Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn kể: “Ngày 19-8-1967, tôi nhận được bức điện khẩn có nội dung: “Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 87 Hồ Phúc Ngôn vào nhận nhiệm vụ gấp” của Tư lệnh Mặt trận 44-Quảng Đà. Đến nơi, chúng tôi được cấp trên cho biết, ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn trên phạm vi toàn miền Nam, thời gian cụ thể sẽ thông báo sau. Theo đó, Tiểu đoàn 87 chúng tôi có nhiệm vụ tiêu diệt các đồn địch trên đèo Hải Vân.

Trở lại đơn vị, tôi cử hai tổ trinh sát gồm 6 đồng chí đi chuẩn bị các mục tiêu là Đồn Nhất do lính ngụy đồn trú và trận địa tên lửa Mỹ cách Đồn Nhất khoảng 200m về phía Đông, trên đèo Hải Vân. Quá trình trinh sát, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc phải khắc phục hàng rào thép gai cùng các loại vật cản, chúng tôi còn phải đối phó với đàn chó béc-giê của địch. Sau một tuần trinh sát, chúng tôi đã nắm được kết cấu, bố phòng bên trong cứ điểm của địch. Trên cơ sở đó, tôi cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn là Thượng, Sửu, Phước và Sử hội ý, bố trí đài quan sát, trận địa cối 82mm của Tiểu đoàn... Trước khi chính thức chốt phương án chiến đấu, chúng tôi còn cử một tổ tiếp tục đột nhập vào khu vực Đồn Nhất để nắm toàn bộ nội, ngoại vi cứ điểm một lần nữa.

leftcenterrightdel

 Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn. Ảnh: SỸ LONG

Đêm 29 Tết Mậu Thân 1968 (tức ngày 28-1-1968), Tiểu đoàn 87 thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm đèo Hải Vân. Tiểu đoàn sử dụng 4 đại đội, trong đó lực lượng đánh vào trận địa tên lửa Mỹ do Đại đội 1 đảm nhiệm, dưới sự chỉ huy của đồng chí Công, Đại đội trưởng; đồng chí Chiêm, Đại đội phó làm mũi trưởng. Đại đội 2 đảm nhiệm đánh Đồn Nhất do các đồng chí Tiểu đoàn phó: Phước, Thượng, Sửu trực tiếp chỉ huy. Đại đội cối 82mm do đồng chí Sử, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy, có nhiệm vụ bắn chế áp, kiềm chế hỏa lực địch, kịp thời chi viện cho anh em chiến đấu. Tôi đứng ở ngã ba đỉnh đèo Hải Vân, chỉ huy chung.

19 giờ ngày 29 Tết, các mũi ở các hướng đã tiếp cận mục tiêu. Theo kế hoạch, 22 giờ khắc phục vật cản, 23 giờ bí mật lót đội hình vào bên trong, 24 giờ hiệp đồng nổ súng. Đêm Giao thừa, địch ở Đồn Nhất đốt pháo, giật đèn sáng, bắn súng chào mừng năm mới. Bọn lính ăn nhậu say sưa, không hề cảnh giác. Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968, tức giờ G, Tiểu đoàn Đặc công chúng tôi thực hành hiệp đồng nổ súng với toàn Mặt trận Quảng Đà. Sau hơn 20 phút chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Sáng Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn chuyển sang phòng ngự, sẵn sàng đánh địch phản kích.

Sau khi bị đánh bất ngờ, ngay trong ngày Mồng Một Tết, địch ổn định lại và điều động lực lượng hành quân từ Đà Nẵng lên bằng xe cơ giới, có xe tăng, máy bay yểm trợ. Trên hướng Thừa Thiên Huế, địch cũng đưa lực lượng hành quân vào. Địch còn sử dụng pháo từ tàu biển bắn lên. Tôi cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn động viên anh em bình tĩnh chiến đấu. 12 giờ ngày Mồng Một Tết, địch từ Đà Nẵng hành quân đến vị trí phục kích của ta tại khúc cua ở chân đèo. Tiểu đoàn sử dụng cối 82mm, B40, B41 đánh địch, tiêu diệt nhiều tên, bẻ gãy cuộc hành quân tiếp viện cho quân Mỹ-ngụy trên đèo, buộc chúng phải tháo chạy về Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn và vợ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Về phía ta, một số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt là tấm gương đồng chí Phòng, người nhảy lên cắm cờ trên đồn địch. Ngay sau khi đồng chí Phòng hy sinh, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Công, Chính trị viên Tiểu đoàn, tuyên bố kết nạp Đảng cho đồng chí Phòng tại trận địa. Quân địch tiếp tục cơ động đánh chiếm đèo Hải Vân, Tiểu đoàn chiến đấu cầm cự đến khoảng 16 giờ cùng ngày thì có lệnh lui quân. Tôi cho anh em khiêng thương binh, liệt sĩ về hậu cứ Khe Lạnh thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) nghỉ ngơi để hôm sau về doanh trại ở Khu 1, cánh Bắc Hòa Vang. 18 giờ ngày Mồng Một Tết Mậu Thân, toàn Tiểu đoàn về vị trí tập kết an toàn. Tôi nắm tình hình tư tưởng, xốc lại đội hình, động viên anh em tiếp tục sẵn sàng đi chuẩn bị chiến trường, đồng thời chỉ đạo đơn vị làm kho chứa gạo để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo”.

NGUYỄN AN NHIÊN (Ghi theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn)