Huỳnh Tấn Phát sinh ra trong một gia đình địa chủ phá sản ở làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Lần lượt tốt nghiệp các bậc học ở quê nhà, ông lên Sài Gòn học ở Trường Pétrus Ký. Cùng thời gian này, chú ruột của ông là luật sư Huỳnh Văn Phương bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước vì tham gia biểu tình chống việc kết án tử hình nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Do chỉ chênh nhau 7 tuổi nên hai chú cháu rất thân thiết, gắn bó. Những ngày nghỉ học, Huỳnh Tấn Phát thường đến nhà chú chơi và từ đây bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ qua các sách báo Mác-xít (Marxist) do chú mang từ Pháp về. Đôi khi, ông còn được tham dự các cuộc tranh luận giữa chú Phương và những người bạn về tình hình thời sự, chính trị. Lúc này, tuy chưa hiểu nhiều về Chủ nghĩa Mác nhưng những tư tưởng mới ấy đã tạo được sự đam mê đối với Huỳnh Tấn Phát. Ông viết trong hồi ký: “Khi lên Sài Gòn học, ý thức cách mạng luôn nung nấu trong tôi. Qua tiếp xúc với một số báo cách mạng và cuộc đấu tranh trên báo công khai, tôi càng chú ý đến cách mạng”.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ Bùi Thị Nga trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Năm 1933, ông thi đỗ vào Khoa Kiến trúc khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình không đủ chu cấp, để có tiền ăn học, ông tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long, Hà Nội, viết bài cho Báo La Lutte (Tranh đấu), Le Travail (Lao động) ở Bắc Kỳ, thiết kế nhà dân để có thêm thu nhập. Không chỉ học giỏi, ông còn sôi nổi hoạt động trong phong trào sinh viên. Từng bước, Huỳnh Tấn Phát đã hình thành ý thức chống lại sự áp bức, bất công của chế độ thực dân. Chuyện kể rằng, một hôm, khi các sinh viên còn đứng chờ vào lớp thì xảy ra sự việc viên tổng giám thị hành hung một sinh viên khiến Huỳnh Tấn Phát phẫn nộ rồi hành động do không kiềm chế được. Ông chạy đến cái trống lớn của nhà trường, ra sức đánh liên hồi, giống như hồi trống báo nguy. Đông đảo sinh viên nhà trường nghe tiếng trống đã chạy đến vây quanh viên tổng giám thị và anh sinh viên. Lúc này, Huỳnh Tấn Phát mới ngừng tiếng trống và nói lớn: “Không có quyền hành hung sinh viên, hành hung là phạm pháp. Tôi phản đối dùng bạo lực với sinh viên. Tôi phản đối!”. Sau sự kiện này, mặc dù Huỳnh Tấn Phát bị nhà trường gọi lên nhắc nhở, nhưng cũng từ đó về sau, Ban giám hiệu nhà trường cũng chú ý lắng nghe các ý kiến đề xuất của sinh viên hơn. Đây là hành động phản kháng đầu tiên, chống lại sự bất công và cũng là hành động khởi đầu của một chuỗi hành động thể hiện tinh thần yêu nước của Huỳnh Tấn Phát, như: Viết báo ủng hộ cách mạng; hoạt động tích cực trong Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ và hăng hái hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội. Tháng 1-1937, ông tổ chức đoàn sinh viên, học sinh lên gặp Godart-phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp được cử sang Đông Dương điều tra tình hình đời sống của người lao động và vấn đề tù chính trị để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi các quyền tự do, dân chủ theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 9-1938, ông tốt nghiệp thủ khoa và trở về Sài Gòn làm tập sự ở văn phòng KTS người Pháp Chauchon. Tuy mới ra trường nhưng với năng khiếu và sức sáng tạo thiên phú, ông đã đạt được những thành tựu xuất sắc, được giới trong nghề người Pháp kính nể. Khi tạo được uy tín với khách hàng, ông quyết định mở văn phòng riêng nằm trên phố Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu, TP Hồ Chí Minh). Là KTS Việt Nam đầu tiên mở văn phòng riêng lúc bấy giờ, nên ông gặp phải không ít sự chèn ép. Dù vậy, tin tưởng tài năng của ông, nhiều người vẫn đặt hàng, nhất là việc thiết kế các ngôi biệt thự, nhà mặt phố không chỉ ở Sài Gòn mà còn có ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Những công trình do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế từng gây “cơn sốt”, thu hút sự chú ý trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp. Vì vậy, chỉ sau ít năm mở văn phòng riêng, điều kiện làm giàu chính đáng mở rộng trước mắt ông.

leftcenterrightdel
Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh) ngày nay là một trong những công trình hình thành trên cơ sở phác thảo của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Tuy nhiên, không vì tiền bạc, danh vọng mà ông quên đi mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã được tiếp thu và thâm nhập từ khi còn đi học. Đặc biệt, khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra năm 1940, dù không thành công nhưng đã thổi bùng lên ngọn lửa cống hiến đang âm ỉ cháy trong ông từ lâu. Vì vậy, ông quyết định dùng số tiền dành dụm được mua lại manchette tờ báo Thanh niên, với mục đích tập hợp lực lượng thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước ở họ. Sinh thời, KTS Huỳnh Tấn Phát từng kể: “Báo Thanh niên từ đây ra hằng tuần. Lúc đầu, một số anh em trong Ban biên tập có khuynh hướng quốc gia thân Nhật nên tôi hết sức đấu tranh chống khuynh hướng ấy trong các bài báo để giữ vững đường lối chống Pháp, chống Nhật. Sau tiếp xúc với nhóm Huỳnh Văn Tiểng ở tù ra, tôi giao trọn tờ báo cho nhóm ấy. Nhưng tờ báo cũng không sống nổi dưới chế độ thực dân Pháp, cuối cùng phải đình bản”. Nhà nghiên cứu Bằng Giang khi tìm hiểu về tờ báo đã khẳng định: Thanh niên là một tuần báo ít nói về chính trị mà bài vở của nó ở các mục khác nhau hợp lại như một bản hòa tấu rất có chính trị. Thanh niên kín đáo lên tiếng gọi đàn, chuẩn bị một ngày trọng đại và đã nhận được sự đồng thanh tương ứng của lớp thanh niên trí thức “xếp bút nghiên lên đàng” về Nam đấu tranh. Chính trên tờ báo này, Huỳnh Tấn Phát đã phát động phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Ông là trưởng ban cổ động và được xem như một sáng lập viên của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ, hoạt động tích cực, sôi nổi nhất. Bên cạnh đó, Huỳnh Tấn Phát còn trực tiếp làm diễn giả trong nhiều hoạt động kêu gọi quần chúng nhân dân...

