Ngày ấy, Đinh Quang Thắng về quê chỉ có chiếc ba lô và đôi bàn tay trắng đối diện với cuộc sống nghèo khó. Trong quân ngũ, anh từng là lính quân nhu, từng làm cán bộ quản lý hậu cần của sư đoàn bộ, từng giữ kho lương thực, thực phẩm nuôi hàng nghìn quân và từng về tiếp quản Sài Gòn sau ngày giải phóng, cầm giữ rất nhiều tiền để chăm lo cuộc sống cho đơn vị quân quản.

Nhớ lại năm 1967, chiến trường miền Nam đang bom đạn ác liệt, xã anh có một người vì trường hợp đặc biệt phải hoãn nhập ngũ nên không đủ quân số. Đinh Quang Thắng liền xin được nhập ngũ thay. May sao, anh đã được toại nguyện. Nhập ngũ tháng 7-1967, sau 3 tháng huấn luyện, Đinh Quang Thắng cùng đồng đội hành quân vào Quảng Nam, biên chế vào Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 325. Đến tháng 11-1967, anh và đơn vị hành quân vào đến Kon Tum, tham gia chiến đấu ở Đăk Tô-Tân Cảnh.

Vào chiến trường, như bao chiến sĩ khác, anh được giao 1 khẩu súng AK, 200 viên đạn, 2 quả lựu đạn cùng thuốc men, bông băng... Anh cùng đồng đội đào hầm chuẩn bị cho trận đánh. Nhưng không ngờ ngay đêm đó, máy bay địch oanh tạc vào trận địa. Đinh Quang Thắng chứng kiến 3 đồng đội hy sinh và 2 đồng chí khác bị thương. Gạt đi nỗi lo sợ thoáng qua, anh và đồng đội tiếp tục củng cố hầm hào, lao vào cuộc chiến đấu. Nhiều đồng đội đã hy sinh, trong đó có chiến sĩ Đồng người xã Hải Ninh, đồng hương Hải Hậu, khiến anh vô cùng đau xót.

Sau khi chiếm được cao điểm 823 Ngọc Kom Liệt, đơn vị tiếp tục chiến đấu quyết liệt chống trả địch phản kích. Trên vai Đinh Quang Thắng lúc bấy giờ là chiếc nòng pháo nặng 34kg chưa kể ba lô súng đạn, anh vẫn xông lên với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Tại mỏm đồi 824, địch dùng B-52 ném bom rải thảm và pháo bắn dữ dội, rồi đổ quân xuống cứ điểm. Trận chiến quyết liệt kéo dài 20 ngày ròng rã. Bộ đội hy sinh nhiều. Đinh Quang Thắng cũng bị hai mảnh đạn xuyên vào vai và đầu. Trận này ta giành thắng lợi.

leftcenterrightdel
  Đồng chí Đinh Quang Thắng và vợ tại Gia Nghĩa, Tây Nguyên mùa khô năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngay lần đầu ra trận, Đinh Quang Thắng đã trực tiếp chiến đấu, góp công vào Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, giúp anh có thêm bản lĩnh vững vàng, tự tin hơn để chiến đấu diệt địch. Năm 1969, anh được điều về Bộ tư lệnh 559 làm chiến sĩ nuôi quân ở Binh trạm 36. Bấy giờ đang là mùa mưa, gạo trong kho còn rất ít, lại bị ẩm mốc, không ăn được. Gạo ở hậu phương chuyển vào chiến trường rất khó khăn. Bộ đội chỉ được một lạng gạo một ngày nên rất đói. Đinh Quang Thắng được giao nhiệm vụ phải chăm lo bảo đảm bữa ăn hằng ngày cho bộ đội không bị đói. Thế là anh phải cùng tổ nuôi quân chia nhau vào rừng tìm rau, măng, củ, quả để độn vào bữa cơm. Đi trong rừng già, trời mưa gặp nhiều gian nan, nguy hiểm như vực sâu, nước lũ, muỗi, vắt, rắn cắn và có khi đụng phải mìn lá giặc thả dày đặc trong rừng, nhưng anh và đồng đội vẫn bền lòng, vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi mình anh còn lặn lội sang các bản của Lào, cõng muối đi đổi lấy gạo, thịt lợn hoặc gà, vịt mang về cải thiện bữa ăn cho bộ đội, có chuyến đi cả tuần lễ mới về. Anh còn cùng anh em trồng rau, trồng sắn, khoai để tăng khẩu phần trong bữa ăn, chống cái đói trong suốt mùa mưa dai dẳng nhưng vẫn không khắc phục được, đơn vị đành hành quân ra Thanh Hóa tránh đói hai tháng. Gần cuối năm 1969, đơn vị mới trở lại Binh trạm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1971, anh Thắng được điều về cơ quan Sư đoàn bộ Sư đoàn 471, làm Tiểu đội trưởng nuôi quân. Với công việc nuôi quân tận tình, chu đáo, tháo vát, tích cực nên anh được cử đi học lớp quản lý hậu cần 3 tháng rồi về nhận nhiệm vụ quản lý Trạm trú quân Sư đoàn, rồi về Phòng Hậu cần Sư đoàn 471 làm công tác quân nhu.

