Từ năm 1990, người dân ở tổ dân phố An Lạc, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) thấy cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu thường vắng nhà, ngắn thì chục ngày, dài thì gần cả tháng. Đó là những ngày ông cùng các cựu chiến binh ở Sư đoàn 3-Sao Vàng đi tìm phần mộ của các đồng đội, tổ chức đưa họ về yên nghỉ tại quê nhà.

Năm 2013, Hội Hỗ trợ GĐLS thành phố Hải Phòng được thành lập với hơn 100 hội viên do cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu làm Chủ tịch. Sau 10 năm hoạt động, số hội viên đã lên tới hơn 1.000. Cũng trong 10 năm ấy, Hội Hỗ trợ GĐLS thành phố Hải Phòng đã tìm kiếm, quy tập gần 700 mộ liệt sĩ, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan, đơn vị ủng hộ, tặng hơn 100 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 3 đến 5 triệu đồng); hàng nghìn suất quà (mỗi suất từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng); xây mới và sửa chữa 23 ngôi nhà; thông tin tìm kiếm hàng nghìn liệt sĩ. Chỉ tính riêng đợt bão lụt ở miền Trung năm 2010, Hội Hỗ trợ GĐLS thành phố Hải Phòng đã vận động được hơn 600 bộ quần áo và gần 30 triệu đồng để mua quà tặng các cháu học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Ngọc Mậu (ngoài cùng, bên phải) cùng đại diện nhà tài trợ tặng quà gia đình chính sách ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trong thành tích chung ấy không thể không nhắc tới vị Chủ tịch Hội-thương binh hạng 2/4 Phạm Ngọc Mậu. Ông Mậu sinh năm 1949 trong một gia đình có 6 anh em (5 trai, 1 gái, ông là con thứ tư), tại xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Ông và 4 anh em trai lần lượt vào bộ đội. Ông Mậu nhập ngũ năm 1967, chiến đấu chủ yếu ở tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh ở Xương Rồng (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1976, ông Mậu phục viên, về làm đủ mọi nghề kiếm sống: Thợ may, chụp ảnh, cơ khí...

Ông tâm sự, việc tìm kiếm các liệt sĩ do các hội viên tự đóng góp kinh phí và tổ chức đi. Chuyến đi nào cũng để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2008, khi là hội viên Câu lạc bộ cựu chiến binh tình nguyện tìm kiếm liệt sĩ Đoàn Sao Vàng, ông cùng đồng đội đi vào huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để tìm đồng đội. Hôm ấy, sau một hành trình dài mệt mỏi, ông ngồi tựa vào gốc cây rồi ngủ thiếp đi. Trong mơ, dường như có tiếng người gọi bảo dưới gốc cây có liệt sĩ nằm. Khi tỉnh dậy, một cảm giác hồi hộp và lâng lâng, dù không nhiều hy vọng nhưng mọi người vẫn đào đất dưới gốc cây lên. Khoảng nửa mét, những mảnh quần áo bộ đội cũ đã lộ ra. Rồi mọi người tìm thấy 2 bộ, 5 bộ, rồi 12 bộ hài cốt liệt sĩ. Anh em xúc động rơi nước mắt. Lần ấy, ông cùng đồng đội, thân nhân liệt sĩ đã quy tập được 52 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang...

Với vai trò là Chủ tịch Hội, người “đứng mũi chịu sào” mọi hoạt động của Hội, tuy đã gần 75 tuổi nhưng ông Mậu vẫn bôn ba nhiều địa phương để tìm kiếm đồng đội; đến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gặp nhiều doanh nhân để lo kinh phí cho hoạt động tri ân liệt sĩ; trăn trở suy nghĩ về cách làm, biện pháp sao cho hoạt động tri ân liệt sĩ của địa phương ngày càng thực chất, hiệu quả. Dù những ngày mưa rét hay nóng bức, ông vẫn lên vùng cao, vào miền Trung, các tỉnh miền Nam, cần mẫn cùng mọi người trong các hoạt động tri ân liệt sĩ. Ông bảo: “Còn sức khỏe, mình còn đi tìm đồng đội...”.

HOÀNG QUÝ LÊ