1. Một chuyến áp tải đạn cao xạ từ tuyến sau ra trận địa. Trời tối đen như mực, bốc đạn lên xe xong, tôi ngồi trên thùng xe, kẹp giữa hai hòm đạn 37mm. Khi áp tải đạn thì phải ngồi với đạn để bảo vệ, phòng khi có sự cố xảy ra... Đường quân sự làm gấp dưới rừng cây, phải che mắt địch cả vào ban đêm. Giờ G phải có đạn ở trận địa, rồi xe phải trở về lúc trời chưa sáng. Lái xe vừa đi vừa dò đường, lúc lên đồi, lúc xuống khe, vượt cua gấp khúc, vượt suối... Khi đi qua một con suối cạn, do không nhận ra đường nên đồng chí lái xe liền bật đèn để tìm lối rồi tắt ngay. Thế mà xe vừa chạy được khoảng vài chục mét thì một quả đạn pháo đã nổ ngay chỗ vừa bật đèn. Rất may là xe của chúng tôi vẫn an toàn. Đúng giờ, chúng tôi giao đạn cho trận địa đầy đủ, tôi và lái xe cùng ngồi trong ca bin, khẩn trương quay trở lại vị trí xuất phát. Mệnh lệnh được chấp hành đầy đủ, chính xác nên khi trở về, tôi thấy trong lòng lâng lâng, phấn khởi vì mình vừa hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng.

leftcenterrightdel

 Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp

2. Sau đợt 2 của chiến dịch, hội nghị quân chính của Đại đoàn 351 được tổ chức. Không khí rất phấn khởi vì hai đợt mở màn thắng lợi giòn giã, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của pháo binh đã chọn vị trí bí mật để xây dựng công sự, trận địa, chi viện đắc lực, chính xác cho bộ binh nên pháo ta tuyệt đối an toàn, kể cả sơn pháo và lựu pháo. Các đài quan sát của Trung đoàn, Đại đoàn đều hoạt động tốt, phục vụ chỉ huy kịp thời, chính xác. Tại hội nghị, nhiều đơn vị và cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Công binh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với lực lượng cao xạ, bao gồm 12,7mm và 37mm, hiệu suất chiến đấu chưa cao, lượng đạn tiêu thụ còn lớn. Hội nghị đã phân tích và tìm ra nguyên nhân chính, đó là các khẩu đội chưa kịp thời ngắm bắn khi máy bay địch bổ nhào ném bom, mà phần lớn là bắn đuổi theo, bắn vuốt đuôi. Điều này không có gì khó hiểu, vì đây là lần đầu cao xạ tham gia chiến đấu trực tiếp với máy bay địch nên chưa nhiều kinh nghiệm, trong khi đó, thời cơ bắn chỉ tính bằng giây, không bắn kịp thời là mất mục tiêu ngay... Mặc dù anh em Trung đoàn 367 đã tự phê bình rất nghiêm trong khi thảo luận nhưng theo chỉ đạo của Đảng ủy và Tổng Tư lệnh, đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn phê bình rất gay gắt, đả kích mạnh vào yếu tố tiểu tư sản, nhất là tư tưởng sợ địch! Chỉ xung quanh vấn đề này mà ông nói một mạch đến gần 2 tiếng đồng hồ. Lúc đầu thì áo bỏ trong quần nghiêm chỉnh, sau nóng quá, ông kéo áo ra ngoài khi nào không biết. Cán bộ các cấp từ đại đội trưởng và chính trị viên đại đội trở lên ngồi nghe toát mồ hôi! Hội nghị căng thẳng, nhưng nói chung là thống nhất nhận thức cao, khi ra về, ai nấy đều có quyết tâm lập công mới.

3. Tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng có hai đại đội với 12 giàn kỹ thuật. Tối 6-5-1954, Đại đội 1 bắn thử, nhưng một giàn bị trục trặc kỹ thuật, không bắn được nên chỉ có 5 giàn bắn 3 loạt với 30 quả/loạt. Qua tin tình báo, chúng tôi biết địch bàn tán rất nhiều khi thấy xuất hiện vũ khí mới, ánh lửa đạn vừa sáng rực vừa nổ mạnh và nhất là nhiệt độ khi đạn nổ rất cao. Trung đoàn dự định tối 7-5-1954 sẽ sử dụng tất cả số giàn hiện có của đơn vị, mỗi loạt bắn hàng chục quả thì sẽ có tác dụng uy hiếp lớn. Nhưng chiều 7-5-1954, địch ở Mường Thanh đã đầu hàng. Nhận được tin, cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan sở chỉ huy đều chạy ùa lên đài quan sát để xem quang cảnh Mường Thanh qua ống nhòm, thấy rõ cảnh tượng địch vừa giơ cao cờ trắng đầu hàng vừa từ trong các ngõ, ngách giao thông hào lủi thủi đi ra. Lòng tôi rạo rực hơn ai hết, bởi không chỉ tự hào khi được tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch mà còn may mắn được chứng kiến giờ phút lịch sử thiêng liêng.

Đại tá NGUYỄN ĐỒNG