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Do công lao và thành tích với cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những việc làm của ông đã gây được sự chú ý của Xứ ủy Nam Kỳ. Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu quyết định bí mật tìm gặp, vận động và giác ngộ ông. Vốn có tinh thần yêu nước, thương dân và lại nhiều lần chứng kiến hành động dũng cảm của những người cộng sản, ông nhận lời và tích cực giúp đồng chí Trần Văn Giàu thực hiện chủ trương của Xứ ủy về tuyên truyền, vận động thanh niên trí thức. “Anh Huỳnh cho chúng tôi dùng chính văn phòng KTS của mình làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn về Chủ nghĩa Mác-Lênin, dẫn dắt họ theo đường lối Đảng Cộng sản. Từ những lớp huấn luyện cơ bản này, Xứ ủy đã kịp thời đào tạo một đội ngũ cán bộ nòng cốt cho phong trào”, đồng chí Trần Văn Giàu viết trong hồi ký.

Ngày 5-3-1945, KTS Huỳnh Tấn Phát được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trong khi công khai ông vẫn là đảng viên của Tân Dân chủ Đảng (sau đổi tên là Đảng Dân chủ). Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông bước sang thời kỳ mới. “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những cán bộ chủ lực trong hệ thống huấn luyện dây chuyền để đào tạo cán bộ cho Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ”, đồng chí Mai Ngọc Khuê, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sông Bé, nhớ lại.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, trực tiếp là Bí thư Trần Văn Giàu, Huỳnh Tấn Phát và các cộng sự đã tạo được một phong trào cách mạng rộng khắp trong giới trí thức, sinh viên, thanh niên. Khi “tiếng gọi đàn” đã được đồng thanh thì sự ra đời của Thanh niên Tiền phong (TNTP) ngày 1-6-1945 như một tất yếu của lịch sử với hội đồng quản trị gồm 20 người, đứng đầu là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát là Trưởng ban Tuyên truyền vận động. Nhờ có những chủ trương và cách tuyên truyền cả công khai và bí mật, chỉ một thời gian ngắn, hệ thống dọc của TNTP đã có ở cả 4 cấp (Trung ương, tỉnh-thành phố, huyện, xã). Các hoạt động của TNTP diễn ra sôi nổi, rầm rộ và ngày càng thu hút được nhiều thành phần tham gia, sau 3 tháng hoạt động đã phát triển được 1,2 triệu đoàn viên trong 21 tỉnh Nam Bộ. Riêng ở Sài Gòn là 200.000 người, trong đó 2/3 là công nhân và lao động. Bà Bùi Thị Nga, người vợ và cũng là đồng chí thân thiết của KTS Huỳnh Tấn Phát, kể: “Lúc này, đâu đâu cũng có bóng dáng của TNTP. Bấy giờ người ta mới hiểu TNTP không chỉ đơn thuần có thanh niên hay học sinh, sinh viên mà trong hàng ngũ của nó còn có đoàn viên thuộc các ngành, nghề và lứa tuổi khác nhau. Khi phong trào phát triển mạnh, người ta thấy hàng loạt phụ nữ TNTP, phụ lão TNTP... và các công sở, nhà máy, lực lượng cảnh sát, Quân đội cũng có TNTP. Ngày 23-9-1945, anh Phát bị bắt, nhưng 3 ngày sau thì được thả vì Pháp muốn lấy lòng giới trí thức bởi họ đang rất tin tưởng anh. Ngay khi được thả, dù mới cưới nhau chưa lâu, nhưng anh quyết định thu xếp cho tôi tản cư về Quán Tre, còn anh quay lại nội thành tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp”.

 “Cuộc đời KTS Huỳnh Tấn Phát là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, một nhà lãnh đạo tài năng...”-nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Khi thời cơ tới, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn đã diễn ra ngày 25-8-1945 mà một trong những lực lượng nòng cốt là TNTP. Nhớ lại ngày lịch sử ấy, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từng chia sẻ: “Tôi được giao thiết kế kỳ đài cao 15 thước, bí mật thực hiện từ nhiều đêm trước. Trên đó đã niêm yết danh sách Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Chúng tôi hô khẩu hiệu vang trời, hát say sưa giữa rừng cờ và biểu ngữ. Ngẩng mặt lên tự hào thấy lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc bay trên các cửa sổ, trên tầng gác, trên tháp đồng hồ chợ Bến Thành, trên chót vót cột cờ Thủ ngữ... Trong niềm vui chung, tôi có một niềm tin mãnh liệt về một nước Việt Nam độc lập và nguyện sẽ làm cho nó ngày một tươi đẹp hơn!”.

BÍCH TRANG - ÁNH NGUYỆT