QĐND - Mùa xuân năm 1974, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng sau khi đi thị sát chiến trường miền Nam đã vào thăm Sư đoàn 304 tại Quảng Trị. Đồng chí phân tích tình hình, âm mưu của địch đồng thời thông báo nhiệm vụ sơ bộ cho Sư đoàn 304. Cụ thể, trong thời gian tới, sư đoàn vào phối hợp cùng quân và dân Khu 5 giải phóng một số quận lỵ, mở rộng vùng giải phóng để thăm dò sự phản ứng của quân Mỹ, xem chúng có dám quay lại chiến trường miền Nam hay không? Vì năm 1973, Hiệp định Pa-ri ra đời, buộc quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam.

Trung tướng Nguyễn Ân. Ảnh XUÂN DÂN.

Như thông báo sơ bộ của đồng chí Lê Trọng Tấn, Sư đoàn 304 bắt đầu tham gia chiến đấu ở Quân khu 5. Ngày 6-6-1974, Sở chỉ huy Sư đoàn 304 đến bờ tây sông Bung, cạnh trục đường 14. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, đến giao nhiệm vụ cho sư đoàn, đồng chí nhấn mạnh: "Chiến dịch giải phóng Thượng Đức phải thắng cả quân sự và chính trị. Quân sự là tiêu diệt quân địch, chính trị là giải phóng và bảo vệ nhân dân bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân ở Thượng Đức. Kinh nghiệm của Quân khu 5 đã chứng minh rằng, có thắng lợi về chính trị, giải phóng được dân, đập tan chính quyền cơ sở và bọn tề điệp ác ôn của địch thì thắng lợi mới vững vàng".

Căn cứ địch ở chi khu quận lỵ Thượng Đức có 35 lô cốt, hầm ngầm khu trung tâm chỉ huy, bệnh viện, kho tàng đều nằm trong lòng đất. Chỉ huy quận lỵ Thượng Đức là tên Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng. Khu căn cứ Thượng Đức là nơi xuất phát các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Bọn địch mệnh danh cho căn cứ Thượng Đức là mắt ngọc của đầu rồng, chúng ca tụng là cánh cửa thép của phía Tây Đà Nẵng.

Cuộc tấn công Thượng Đức bắt đầu từ 5 giờ ngày 28-7-1974, đợt đầu quân ta mới chiếm được các cứ điểm ngoại vi. Đến đợt hai, sau một tuần, ngày 5-8-1974, ta tiếp tục tấn công, pháo binh ta giội bão lửa vào căn cứ địch. Tên Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng tử vong, bộ đội ta dưới sự yểm trợ của pháo binh phá rào ào ạt xông lên làm cho địch hỗn loạn, quân ta chiếm toàn bộ căn cứ Thượng Đức. Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, lá cờ của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 phấp phới tung bay trên căn cứ Thượng Đức. Mười ba ngàn dân Thượng Đức được giải phóng.

Để tẩy xóa những tác động nặng nề về mặt quân sự và tâm lý mất Thượng Đức, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra Đà Nẵng động viên, khích lệ lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đó là sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến, một tuần lễ phải tái chiếm Thượng Đức. Tên sư trưởng sư dù hung hăng tuyên bố trước các nhà báo là: "Quyết đánh bật lực lượng Việt Cộng ra khỏi Thượng Đức trong tháng 8-1974. Nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin cấp trên giải tán sư dù". Chúng nói như vậy vì nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng bị uy hiếp từ phía tây.

Nắm được những thông tin trên, Đảng ủy và chỉ huy Sư đoàn 304 quyết định: Toàn mặt trận lâm thời chuyển sang phòng ngự để đánh địch phản kích.

Ngày 16-8-1974, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 và Lữ dù 1 ngụy bắt đầu mở đợt tiến công vào vùng giải phóng Thượng Đức nhưng bị Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 tăng cường cho Sư đoàn 304 từ đầu chiến dịch chặn đánh quân địch quyết liệt. Địch bị thiệt hại nhiều nên chúng đưa tiếp cả sư đoàn dù và đại bộ phận sư đoàn thủy quân lục chiến vào tham chiến. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng mỏm đồi trên cao điểm 700, 383 và nhất là cao điểm 1062. Mặc dù quân địch gấp đôi quân ta nhưng vẫn không chiếm được Thượng Đức, sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy phải bỏ cuộc.

Sau Chiến thắng Thượng Đức, Đại tướng Hoàng Văn Thái rút ra những kết luận: Trong những ngày này, chúng ta đồng thời nhận được hai tin vui. Đó là tin tổng thống Ních-xơn từ chức vì chúng thất bại ở chiến trường miền Nam và Pho là phó lên thay. Hai là quân ta chiến thắng ở Nông Sơn, Thượng Đức. Thắng lợi trên giúp cho chúng ta rút ra những kết luận rất quan trọng, có quan hệ mật thiết đến việc bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược. Qua chiến dịch Nông Sơn và Thượng Đức, điều đó có thể khẳng định được là chủ lực cơ động của ta hơn hẳn chủ lực cơ động của địch. Kết luận đó có liên quan không nhỏ đến quyết tâm chiến lược của Trung ương.

Trong tập “Đại thắng mùa Xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn viết: "Từ trận Thượng Đức và các trận tiêu diệt địch ở Chư Nghé, Đắc Pét trên Tây Nguyên, bộ tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương, khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của địch, chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối. So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Từ đó Trung ương đã đi đến kết luận về chiến lược trước địch hai năm, sau chuyển thành một năm, giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975".

Trung tướng NGUYỄN ÂN (Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 trong Chiến dịch Thượng Đức)