Những năm tháng làm nhiệm vụ chăm lo bữa ăn cho bộ đội từ Tây sang Đông Trường Sơn, gian nan, vất vả vô cùng nhưng Đinh Quang Thắng chưa có phút nào nản chí hay xem nhẹ công việc của mình. Không chỉ hăng hái tìm lương thực, thực phẩm chăm lo từng bữa ăn, anh còn nghĩ ra nhiều sáng kiến, cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Thành tích nổi bật của anh là tổ chức sản xuất đậu phụ, làm bánh mì, bánh nướng, bánh kẹo ngay tại Trường Sơn cung cấp kịp thời cho bữa ăn của chiến sĩ. Mỗi ngày, đơn vị phải làm khoảng hai tạ đậu phụ, ngoài ra còn bánh mì, bánh nướng, kẹo... cung cấp cho các trung đoàn. Anh và anh em nuôi quân sáng tạo ra việc sản xuất đậu phụ, bánh kẹo... bằng cách làm thủ công. Ví dụ: Cối xay đậu lắp dây curoa chạy máy nổ thay sức người, dùng thùng phuy làm nồi hơi, thùng pháo sáng đựng nước đậu kết tủa, nấu đậu hoặc nướng bánh mì bằng lò tự đắp, dùng củi tự kiếm để đun và nướng. Sau khi đậu đóng bánh xong thì xếp vào các thùng đạn chuyển lên xe, mang đến từng đơn vị bộ đội. Những ngày phục vụ gian nan, vất vả đó có khi bị vết thương tái phát đau nhức, có khi bị sốt rét rừng không ăn nổi cơm nhưng người lính hậu cần Đinh Quang Thắng vẫn cố gắng vượt qua để làm tốt nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đinh Quang Thắng và vợ. Ảnh: DUY SƠN

Sau ngày Sư đoàn 471 thần tốc đưa bộ đội tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, Đinh Quang Thắng tiếp tục theo Sư đoàn về tiếp quản thành phố để chăm lo công việc hậu cần cho bộ đội. Tại thành phố hoa lệ những ngày còn lộn xộn, nhiều cám dỗ vật chất, chiến sĩ hậu cần Đinh Quang Thắng vẫn giữ nghiêm kỷ luật, không tơ hào của cải ê hề. Hằng ngày, anh cầm rất nhiều tiền đi liên hệ mua hàng hóa, lương thực và thực phẩm cho đơn vị, tự quản lý tài chính nhưng anh không tơ hào một xu công quỹ của Quân đội.

Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Đinh Quang Thắng sau khi trở về địa phương đã tích cực chăn nuôi, làm kinh tế gia đình và được công nhận là nông dân chăn nuôi giỏi nhiều năm. Bận việc chăn nuôi, sản xuất song anh vẫn tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã kiêm Chi hội trưởng Cựu chiến binh Chi hội 10 của thôn. Anh còn tham gia Hội Người cao tuổi xã với chức năng thanh tra. Công việc nào anh cũng tham gia tích cực và có uy tín cao với nhân dân.

Mấy năm nay, vợ anh hay ốm đau, gần đây còn mắc căn bệnh Lupus ban đỏ, anh càng cố gắng nhiều hơn để vừa chăm sóc vợ vừa chăn nuôi, làm kinh tế gia đình và công tác xã hội. Gần đây anh mới xin nghỉ công tác để chăm lo cho người vợ đã tần tảo một đời chờ chồng, nuôi con vất vả.   

NGUYỄN THỊ MAI