Theo cuốn “Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2003), ngày 10-9-1967, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng vũ trang 3 thứ quân nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, rèn luyện nâng cao khả năng tác chiến tập trung của bộ đội, chú trọng rút kinh nghiệm và xây dựng hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt”, nâng cao trình độ tập kích địch phòng ngự ở điểm cao.

C150 do đồng chí Lê Kiểm, Đại đội trưởng chỉ huy phục vụ chiến dịch này. Cựu chiến binh Cổ Như Mừng, nguyên tổ viên Tổ 1 (mã thám) thuộc C150 kể: “Một ngày hạ tuần tháng 10-1967, quân ta đang tập trung chuẩn bị cho Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh (theo kế hoạch, Sư đoàn 1 nổ súng mở màn vào ngày 15-11-1967) thì lúc nửa đêm, anh Nguyễn Văn Tứ cùng tổ với tôi nhận được bản mật mã từ Tổ 2 (thu tin) chuyển đến. Nhận ra đó là một bản tin cực kỳ quan trọng, ngay lập tức, chúng tôi dò từng chữ, đoán từng ý, cắt ghép, đối chiếu, lần mò giải mã tin tức ẩn trong đó. Sau hơn nửa giờ, nội dung cơ bản của bức điện mật đã hoàn chỉnh với độ tin cậy rất cao. Anh Tứ cấp tốc viết báo cáo rồi đưa cho tôi chuyển trình ngay Đại đội trưởng Lê Kiểm. Rà soát kỹ nội dung, anh Kiểm kéo tôi cùng đến báo cáo Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Đăng Định, Phó trưởng ban Quân báo Mặt trận xem bức điện rồi trực tiếp đi báo cáo thủ trưởng Hoàng Minh Thảo, chỉ huy chiến dịch. Khoảng 20 phút sau, ông quay lại giao nhiệm vụ cho anh Kiểm và tôi: “Các đồng chí về tiếp tục theo dõi tình hình. Có tin mới phải ngay lập tức báo cáo!”.

Theo nội dung giải mã được thì đó là bản báo cáo của lính trinh sát địch gửi thượng cấp, nói rõ ý đồ của Quân Giải phóng miền Nam trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh mùa khô năm 1967, có sơ đồ các điểm phục kích, các mũi tiến quân... Nguyên nhân sự việc này về sau được làm rõ là do tổ trinh sát của ta đi thực địa lần cuối đã bị địch phục kích. Một đồng chí cán bộ hy sinh. Cặp đựng tài liệu về chiến dịch bị địch lấy được.

leftcenterrightdel
Đại đội trưởng Lê Kiểm (bên trái) thay mặt C150 nhận chiếc đồng hồ Bác Hồ gửi tặng sau Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh mùa khô năm 1967.
      Ảnh chụp lại
 

Ngay lập tức, Bộ tư lệnh Mặt trận chỉ thị cho Bộ tư lệnh tiền phương cấp tốc thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến. Lệnh cho các đơn vị tham gia chiến dịch không chờ đến giờ G mới nổ súng mà đánh ngay khi có lệnh. Qua trinh sát kỹ thuật của C150, biết Mỹ sẽ dùng Lữ đoàn 173 dù và Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 4 phản kích Quân Giải phóng trên hai hướng Tây, Tây Nam Tân Cảnh và sẽ hợp vây tại khu vực điểm cao 875, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn 1 giữ kín lực lượng, chờ địch vào trận địa ta bố trí sẵn để tiêu diệt, đồng thời lệnh cho các đơn vị hành động phối hợp để đạt kết quả cao nhất.

15 giờ 30 phút ngày 3-11, trên mỏm đồi yên ngựa dãy Ngọc Bờ Biêng, Tiểu đội 7, Đại đội 11 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 320, Sư đoàn 1) mở màn chiến dịch bằng trận đánh thắng hai đại đội Mỹ, thu những chiến lợi phẩm đầu tiên, tạo tiền đề để các đơn vị bạn tiếp tục lập công. Ta đã đánh tiêu hao nặng những đơn vị thiện chiến nhất của Mỹ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Chiến dịch kết thúc thắng lợi vào ngày 22-11-1967.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1967 đã ghi thêm vào trang sử quyết thắng của Quân đội ta, là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông-Xuân 1967-1968 của miền Nam anh hùng. Sau này, các đơn vị tham gia chiến dịch đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng xứng đáng. Cuối năm 1967, Đại đội trưởng Lê Kiểm được cấp trên cử cùng đoàn cán bộ Mặt trận ra Bắc báo cáo thành tích, đồng thời thay mặt C150 nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì và chiếc đồng hồ Bác Hồ gửi tặng.

PHẠM XƯỞNG