Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước (mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chước, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Phùng Thị Kim Thuận sớm tham gia hoạt động cách mạng. Trong quân ngũ, Kim Thuận là chiến sĩ bộ binh, y tá đại đội, cán bộ biệt động thành Đà Nẵng, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ.

Giờ đây, mỗi lần nhắc đến trận đánh của Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang ngày 29-3-1968, bà lại nghẹn ngào xúc động. Bà bộc bạch: “Chuyện kể với con hôm nay làm cô hồi tưởng, nghĩ như đang ngồi trong công sự cùng đồng đội những năm chiến tranh”.

Ngày 28-3-1968, địch đổ quân càn quét vùng Lộc Chánh (Đại Lộc, Quảng Nam), cơ sở ta thông báo ngày mai địch càn tiếp. Đại đội trưởng Trần Thành chỉ huy đơn vị cơ động về xã Hòa Thái, huyện Hòa Vang (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Sáng 29-3, toàn Đại đội thức dậy từ lúc 5 giờ vì nghe du kích thôn Tây An, xã Hòa Thái thông báo máy bay trinh sát L19 của địch đã bay qua. Đại đội trưởng Trần Thành ra lệnh: “Máy bay trinh sát L19 của địch đã bay thăm dò, bộ binh Mỹ sắp càn lên đây. Đơn vị sẵn sàng chiến đấu!”.

Đúng như nhận định của ta, bộ binh địch đã đến thôn Tây An. Lúc này, Đại đội 2 đang đứng chân ở thôn Yến Nê Rừng, cách Tây An khoảng 4km. Ở vùng này, địch đã dồn dân vào khu Nam Thành, các hầm bí mật của dân đào trước đó trở thành công sự chiến đấu của Đại đội. Nhằm tạo thế bất ngờ đánh úp quân ta nên một mũi của địch tiến thẳng lên thôn Yến Nê Rừng. Đại đội trưởng Trần Thành triệu tập đơn vị, vẽ xuống đất sơ đồ chiến thuật rồi triển khai phương án chiến đấu: “Bây giờ địch cơ động đội hình dọc, chúng ta sẽ bố trí đội hình thành chữ V, vừa chặn đầu, vừa khóa đuôi. Tôi và đồng chí Bút chỉ huy một mũi, đồng chí Phong chỉ huy một mũi. Khi địch vào, chúng ta cho chúng đi vào giữa, đội hình đơn vị sẽ chia thành hai mũi giống như chữ V đã được cắt đuôi. Khi chúng lọt được một nửa đội hình vào trận địa thì ném lựu đạn chính giữa để cắt đôi đội hình địch. Mũi do tôi chỉ huy sẽ tiến lên nhô cao hơn, mũi đồng chí Phong chỉ huy hơi lùi xuống để tránh đạn lạc của nhau”. Anh vừa nói, vừa lấy cây vạch trên đất để mọi người hiểu mình sẽ cơ động như thế nào. Lúc này, Đại đội chỉ còn hơn 20 tay súng cả nam lẫn nữ, đều xác định quyết tâm diệt gọn tốp địch đi đầu. Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 29-3-1968, trung đội địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Mũi trưởng Phong tung quả lựu đạn vào giữa đội hình địch, chúng hốt hoảng nằm rạp xuống rồi co cụm về hai đầu. Ngay lập tức, hai khẩu trung liên của ta cùng nhả đạn, quân số còn lại dùng AK quét ràn rạt vào đội hình địch. Sau gần 30 phút chiến đấu, quân ta đã diệt gọn trung đội Mỹ đi tiền tiêu.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Phùng Thị Kim Thuận (năm 1978). 

Một lúc sau, hai chiếc xe tăng địch dẫn bộ binh tiến lên. Đại đội trưởng Trần Thành ra hiệu cho đồng chí Ngô Trường Quyến và Lực là hai xạ thủ B40 diệt xe tăng địch. “Anh Quyến nổ phát súng đầu tiên diệt luôn một chiếc. Còn anh Lực đang ngắm bắn chiếc thứ hai thì thấy chiếc thứ ba từ phía sau lao tới. Thay vì bắn chiếc thứ hai, anh Lực vòng ra phía ngoài bắn cháy chiếc thứ ba, sau đó mới diệt nốt chiếc thứ hai. Khi bị trúng đạn của bộ binh địch, anh Lực trao khẩu súng B40 cho anh Phố, Trung đội trưởng”, bà Thuận nghẹn ngào nhớ lại.

Khi đó, bộ binh địch bắt đầu dàn hàng ngang tiến lên. Ta bí mật chờ địch vào thật gần mới nổ súng, vừa đánh vừa cơ động liên tục suốt dọc chiến hào để tạo bất ngờ cho địch. Toàn đại đội bị thương nhưng không ai chịu buông súng. Sau mỗi lần địch ngừng tiến công, y tá Phùng Thị Kim Thuận lại tranh thủ men theo chiến hào để băng bó cho mọi người. Trên không, máy bay địch quần thảo nhưng thấy lính Mỹ bên dưới nên không dám thả bom. Dưới sông Yên, tàu thủy của địch phát loa hù dọa, kêu gọi quân ta đầu hàng.

Bà Thuận kể: “Lúc đó, chúng tôi xác định đây là trận đánh cuối cùng, có chết thì cũng phải chết cho oanh liệt. Hết đợt tiến công thứ hai của địch, Đại đội đã có một số anh chị em hy sinh. Địch tiếp tục điều 12 chiếc xe tăng dàn hàng ngang tiến lên, trong khi đó ta chỉ có hai khẩu B40 với 10 quả đạn. Vũ khí chống tăng của Đại đội còn có mấy quả đạn AT (đơn vị vẫn thường gọi là quả lân) được gắn lên đầu nòng súng trường K44 để chờ sẵn. Trận địa của ta lúc này im ắng, căng thẳng đến nghẹt thở. Tất cả tập trung quan sát, thấy tên nào nhô đầu lên là bắn hoặc ném lựu đạn vào vị trí đó”.

Khoảng 17 giờ ngày 29-3-1968, khi chiếc máy bay địch đã bay ra, y tá Thuận chạy đến giếng đá, nơi các đồng đội: Phố, Thức, Việt, Gia đang trú ẩn. Vừa thấy y tá Thuận xuất hiện, Trung đội trưởng Phố liền ra hiệu: “Thuận ngồi yên! Ngồi yên nhé!”, sau đó ghé sát tai Thuận, nói nhỏ: “Tao bị thương rồi, tay yếu. Tao lắp quả đầu lân vô khẩu súng trường K44 để mi bắn”. Chờ xe tăng địch vào cách giếng đá khoảng 10m, y tá Thuận bắn luôn một trái AT. Chiếc xe khựng lại, bốc cháy.

Bấy giờ, y tá Thuận mới nhìn hết lượt mọi người trong giếng đá, ai cũng bị thương, máu chảy đầm đìa. Phùng Thị Kim Thuận băng bó cho đồng đội mà lòng đau xót vô hạn.

Bà Thuận kể: “Thấy trời đã sẩm tối, chị Gia bảo mọi người vào hầm bí mật bởi vì đạn, lựu đạn đã hết, ở ngoài thì cũng không làm gì được, thậm chí khi vết thương đau nhức còn không bò nổi. Hầm bí mật mà chúng tôi chui vào thực chất là một cái hầm tránh pháo của dân, được chia làm hai tầng: Tầng trên dùng để tránh pháo, tầng dưới là hầm bí mật. Thời gian này, địch đã dồn dân vào khu nên làng mạc hoang vắng. Khi hoạt động tác chiến xảy ra, ta sử dụng làm công sự bí mật”.

leftcenterrightdel

Bà Phùng Thị Kim Thuận (ngoài cùng, bên trái) gặp lại đồng đội (năm 2020). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Bà Thuận hồi tưởng trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Chúng tôi vừa ngồi yên một lúc thì nghe tiếng nổ ở hầm trên, lỗ thông hơi bất ngờ bị xé toang, trên miệng hầm có tiếng xì xồ “Vi xi!”. Lính Mỹ vào trở lại, chúng đã giật mìn phá hầm tránh pháo. Qua lỗ thông hơi, địch phát hiện ra anh Thức liền bắn ngay và ném lựu đạn cay vào. Lúc này, cả nhóm chỉ còn một ít nước trong bình tông, mấy anh nhường cho hai chị em để tẩm ướt khăn rồi phủ lên mặt, còn các anh dùng chính nước tiểu của mình để chống hơi cay... Quả thật, ở trong hầm lúc đó anh Phố lớn nhất cũng chỉ mới hơn 20 tuổi, còn lại là 15, 16 tuổi. Tất cả đều nhỏ thó, đen đúa, mặc chiếc quần đùi trông như trẻ con... Có 5 người trong hầm, anh Thức ở tầng trên đã hy sinh. Khoảng 6 giờ tối, địch khui lỗ thông hơi to hơn.

Anh Phố thấy vậy liền bảo: “Chúng ta chiến đấu từ sáng đến giờ. Bây giờ hỏa lực của địch mạnh, ta không còn vũ khí, chỉ còn một quả lựu đạn. Chúng ta thà chết chứ không đầu hàng địch, không thể để địch bắt sống!”. Vừa dứt lời, anh Phố lấy ra quả lựu đạn và rút chốt. Lựu đạn nổ, anh Phố, anh Việt hy sinh. Trong hầm chỉ còn hai chị em. Có lẽ bọn địch nghĩ chúng tôi ở trong hầm đã chết hết nên chúng bỏ đi. Đến tối hẳn, chị Gia cùng tôi rời khỏi hầm. Chị Gia thông thuộc đường, dẫn tôi đi cho tới lúc gặp được các anh du kích. Từ đây, tôi được cơ sở nuôi dưỡng và dẫn đường lên căn cứ để trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu...”.

Tháng 12-1968, bà Thuận được chỉ huy Thành đội Đà Nẵng điều động, bổ sung cho Đại đội biệt động Lê Độ. Về đơn vị mới, nhưng máu xương của bà đã đổ cùng đồng chí, đồng đội Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang trên vành đai diệt Mỹ. Vì vậy với bà, Đại đội 2-Khu 2 Hòa Vang là một phần cuộc sống, ký ức một lần “trở về từ cõi chết” luôn là một nỗi đau không thể nguôi ngoai.  

NGUYỄN AN KHÁNH