Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Phạm Huy Liệu tại nhà riêng ở xã Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương), được nghe ông kể về một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ. Đó là lúc 0 giờ 20 phút ngày 3-4-1967, Tổ đài 15W thuộc Tiểu đoàn 1 pháo phòng không Quân khu Hữu Ngạn đang ở huyện Đông Sơn bảo vệ cầu Hàm Rồng thì nhận lệnh cơ động gấp về bảo vệ cầu Đò Lèn ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Hạ sĩ Phạm Huy Liệu, báo vụ viên (thay Đài trưởng Mai Đăng Khoa đang họp trên Quân khu) chỉ huy tổ đài gồm 3 chiến sĩ báo vụ: Lã Xuân Định, Lê Văn Dy, Nguyễn Văn Hưng và đồng chí Nhiêm là nhân viên quay máy phát điện triển khai chốt ở cạnh sườn núi, cách cầu Đò Lèn về phía Nam khoảng 1km. Từ 5 giờ ngày 3-4-1967, đã có nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ lao đến đánh phá cầu Đò Lèn.
- Chúng oanh tạc khu vực cầu liên tục đến 17 giờ. Các lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt. Hai máy bay Mỹ bị bắn rơi. Cây cầu vẫn vẹn nguyên nối mạch giao thông. Nhận định lần này địch sẽ điên cuồng tấn công, quyết đánh sập cầu Đò Lèn để rửa hận thảm bại hai năm trước nên cấp trên lệnh cho các đại đội hỏa lực khẩn trương củng cố trận địa, sẵn sàng tiêu diệt địch-ông Liệu nhớ lại.
Mờ sáng 4-4-1967, từng tốp máy bay Mỹ lao đến đánh phá tất cả trận địa bảo vệ cầu. Từ trên cao, vượt tầm khống chế của pháo 37mm, chúng căn cứ vào ánh chớp ở đầu nòng pháo dưới mặt đất, bổ nhào giội bom, phóng rocket và tên lửa nhằm phá hủy các trận địa pháo 57mm, 100mm của ta.
Lúc 9 giờ 30 phút, anh Phong, nhân viên cơ yếu của Tiểu đoàn, đưa cho tôi bức điện có ghi “Tối khẩn” và nói như ra lệnh: “Bằng mọi giá phải chuyển ngay!”. Tôi lập tức yêu cầu đài canh báo trưởng mạng nhận điện nhưng đúng lúc đó, trưởng mạng đang xử lý tình huống khác. Cấp bách, tôi mở máy thu tìm trưởng mạng thì một loạt bom nổ ở cuối nhà. Tôi vội ôm chặt máy 15W nằm im giữa cát bụi và mảnh bom bay rào rào. Hết tiếng bom, tôi lại dò tìm thì thấy trưởng mạng đang phát.
Lúc này, tôi nghĩ dứt khoát phải làm cho trưởng mạng biết là có bức điện tối khẩn tôi vừa nhận. Thế là như một phản xạ tự nhiên, tôi bảo nhân viên quay máy phát điện, còn tôi điều chỉnh sóng của mình đè lên sóng của trưởng mạng. Lập tức mạng viên đang thu bị nhiễu, yêu cầu trưởng mạng dịch sóng ra khỏi chỗ nhiễu thì mới thu được. Trưởng mạng chuyển dịch sóng xong, đúng vào lúc mạng viên báo kết quả hết nhiễu và bắt đầu gọi tên trưởng mạng (theo thủ tục quy định, mạng viên phải gọi tên trưởng mạng 3 lần thì mới được tiếp tục thu điện). Tôi chớp thời cơ này, mở máy thu tìm về khu vực tần số của mạng viên, đè sóng của tôi lên sóng mạng viên và réo gọi trưởng mạng: “d1 có điện tối khẩn! d1 có điện tối khẩn!...” (d1 là ký hiệu Tiểu đoàn 1 pháo phòng không).
Trưởng mạng nhận ra tình huống, đã đồng ý để tôi phát. Chỉ chờ có thế, tôi bảo nhân viên quay máy phát điện cố quay mạnh lên một chút và thật đều tay để cho ra tín hiệu tốt nhất. Tôi phát một mạch hết bức điện và trưởng mạng cũng thu trọn vẹn, không phải hỏi lại. Sau này, tôi được biết nội dung bức điện là: “Cơ số đạn của d1 sắp hết. Yêu cầu Quân khu cấp đạn tiếp tục chiến đấu”. Đây là trận chiến khốc liệt nhất tính đến thời điểm đó mà tôi ở cương vị trực tiếp tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chống trả hàng trăm lượt máy bay Mỹ giội bom nhằm hủy diệt trận địa.
Với cách xử lý “ngoài sách vở” đột xuất lóe lên trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, Hạ sĩ, báo vụ viên Phạm Huy Liệu đã cùng anh em trong tổ đài góp phần quan trọng để đơn vị sớm có thêm vũ khí, giảm thương vong cho quân ta, cùng các lực lượng khác giữ cho cầu Đò Lèn trụ vững để đưa người và hàng ra tiền tuyến.
Sau trận đánh này, ông Phạm Huy Liệu còn tiếp tục tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu. Đến tháng 5-1973, ông chuyển ngành sang công tác ở ngành lương thực tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) đến khi nghỉ hưu.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG