QĐND - "Chị Ba Trà” mà tôi đang nói đây tên thật là Trương Thị Trà, ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đã vào tuổi 85, nhưng bà vẫn tinh anh, minh mẫn. Nghe tin có “các em bộ đội giải phóng Quảng Đà năm xưa” từ tỉnh Hải Dương vào thăm, bà tất tả từ nhà hàng xóm về. Đến đầu ngõ đã hỏi: "Mấy em vào bao giờ? Chị nhớ các em quá trời!”. Kỷ niệm bỗng chốc lại ùa về với những chiến binh đất Quảng một thời máu lửa.
|
Vợ chồng bà Ba Trà (8-2014). |
Thú vị nhất là những danh hiệu mà “mấy em” ấy từng đặt cho bà. Hồi chống Mỹ, có những chiến sĩ từ đất Hải Dương vào chiến đấu tại địa bàn huyện Đại Lộc, sau khi nghe chuyện lịch sử do bà con xã Đại Hồng kể lại, họ đã gọi bà bằng những biệt danh đầy ý nghĩa. Ví dụ như “Cô gái cầm cờ”. Nguyên do, những ngày nửa cuối tháng 8-1945, thiếu nữ Trương Thị Trà mảnh mai, tóc xanh tết đuôi gà, vẫy cờ đỏ sao vàng dọc đường cái quan cổ động hoan hô chính quyền cách mạng. Đó cũng là biểu hiện đầu tiên để sau đó bà được tổ chức xem xét, giao công tác Đoàn Thanh niên cứu quốc ở địa phương suốt những năm kháng chiến chống Pháp.
Hai danh hiệu khác cũng được các chiến sĩ đặt cho bà là “Chị Ba túm cẳng địch” và “Cô Ba thắng rắn”. Chả là, dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1955, bà cùng bạn là Nguyễn Thị Xoa và bà Kính, bà Dầm treo biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu đòi chính phủ Ngô Đình Diệm: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, thiết lập quan hệ bình đẳng giữa hai miền Nam Bắc, tuyển cử chính trị, cấp công điền cho phụ nữ... Lính giặc từ khu Lộc Thượng kéo sang bắn súng đùng đoàng đe dọa và đánh đập các bà. Song cả ba người hiên ngang đấu lý với chúng. Bọn giặc đuối lý, xoay ra làm liều. Một tên hùng hổ trèo lên cột phá bỏ cờ và biểu ngữ. Bà Trà quắc mắt, lao tới túm chân nó kéo tuột xuống đất. Bọn lính như trâu điên xông vào bắt bà, đưa đến trại Thủ Đức, rồi khu biệt lập Hội An, tra khảo suốt 18 tháng trời hòng tìm ra những người lãnh đạo phong trào cách mạng ở Đại Hồng, Đại Lộc. Chỉ sau khi chúng trói chặt tay bà, buộc hai bên ống quần bà đang mặc vào bắp đùi rồi bỏ những con rắn sống vào trong đó mà bà vẫn trả lời "không biết”, chúng buộc phải thả bà về.
Ngắm nhìn người chị nhỏ thó, mảnh mai như chiếc lá, ông Phạm Xuân Thiều, nguyên là bộ đội cơ quan Huyện đội Đại Lộc hồi chiến tranh chống Mỹ, trầm trầm nói với mấy anh em: “Chị đã cùng với các mẹ, các chị ở đây làm giảm đi sự tàn khốc của chiến tranh, bằng chính lòng yêu thương nhân hậu và sự dịu ngọt của người phụ nữ đất Quảng này!”. Thật vậy, những năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Hồng (1964) và ở huyện Đại Lộc (1965-1968)-trên cương vị huyện ủy viên, bà chỉ đạo tổ chức chị em phụ nữ hàng chục lần chặn đứng những chiếc xe GMC chứa đầy lính giặc đi càn. Bà thiết kế, xây dựng các nhóm chủ công vận động chị em xuống cầu Chìm (một điểm dồn dân của địch) lôi kéo bà con ta để “đưa nước về với cá”, có dân thì Quân giải phóng mới có chỗ dựa để tổ chức lực lượng chiến đấu. Những lần vào chiến dịch ác liệt, các bà, các chị ở địa phương vẫn tìm cách mang trái thơm (dứa), cam, chuối, bánh, sữa… đến để bồi dưỡng cho Quân giải phóng, động viên anh em quyết chiến quyết thắng, tham gia chăm sóc thương binh… Một người vợ lính ngụy được bà Trà giác ngộ đã thuyết phục chồng là Thượng sĩ Huấn có cảm tình với cách mạng. Huấn đã tiêu diệt một tên Mỹ ở động Hà Sống…
Thời kỳ khó khăn ác liệt 1969-1973, là ủy viên Ủy ban tỉnh Quảng Nam, phụ trách công tác thương binh-liệt sĩ và xã hội, không ít lần bà đi bộ luồn rừng, vượt núi lên tận những địa phương nằm giáp nước Lào để giải quyết công việc. Khi đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong một lần trực tiếp tổ chức đấu tranh chống bọn địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri, bà bị chúng bắn gây thương tích nặng. Tổ chức bố trí đưa bà ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), điều trị 3 tháng bà mới bình phục. Chính vì vậy, bà còn được gọi là “Chiến sĩ hai lần bảo vệ hiệp định hòa bình” (Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri 1973). Đến thời điểm này, bà là “Thương binh hai lần thương binh”-thương binh trong tù đày và thương binh trong chiến đấu-một danh hiệu không nhiều người có…
Xuất viện lần ấy, bà được đi an dưỡng, tham quan ở Trung Quốc, Bun-ga-ri, Liên Xô… Tháng 2-1975, bà trở lại quê hương Quảng Nam, tiếp tục công tác. Đến năm 1979 thì nghỉ hưu.
Chuyện vợ chồng của bà cũng khá là đặc biệt. Ông tên là Lưu Thu, kém bà 1 tuổi, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Hàng chục năm xa cách, mỗi người lấy công tác và nỗi nhớ làm hạnh phúc. Khi trở thành sĩ quan pháo binh của QĐND Việt Nam, ông trở về mặt trận Quảng Đà chiến đấu chống quân thù, quanh năm suốt tháng cùng đơn vị “pháo lăn dài chiến dịch”. Tháng 7-1974, Thượng úy Lưu Thu-Chủ nhiệm Pháo binh Trung đoàn 36/Mặt trận 4 Quảng Đà, tham gia đánh cứ điểm Thượng Đức của địch trên đất Đại Lộc thì bà đang an dưỡng ở nước ngoài. Thành ra, đến tận thời điểm đó, hai ông bà vẫn là “vợ chồng Ngâu” cho đến khi cùng quân dân cả nước bước vào tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mới được đoàn tụ.
Giờ đây, hai người chiến sĩ cách mạng, hai người thương binh ấy nương tựa nhau trên đất Đại Hồng, trong căn nhà giản dị rực rỡ những huân chương, huy chương ghi dấu thành tích vẻ vang và trong tình yêu thương của quê hương, đồng đội.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG