Cầm Bá Thước sinh năm 1858, trong một gia đình dân tộc Thái tại tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân (nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, Cầm Bá Thước được cha cho học chữ Hán và luyện tập võ nghệ. Khi trưởng thành, ông được triều đình nhà Nguyễn cho nối nghiệp cha và phong chức Bang tá, phụ trách hai châu Thường Xuân và Lang Chánh (nay là hai huyện Thường Xuân và Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Cầm Bá Thước chiêu mộ nghĩa quân xây dựng căn cứ ở Trịnh Vạn, quê hương ông, để chống giặc. Giữa năm 1886, Cầm Bá Thước cùng các lãnh tụ Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa họp tại Bồng Trung (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bàn việc thống nhất chỉ huy và tổ chức phối hợp giữa các lực lượng Cần Vương chống Pháp. Sau hội nghị, Cầm Bá Thước ra sức xây dựng căn cứ Trịnh Vạn, củng cố lực lượng, tổ chức đánh địch. Những trận đánh và phản công tiêu diệt địch vào năm 1887 giành thắng lợi chứng tỏ tài năng chỉ huy của Cầm Bá Thước và sức mạnh của nghĩa quân. Những năm 1887-1888, hoạt động của nghĩa quân Cầm Bá Thước nhanh chóng lan tỏa ra các vùng Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An)...
Trải qua quá trình xây dựng và chiến đấu, nghĩa quân đã có ít nhiều kinh nghiệm, song nếu cứ hoạt động phân tán ở từng phủ, huyện, hoặc rộng hơn là từng tỉnh sẽ không phát triển rộng lớn được, kẻ địch có thể tập trung lực lượng, vây đánh, triệt hạ từng đội nghĩa quân. Trước tình hình đó, năm 1889, Phan Đình Phùng truyền hịch kêu gọi các văn thân, sĩ phu yêu nước và dân chúng gần xa cùng nhau hợp tác chống Pháp. Nhận được bản hịch vừa truyền tới, Cầm Bá Thước cử Bang Lự đến Vụ Quang (Hương Khê, Hà Tĩnh) liên hệ, đề nghị được phối hợp chiến đấu dưới ngọn cờ của Phan Đình Phùng và được công nhận là một quân thứ trong tổng số 15 quân thứ do Cao Thắng làm Tổng chỉ huy dưới sự lãnh đạo chung của Phan Đình Phùng. Theo đó, Thanh Hóa có một quân thứ lấy tên theo tên tỉnh là Thanh thứ, do Cầm Bá Thước chỉ huy. Đây là quân thứ mang tên tỉnh nhưng không phản ánh đầy đủ quy mô toàn tỉnh mà chỉ là đại diện cho miền Tây Thanh Hóa, địa bàn có đội nghĩa quân do Cầm Bá Thước chỉ huy hoạt động còn khá mạnh.
|
|
Đền thờ Cầm Bá Thước ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân, Thanh Hóa). |
Quân thứ Thanh Hóa (Thanh thứ) hình thành đánh dấu bước phát triển về một loại hình tổ chức, bố trí lực lượng mới, thể hiện sự thống nhất các đội nghĩa quân chống Pháp trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình (2 quân thứ), Hà Tĩnh (10 quân thứ), Nghệ An (2 quân thứ) và Thanh Hóa (1 quân thứ) về các mặt chỉ huy, vũ khí, trang bị, thông tin liên lạc, trang phục, lương thực... Trên cơ sở đó, quân thứ Thanh Hóa cùng với các quân thứ khác có thể phối hợp tác chiến theo một kế hoạch chung, hoặc độc lập tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, hay chống địch càn quét bảo vệ địa bàn.
Là chỉ huy Thanh thứ, Cầm Bá Thước một mặt chú trọng xây dựng lực lượng ở vùng núi Thanh Hóa, mặt khác mở rộng địa bàn hoạt động vào các huyện miền núi phía Bắc tỉnh Nghệ An. Cầm Bá Thước còn sang tận Sầm Tớ (Lào) liên hệ với các thổ ty quen biết nhằm tranh thủ sự ủng hộ về hậu cần và tiếp viện cho Thanh thứ khi cần thiết. Bên cạnh nhiệm vụ chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, Cầm Bá Thước còn góp phần xây dựng, tăng cường mối quan hệ giữa Thanh thứ với quân thứ Hương Khê (Khê thứ) dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng. Cầm Bá Thước tuyên truyền, vận động nhân dân quyên góp vật chất hậu cần gửi tới nghĩa quân Phan Đình Phùng. Ở chiều ngược lại, Thanh thứ của Cầm Bá Thước cũng được trang bị một số súng trường (giống kiểu súng của Pháp năm 1874) do Cao Thắng chế tạo gửi tới. Cầm Bá Thước còn chọn 20 người khỏe mạnh, dũng cảm, thông thạo đường sá đến đại bản doanh Vụ Quang (Khê thứ) để truyền đạt mệnh lệnh của Bộ chỉ huy về Thanh thứ, đồng thời đưa tin ở Thanh thứ về đại bản doanh của nghĩa quân.
Trước tình hình Thanh thứ phát triển và thanh thế của nghĩa quân ngày càng lan rộng, quân Pháp phải dồn sức đối phó. Do ở vào thế bị cô lập, Cầm Bá Thước phải trá hàng, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Để giành thế chủ động, ngày 6-2-1894, Cầm Bá Thước chỉ huy nghĩa quân bất ngờ tiến công đồn Thổ Sơn, gây cho quân Pháp một số thiệt hại, tạo niềm tin cho nghĩa quân đánh giặc. Quân Pháp tập trung lực lượng phản công, Cầm Bá Thước cho nghĩa quân rút về căn cứ Trịnh Vạn tiếp tục chiến đấu.
Quyết tiêu diệt nghĩa quân Cầm Bá Thước, Pháp chia lực lượng làm 3 hướng, theo 3 đường sông Đặt, sông Chu, sông Luộc, sau đó hợp binh tiến công vào căn cứ Trịnh Vạn. Trước các cuộc tiến công của địch, Cầm Bá Thước chỉ huy nghĩa quân kiên quyết đánh trả, trụ giữ căn cứ. Do tương quan lực lượng chênh lệch, nghĩa quân bị hao tổn, Cầm Bá Thước quyết định rút khỏi căn cứ Trịnh Vạn về cứ điểm Cọc Chẽ, sau đó chuyển toàn bộ lực lượng đến Hòn Bòng (nay thuộc xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân), xây dựng nhiều hào lũy, hình thành đồn trại mới. Không chỉ nỗ lực xây dựng căn cứ, Cầm Bá Thước còn chỉ huy khoảng 50 nghĩa quân tập kích đánh quân Pháp ở Trịnh Vạn, Cửa Đạt (6-2-1895), diệt hàng chục tên.
Trước tình hình nghĩa quân Cầm Bá Thước đẩy mạnh hoạt động, ngày 10-5-1895, giám binh Marlier huy động 200 quân từ Trịnh Vạn mở cuộc tiến công lớn vào Hòn Bòng. Để bảo vệ căn cứ, Cầm Bá Thước trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu suốt 4 ngày đêm, diệt nhiều địch, nhưng nghĩa quân cũng bị tổn thất lớn, vũ khí, lương thực cạn kiệt. Trong một trận đánh ngày 13-5-1895, Cầm Bá Thước cùng vợ, em trai và 12 nghĩa quân bị địch bắt. Chúng đưa ông về Trịnh Vạn và tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc. Không khuất phục được ý chí kiên cường, bất khuất của người thủ lĩnh Thanh thứ, địch đưa Cầm Bá Thước đi thủ tiêu.
Cầm Bá Thước đã có những đóng góp to lớn trong Phong trào Cần Vương chống Pháp tỉnh Thanh Hóa. Trong đó vai trò quan trọng của ông là kế tục các lãnh tụ Cần Vương Thanh Hóa trở thành thủ lĩnh chỉ huy Thanh thứ dưới ngọn cờ lãnh đạo chống Pháp của Phan Đình Phùng. Cầm Bá Thước xứng đáng được lịch sử ghi nhận và nhân dân tôn vinh, trở thành một danh nhân quân sự, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, quyết tâm chống giặc, cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ 19.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP