứ lúc nào, lại nghĩ đến con gái ở nhà mà nước mắt tuôn rơi!”, bà kể.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Phan Thị Phi Phi và con gái trước khi vào chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Khó khăn là vậy, nhưng với ý chí và sức sáng tạo không ngừng, bà và cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã luôn nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Như việc làm ra viên thuốc bổ bằng... giun đất để bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh là một ví dụ. “Ngày ấy, bệnh nhân sốt rét và suy dinh dưỡng nhiều lắm. Họ có gì để bồi dưỡng đâu! Thấy trong rừng có rất nhiều giun đất, tôi nghĩ, nếu bệnh nhân được ăn thịt giun thì rất tốt cho phục hồi sức khỏe. Nhưng phải chế biến thế nào đó để bệnh nhân dễ ăn”.

Vậy là sau nhiều đêm trăn trở, bác sĩ Phi Phi đã nghĩ ra quy trình chế biến giun đất thành thuốc: “Chúng tôi rọc con giun đất ra, chà muối cho sạch sẽ rồi đem sấy khô, sau đó tán thành bột rồi trộn với bột gạo rang và mật ong rồi làm thành viên, ăn khá ngon! Thuốc được đặt tên là MK10 (MK - viết tắt tên dược sĩ Minh Khiếu, số 10 là tháng viên thuốc ra đời) và chỉ sau một thời gian đã chứng minh hiệu quả rõ rệt với người bệnh”.

Luôn nghĩ đến người bệnh và mong tìm ra các phương thuốc để nâng cao sức khỏe bệnh nhân, tuy nhiên cũng có sáng kiến khiến bác sĩ Phi Phi bị cấp trên phê bình. Ấy là chuyện phổ biến lá sắn có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng. Bác sĩ Phi Phi kể: “Trong điều kiện thuốc chữa bệnh và dinh dưỡng thiếu thốn, bệnh nhân hầu hết mắc chứng tê phù, mất tiếng do thiếu nhiều loại vitamin khác nhau. Tôi từng đọc một tài liệu nói về việc lá sắn có rất nhiều chất dinh dưỡng, chỉ sau trứng gà, vì thiếu chất methionine. Như vậy, chỉ cần ăn lá sắn với vừng-loại thực phẩm có nhiều methionine thì lá này “bổ như trứng” vậy. Lại nghĩ, ở đây trồng bạt ngàn sắn, vậy là tôi liền viết một bài báo phổ biến “thực đơn khoa học” cho toàn Khu 5”.

leftcenterrightdel

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, bác sĩ Phan Thị Phi Phi. Ảnh: KHÁNH AN 

Bài báo được phát hành, ngay sau đó, hàng loạt rẫy sắn bị... vặt trụi lá. Việc này khiến năng suất thu hoạch củ sắn giảm nên bà bị phê bình vì làm ảnh hưởng đến phong trào hậu cần của Khu, nhưng bà vẫn vui vì đổi lại, nhiều cán bộ và người dân chữa được chứng bệnh tê phù. Từ đó, cái tên “bà Phi lá sắn” lan rộng toàn Khu.

Tháng 6-1972, bác sĩ Phi Phi được lệnh ra Bắc. 6 năm đã qua là thời gian đằng đẵng xa chồng, xa con, nhớ thương không sao kể xiết! 6 năm ấy, con gái Hà Phan Hải An phải về sơ tán với bố-bác sĩ Hà Văn Ngạc ở Bệnh viện Quân khu 4, lúc đó đóng quân ở Thanh Chương, Nghệ An. Ngày trở lại, con gái không nhận ra mẹ. Mãi một thời gian sau, hai mẹ con mới thân thiết, gần gũi được. Nhưng có một thiệt thòi lớn hơn là bác sĩ Phi Phi không thể sinh thêm người con nào nữa. 4 lần mang thai sau này của bà đều không giữ được, vì thời gian ở chiến trường, bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đó cũng là lý do để sau này, trên các cương vị công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội, bà đã tích cực hoạt động, ủng hộ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bà nghiên cứu cho ra đời hàng trăm bài báo cùng các công trình khoa học về tác hại của chất da cam/dioxin trên hệ miễn dịch của người. Bà cùng với các nạn nhân đệ đơn lên tòa án và sang Mỹ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam, rồi tham gia các chuyến đi ủng hộ, giúp đỡ họ.

Bác sĩ Phi Phi rưng rưng kể, bà đi hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, vừa khám, chữa bệnh, vừa tìm cách chăm lo đời sống của nạn nhân da cam. Bà đau xót chứng kiến có gia đình cả 4 người con cùng bị bại não, đứa nằm ngoài hiên, đứa bị nhốt trong buồng. Lại có cha mẹ bệnh nhân nắm tay bà khóc vì lo lắng khi họ mất sẽ không có ai chăm lo cho con cái mình. Bà nhận thấy, họ không chỉ thiệt thòi về mặt thể chất, trí tuệ, tinh thần mà vật chất cũng vô cùng khó khăn. Vậy là bà tổ chức và kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ nạn nhân da cam.

Nhiều năm nay, bà đứng lên tổ chức những chuyến đi từ thiện ủng hộ các nạn nhân da cam và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung. Ở tuổi 89, bà vẫn lặn lội đến với vùng sâu, vùng xa để làm thiện nguyện. “Chúng tôi trao các suất học bổng, xe đạp tặng học sinh nghèo học giỏi, trao bò giống để bà con có sinh kế. Chương trình đã được thực hiện 10 năm nay và sẽ tiếp tục. Còn khỏe ngày nào, tôi sẽ còn đến với các nạn nhân da cam!”, bác sĩ Phi Phi nói.

PHẠM THU THỦY