Đồn Bần-Yên Nhân (Mỹ Hào, Hưng Yên) nằm trên Đường 5-tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Hải Phòng. Lực lượng trấn đóng ở đây gồm một trung đội lính khố xanh do một viên đội người Việt và một sĩ quan Pháp chỉ huy. Đồn án ngữ đoạn từ Bần đi Phố Nối và khu vực Bắc Hưng Yên, lại nằm giữa an toàn khu Bãi Sậy của ta nên việc triệt hạ nó trở thành một mục tiêu của Việt Minh khu Bãi Sậy (Hưng Yên).

Bấy giờ, căn cứ Bãi Sậy của ta gồm các thôn, xã thuộc phía Bắc huyện Yên Mỹ, Tây Mỹ Hào và Tây Nam Văn Lâm mà khu vực Bần-Yên Nhân là trung tâm. Ở đây, ta đã tiến hành công tác tuyên truyền, địch vận, xây dựng cơ sở cách mạng ngay tại các cơ sở quan trọng do Pháp lập ra như nhà thương tế, đồn binh Bần. Khi Nhật đảo chính Pháp, nhận thấy cơ hội hạ đồn đã đến, đồng chí Nguyễn Bình (bấy giờ là đại diện của Tổng bộ Việt Minh hoạt động ở Hưng Yên) báo cáo lên Xứ ủy Bắc Kỳ ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn, ít đổ máu. Được cấp trên chuẩn y, ngay trong ngày 10-3-1945, khi cuộc đảo chính Pháp của Nhật chưa kết thúc, tại nhà ông Xuân-một cơ sở Việt Minh ở Mỹ Hào-đồng chí Nguyễn Bình chủ trì cuộc họp thông báo quyết định của trên và bàn kế hoạch cụ thể đánh đồn Bần.

Về sự kiện này, trong cuốn “Hưng Yên-Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2002, ghi: Việt Minh khu Bãi Sậy thống nhất một kế hoạch tấn công đánh chiếm đồn từ hai hướng. Từ trong đồn, nhân mối Nguyễn Văn Việt làm “nội công”, mở cửa cho quân ta tiến vào. Đảm nhận mũi “ngoại kích”, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy đóng giả làm quân Nhật và thông dịch viên gồm 4 người do Nguyễn Bình chỉ huy trực tiếp đánh đồn từ bên ngoài vào khi nhân mối mở cổng. Để bảo đảm bí mật, tranh thủ thời cơ và tạo thuận lợi cho việc đóng giả quân Nhật đi tước vũ khí, cuộc tấn công đồn Bần-Yên Nhân được ấn định vào tối 12-3. Phối hợp với lực lượng trực tiếp đánh đồn và đề phòng trường hợp địch có thể điều quân ứng cứu, hai cán bộ Việt Minh được bố trí giám sát lý trưởng Nguyễn Đình Phách ngừa hắn tiếp ứng cho quân địch trong đồn. Trong khi đó, 3 cán bộ Việt Minh khác đảm nhiệm cắt đường dây liên lạc từ Bần-Yên Nhân đi Hà Nội và đi tỉnh lỵ Hưng Yên. Nhằm ngăn dân đến khu vực tác chiến, tránh thương vong có thể, 2 cán bộ Việt Minh nữa được giao nhiệm vụ kiểm soát cầu Giai Phạm dẫn từ khu dân cư đến đồn.

leftcenterrightdel

Cụ Đặng Văn Tọa (giữa) kể lại chuyện đánh đồn Bần - Yên Nhân, năm 2019. Ảnh: VIỆT CƯỜNG 

Tìm hiểu về trận đánh trên, chúng tôi đã về thị trấn Bần gặp cụ Ðặng Văn Tọa, vốn là du kích địa phương từng tham gia trận đánh lịch sử này. Cụ Tọa nhớ lại: “Do yêu cầu bảo đảm bí mật nên dù là thành viên tham gia vào trận đánh ngay từ đầu nhưng chúng tôi không hề biết mặt đồng chí Nguyễn Bình, chỉ biết là cán bộ thượng cấp về chỉ huy. Thời gian đánh đồn diễn ra chớp nhoáng và thắng lợi ngoài dự tính”. Theo kế hoạch đã định, tối 12-3-1945, bộ phận trực tiếp đánh và các lực lượng làm nhiệm vụ bên ngoài tập trung ở khu vực cách đồn khoảng 200m. Đến “giờ G”, trên Đường 5 xuất hiện một tốp lính Nhật cùng một thông dịch viên trong bộ quân phục và phù hiệu đầy đủ. Riêng đồng chí Nguyễn Bình trong vai người chỉ huy còn mang một thanh trường kiếm Nhật. Tiến về phía đồn Bần- Yên Nhân, tốp lính Nhật này đầy khí thế, gõ giày rập rập kiểu nhà binh, khi đến gần cổng đồn hô lớn mệnh lệnh tập hợp để thu súng. Việc quân Nhật đến tước khí giới là điều binh lính trong đồn Bần-Yên Nhân đang được lệnh chờ đợi, nhưng tiếng giày rập đất mạnh mẽ cùng tiếng hô lớn vẫn khiến quân trong đồn lo

lắng. “Giữa lúc chúng đang bối rối thì trong đồn vang lên một tiếng pháo, cánh cổng đồn lập tức mở toang. Nhân cơ hội, lực lượng tấn công thừa cơ xông thẳng vào đồn. Bị bất ngờ, quan quân trong đồn buộc phải đầu hàng. Không có đổ máu hay mất một viên đạn nào, tự vệ khu Bãi Sậy thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và rút ngay. Khi quân ta vừa ra khỏi đồn thì cũng là lúc quân Nhật ập tới, chúng lùng sục, truy đuổi nhưng quân ta đã lợi dụng bóng đêm thoát đến nơi an toàn cùng toàn bộ chiến lợi phẩm”, cụ Đặng Văn Tọa cho biết.

LÊ CƯỜNG