Trong Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta và Bộ Tổng Tư lệnh đặt yêu cầu bảo đảm cung cấp cho bộ đội đánh thắng trên các hướng chiến dịch ở mức cao nhất. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Liên khu IV bảo đảm chi viện sức người, sức của cho hai chiến trường quan trọng là Trung Lào và Điện Biên Phủ. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa và phần phía Bắc tỉnh Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Hà Tĩnh và phần phía Nam tỉnh Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Trung Lào. Nhiệm vụ đó phải hoàn thành vào cuối năm 1953, đầu năm 1954.

Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Quân trang (nay là Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần), nguyên chiến sĩ hậu cần tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết: “Để cung cấp kịp thời lương thực cho Mặt trận Điện Biên Phủ giai đoạn đầu, Tiền phương Tổng cục Cung cấp chủ trương khai thác triệt để nguồn hậu cần tại chỗ của Tây Bắc gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... Sau này do thực tế chiến trường và yêu cầu ngày càng cao của chiến dịch, nguồn tiếp tế chủ yếu đến từ hậu phương các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua Suối Rút (Hòa Bình) sang Mộc Châu, Cò Nòi (Sơn La), vượt hơn 500km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới đích...”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Cao Văn Tỵ, chiến sĩ dân công xe đạp thồ tỉnh Thanh Hóa đạt thành tích vận chuyển 320kg/chuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh do Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp

Đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp cho chiến dịch 80% lương thực, vượt mức Trung ương Đảng giao là 9 tấn. Toàn tỉnh đã cung cấp: 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ mắm kem cùng với hàng trăm tấn rau xanh các loại. Thanh Hóa đã huy động tới 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn phục vụ chiến dịch. Tính ra, tổng số dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ của tỉnh Thanh Hóa là 1.061.593 lượt người với 27.227.000 ngày công; cùng 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 42 ngựa thồ, 31 xe ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác.

Lực lượng dân công Nghệ An có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Nghệ An đến Suối Rút (Hòa Bình). Nhưng do thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đoàn dân công Nghệ An phải vận chuyển hàng lên tận Sơn La. Tính đến tháng 1-1954, dân công Nghệ An đã vận chuyển 4.600 tấn lương thực lên Sơn La, Hòa Bình an toàn. Trong đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công Nghệ An tiếp tục vận chuyển 5.000 tấn lương thực, thực phẩm từ Nghệ An lên Sơn La. Ngoài việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân dụng phục vụ chiến trường, lực lượng dân công Nghệ An còn tham gia tải thương, áp giải tù binh, mở đường, bảo đảm giao thông thông suốt...

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh), từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình Đại đoàn 312, nhớ lại: “Chúng tôi khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được cung cấp đầy đủ súng đạn, được ăn no, mặc ấm, yên tâm xông vào chiến hào đánh giặc là nhờ công sức to lớn của anh chị em dân công hỏa tuyến, trong đó nhiều người cùng quê hương Thanh, Nghệ, Tĩnh...”.

Chính vì lẽ đó, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: Dân công đã ra sức rất nhiều, trong một Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...”.

ANH TẦN - HỮU HOÀNH