Ngày 23-3: Khi tiếng súng của ta bắt đầu nổ diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi thấy tâm hồn mình như lớn hẳn lên. Từng ngày, từng giờ, tôi chờ đón tin chiến thắng từ núi rừng Tây Bắc xa xôi gửi về. Bây giờ lại được theo những chiến sĩ và nhân dân quả cảm ra trận. Tất cả các anh, các chị ở cơ quan tôi cũng đều háo hức muốn được đi. 

Ngày 29-3: Tôi muốn trở thành một người không chút hoang mang, sợ hãi, một con người hùng mạnh có trái tim đập cùng nhịp với trái tim của những chiến sĩ anh hùng của chúng ta ở ngoại vi Điện Biên Phủ đang ào ạt xông lên hỏa tuyến như những lớp sóng trào liên tục. Từ nay trở đi, trong những giấc mơ của tôi chỉ thấy hiện ra những gương mặt yêu quý mà tình yêu của tôi đối với gương mặt đó hòa trong tình yêu mà tôi đã hiến dâng cho nhân dân của tôi.

Trên những mảnh đất cháy đen này, những con người nom như ốm yếu, bệnh tật và đói khát kia, chúng ta sẽ cải tạo lại tất cả dưới bầu trời có sao sáng Hồ Chí Minh. Lửa bom napalm liếm loang lổ những quả đồi trọc. Từng đoàn công binh và dân công đang kế tiếp nhau giữ thật tốt con đường cho những đoàn ô tô đi ra mặt trận. Một cuộc chiến đấu giữa kỹ thuật phá hoại tinh vi với sức mạnh vô biên của những con người yêu nước nồng cháy chỉ dùng dụng cụ rất thô sơ. Và lẽ dĩ nhiên, cho đến nay, kẻ bại trận vẫn là kẻ có kỹ thuật tinh vi mà phi nghĩa ấy.

leftcenterrightdel

 Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng năm 1962. Ảnh tư liệu

 Ngày 1-4: Đi từ cây số 15 đến Trạm 60. Phải đợi từ 12 giờ khuya đến 4 giờ sáng vì phải nhường cho một đoàn xe bộ đội chở vũ khí. Đường đi rất lầy, các bánh ô tô bừa thành hai đường sâu. Hai bên đường, dân công vai gánh nặng tiến ra tiền tuyến. Máy bay địch hoạt động mạnh, luôn thả pháo sáng. Sáng, sương mù, xe cứ đi sau đoàn xe bộ đội. Đến đúng 8 giờ sương tan, mặt trời lên, xuống xe đi bộ. Nhờ có anh Ấm, phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh đi cùng nên biết được nhiều chuyện ở tiền phương, chuyện đời sống của anh em bộ đội trong giao thông hào, trong hầm tác chiến... Máy bay địch vẫn hoạt động mạnh. Nghe nói, ta mới diệt thêm 3 đồn và đã 9 lần xung phong vào chỗ quan trọng nhất của địch.

Ngày 2-4: Hôm qua, địch liều thả dù xuống Điện Biên Phủ. Máy bay bay quanh cả đêm. Đi vào cơ quan chính trị rất khó khăn vì không được thắp đèn. Được tin quân ta đã diệt ở khu Đông 4 đồn. Đồi A1 lấy đi lấy lại hơn 10 lần. Trưa, đến thăm và ăn cơm với anh Văn. Nghe anh nói, được biết rõ hơn tình hình chiến dịch... Chuẩn bị đi Đội điều trị 1.

leftcenterrightdel
 Giáo sư Tôn Thất Tùng (người không đội mũ) với các sinh viên y khoa tại ATK, năm 1947. Ảnh tư liệu

Ngày 4-4: Hôm qua bắt tay vào mổ và xem bệnh những anh em thương binh ở rải rác trong các lán. Đội điều trị 1 là nơi chữa những trường hợp bị thương nặng, đặc biệt là vết thương ở sọ não. Bệnh viện dựng dưới rừng cây nhỏ nằm giữa những đồi tranh. Để phục vụ cho việc điều trị, bệnh viện thường có 5, 6 bác sĩ, hơn 30 người cả y sĩ, y tá, một số nhân viên và mấy đội dân công. Anh em thương binh nằm trên những chiếc sàn nứa.

Tôi trực tiếp phụ trách các vết thương về sọ não. Các chiến sĩ của chúng ta là những con người đặc biệt quý và bộ óc của anh em là đáng quý nhất. Phải làm sao cho các anh bị thương ở sọ não chóng khỏi, tiếp tục suy nghĩ, làm việc và chiến đấu được bình thường. Đó là một việc làm nhiều khó khăn. Biết bao nhiêu công việc đang đặt ra trước mắt đòi hỏi phải suy nghĩ và giải quyết để góp phần vào chiến dịch lớn lao này.

Ngày 5-4: Sáng nay chuẩn bị đi thăm anh em trọng thương. Đêm qua mưa, nghĩ đến thương binh ở tiền tuyến trong các giao thông hào mà ứa nước mắt, xôn xao trong ruột như lúc con mình đau. Chưa bao giờ hiểu tình thương anh em bộ đội như hôm nay. Trời tạnh, nắng. May cho anh em bộ đội đang giao chiến quá! Bộ đội anh dũng của chúng ta tiến quá nhanh.

Ngày 7-4: Tối hôm qua, máy bay địch hoạt động mạnh. Rất nhiều dù ngổn ngang, ruộng trắng xóa cả dù mà chúng không dám ra lấy. Lính của địch ra hàng nhiều. Vấn đề chữa cho các thương binh nhẹ ra ngay tiền tuyến là một việc rất quan trọng...

Đi thăm khu trung thương, trèo đồi qua suối, vất vả thật. Tình hình chưa tốt lắm. Hôm qua lại thêm thương binh mà chưa thay băng cho ai được, chỉ có 3, 4 quân y sĩ và một số hộ lý mới lấy ở anh chị em dân công lên. Tiêu chuẩn người phục vụ chưa đủ. Một chị dân công bị đại bác bắn vào chân. Bảo anh Quang chữa và cho thuốc men làm sao cố cứu chị. Mai sẽ đi gắn Huy hiệu Hồ Chủ tịch cho chị. Chị đã lấy thân mình che cho thương binh lúc máy bay oanh tạc. Dũng cảm quá! Dân công trong chiến dịch này thật vất vả. Từ tiền phương cho đến hỏa tuyến, các anh chị em đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, ăn đường, ngủ đất, trời mưa, trời nắng, có người thiếu cả quần áo. Dân tộc ta thật vô cùng yêu quý đất nước.

Ngày 10-4: Tình hình chiến sự găng. Bông, gạc còn ít, bột cũng vậy. Trong khi đó còn thương binh chưa xử trí, số thương binh lại tăng. Anh Đức, anh Liên, anh Hạp cũng ốm. Mình cũng mệt và khó chịu. Nhưng nghĩ đến anh chị em dân công thì sao? Anh em ăn thiếu, ướt, rét, ít thuốc men. Chỉ thị của Bác, quyết tâm khắc phục khó khăn phải triệt để thi hành.

Ai mà chống đỡ đến phút cuối cùng là thắng được ở Điện Biên Phủ. Chúng ta quyết bao vây đến người cuối cùng dù thời tiết có như thế nào. Nếu trong cuộc đọ sức này, chúng ta thắng kẻ địch thì thắng lợi toàn quốc sẽ nhanh. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng chúng. Cả một tương lai rạng rỡ đang đợi dân tộc ta giải phóng.

leftcenterrightdel
 Chăm sóc thương binh ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

 Ngày 22 và 23-4: Đi vào thăm anh Văn và ăn cơm trưa với anh. Anh Văn hỏi han tỉ mỉ về tình hình điều trị của anh em thương binh, bệnh binh, tinh thần phục vụ và sức khỏe của các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý và anh chị em dân công ở các trạm điều trị. Anh còn góp nhiều ý kiến rất đúng về vấn đề sức khỏe bộ đội và điều trị thương binh.

Ước mong của mình: Thương binh ăn được, ngủ được, có màn, khỏi ruồi. Anh em phấn khởi làm việc; làm sao cứ trẻ trung, hăng hái, không chán nản cả đời người.

Ngày 2-5: Từ 9 giờ tối hôm qua, tiếng súng nổ rầm rầm xung quanh Điện Biên Phủ và tiếng máy bay ì ầm cả đêm. Sáng được tin của anh Cẩn là hôm qua, quân ta đã bắt đầu làm đợt 3. Thấy người khỏe, hăng hái. Có lẽ vì đợt 3 đã đến chăng?

Ngày 4-5: Độ 3 giờ sáng, súng nổ vang và giòn, quân ta lại đánh. Trời mưa cả đêm, đến gần sáng, máy bay đến nhiều. Nóng ruột chờ tin tức. Mỗi lần súng nổ là thấy người mạnh khỏe ra, tuy bị đi lỵ. Khi nằm trong giường nghe súng nổ, lại thấy trời mưa, lo cho anh em thương binh trong chiến hào quá! Một thế hệ dũng cảm đã nêu cao cờ Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 5-5: Trước kia ở Việt Bắc, bọn Pháp đi săn ta từng người, nay bộ đội ta lại “săn chim, tỉa sẻ” bọn chúng. Cuộc đời cũng hay mà cũng sung sướng được thấy cảnh tượng đổi ngôi như vậy.

Bây giờ sống một đời quá giản dị: Mổ, xem bệnh thương binh, lại mổ. Hôm qua mổ cho một anh thương binh trẻ chưa đầy 20 tuổi. Ngực và bụng anh bị trúng đạn mà anh không một tiếng kêu ca. Không có cuộc đấu tranh vĩ đại này, có lẽ không bao giờ mình được rõ tinh thần anh hùng của Quân đội ta.

Ngày 7-5: Lúc chờ xe để đi Đội điều trị 2, ở trong một bản cháy gần cây số 64, có một đồng chí đi xe đạp qua nói với cụ Thu: “Điện Biên Phủ giải phóng rồi!”. Cũng có lẽ! Vì từ trưa đến chiều không có một tiếng máy bay, không nghe một tiếng súng. Thật là lạ!

Khi ra đường, độ 6 giờ 30 phút chiều, thấy anh Chiêm ở trên đi xuống hỏi: “Anh Tùng đấy phải không? Ta đã chiếm được Điện Biên Phủ rồi!”. Tôi ôm chầm lấy anh Chiêm. Cụ Tụng cũng choàng lấy cổ anh Chiêm mà hôn. Tôi hét to: “Hoan hô!”. Rừng cũng hắt lại tiếng hoan hô của tôi vang vang. Các chị dân công cũng hét vang. Tiếng hoan hô nghe rung chuyển cả núi rừng và kéo dài như không ngớt. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc. Em và các con Trân, Bách ơi! Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã chiến thắng. Một trang lịch sử mới đã bắt đầu. Đêm nay chắc không thể nào ngủ được...

VĂN AN (sưu tầm và biên soạn)