Ngày 7-5-1953, tướng H.Navarre là người thứ 7 được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội của Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch Navarre với chủ trương tập trung lực lượng cơ động chiến lược thành “quả đấm sắt” để tiêu diệt từng căn cứ, lực lượng chủ lực của ta. Nắm được kế hoạch này, đầu tháng 10-1953, tại bản Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để bàn về kế hoạch đối phó. Mở đầu cuộc họp, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự trên các chiến trường toàn quốc và Đông Dương, trình bày phương án tác chiến chiến lược cho cuộc quyết chiến sắp tới. Bác Hồ ngồi họp, chăm chú lắng nghe báo cáo của anh Văn. Giữa chừng, Người bỗng giơ tay lên rồi nắm lại và nói, tôi nhớ đại ý là: Địch đang như nắm tay này. Chúng tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh thì ta sẽ buộc chúng phải xòe ra, phân tán binh lực để sức mạnh không còn. Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt kế hoạch tấn công một cách độc đáo, sinh động, dễ hiểu bằng cách mở rộng bàn tay để mỗi ngón tay chỉ về một hướng và nhấn mạnh việc lấy Tây Bắc làm hướng chính. Người nói: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa.

 

“Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh-nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.

                                                                                             (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Ngay sau cuộc họp, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Theo đó, ngày 19-11-1953, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc. Quân ta cũng tiến đánh ở Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào để xé lẻ binh lực của Pháp. Phát hiện quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20-11-1953, Navarre đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm, tổ chức thành các cụm đề kháng có khả năng phòng ngự mạnh. Mục đích là khống chế vùng Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào và biến Điện Biên Phủ thành “cái bẫy” kìm chân, “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh, qua đó, tạo thế cân bằng trên toàn chiến trường Đông Dương. Các tướng lĩnh Pháp và “quan thầy” Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “một pháo đài khổng lồ không thể công phá”.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng họp cuối năm 1953 tại Việt Bắc

quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trước nước cờ mới của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh Trần Đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Bằng quyết định lịch sử này, ta đã chủ động chuyển phương thức tác chiến từ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu sang đánh vào chỗ mạnh nhất của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn một năm so với kế hoạch của chúng.

Với sự thận trọng của nhà quân sự thấu hiểu thực lực đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán trong việc thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc thắng”. Từ đầu năm 1953, Người đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn”. Tháng 1-1954, khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Người lại nhấn mạnh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Phương châm “đánh chắc thắng” của Người không chỉ thể hiện sự cẩn trọng của nhà cầm quân biết mình, biết người mà còn là trách nhiệm, là lòng nhân của vị chỉ huy tối cao đối với vận mệnh dân tộc và sinh mệnh người lính trên chiến trường. Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, bảo đảm Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch. Đường lối tác chiến đúng chỉ có thể phát huy giá trị khi được thực hiện bởi những nhà chỉ huy lỗi lạc. Tại cuộc họp ở Tỉn Keo, cùng với việc thông qua quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã quyết định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Thể hiện sự tin cậy tuyệt đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định”. Lòng tin cao độ và sự tôn trọng cấp dưới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đủ căn cứ và thẩm quyền để đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình: Chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” khi cả mặt trận đã sẵn sàng nổ súng.

leftcenterrightdel
 Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh chụp lại

Thực hiện phương châm tác chiến mới, ta chủ động về mục tiêu tấn công, thời gian tấn công và có thể tập trung binh, hỏa lực vào việc tiêu diệt gọn từng cụm đề kháng, giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng đợt tấn công để tiến tới thắng lợi cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên các binh sĩ tham chiến tại Điện Biên Phủ để họ vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Sức chiến đấu của Quân đội nằm ở ý chí, nhiệt huyết của những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ”, Người đã khích lệ: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm tranh nhiều thắng lợi”. Ngày 22-12-1953, Người gửi cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm giải thưởng luân lưu. Tết Giáp Ngọ 1954, ngoài việc gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”, Người còn viết thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ với lời nhắn nhủ: “Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi”. Tháng 3-1954, trước thời khắc mở màn chiến dịch, Người có “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ”, trong đó khích lệ: Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Tiếp đó, ngày 15-3-1954, sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam hai ngày, Người đã gửi bức điện khen ngợi các chiến sĩ Điện Biên Phủ và căn dặn quân ta “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Chiều 7-5-1954, quân ta giành thắng lợi thì ngày 8-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ” và quyết định tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch này. Trong thư, Người căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”. Con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc ta không phải là con đường thẳng tắp. Người nói với cán bộ, nhân dân: Để tranh lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan. Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta.      

Suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ. Những lá thư, lời động viên của Người là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao đối với các chiến sĩ Điện Biên. Họ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, đem hết sức mình góp phần vào thắng lợi cuối cùng để giải phóng quê hương.  

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT