Từ khi trở lại định cư ở huyện Đăk Pơ (năm 1981), gần như mỗi năm vào ngày 24-6, CCB Thái Diệp đều đến khu vực diễn ra trận đánh Đăk Pơ (sau này là Đền tưởng niệm Liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ) thắp hương cho đồng đội. CCB Thái Diệp cũng đã nhiều lần cùng cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh, nhưng không có kết quả. “147 chiến sĩ anh dũng chiến đấu và hy sinh trong trận đánh Đăk Pơ đã hòa vào lòng đất, vào cây cỏ, sông suối Đăk Pơ, nhưng tinh thần hy sinh vì dân, vì nước của các anh sẽ luôn còn mãi”, CCB Thái Diệp xúc động nói.

“Thời điểm đó, tôi là Khẩu đội phó Khẩu đội cối 82mm thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96 (Liên khu 5). Ở cương vị này, tôi không được biết nhiều, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, hành quân, trú quân và thực hành chiến đấu chỉ trong phạm vi khẩu đội. Nhưng tôi và đồng đội nắm rất rõ, bộ đội ta sắp phải đối đầu với một binh đoàn cơ động hiện đại, thiện chiến của Pháp đang trên đường rút khỏi An Khê, mà tương quan lực lượng địch lớn gấp nhiều lần so với ta. Với quyết tâm “kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy” của Bộ tư lệnh Liên khu 5 và của đơn vị, tôi cùng đồng đội xác định rõ tư tưởng, quyết tâm chiến đấu, hy sinh. Không một ai trong chúng tôi nao núng hay sợ hãi”, CCB Thái Diệp kể.

leftcenterrightdel
 Đền tưởng niệm Liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ. Ảnh do huyện Đăk Pơ cung cấp

Theo tài liệu “Ba trận thắng lớn tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai biên soạn và tài liệu tuyên truyền của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Pơ, sau khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt (7-5-1954), quân Pháp tại Đông Dương thực hiện co cụm chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Hội nghị Geneva. Ở Tây Nguyên, quân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ lẻ, co cụm lực lượng về các thị trấn, thị xã, hình thành từng khu vực phòng ngự, như: An Khê, Pleiku, Buôn Ma Thuột. Thế nhưng tinh thần của chúng đã rệu rã, các khu vực phòng ngự nói trên đang ở tình thế rất khó khăn, bị cô lập, phải tiếp tế bằng đường không. Đến trung tuần tháng 6-1954, do không được tiếp tế, chi viện kịp thời, lại bị quân và dân Liên khu 5 tấn công liên tục nên quân Pháp tại An Khê rơi vào tình thế nguy cấp. Bộ tư lệnh Liên khu 5 nhận định địch sẽ rút chạy khỏi An Khê và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 cùng các LLVT địa phương tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên Đường 19.

3 giờ ngày 24-6-1954, Binh đoàn Cơ động 100 rút chạy khỏi An Khê theo hướng Đường 19 đi Pleiku. Đội hình Binh đoàn chia làm 4 tốp, đi đầu là Tiểu đoàn Dã chiến 43, Tiểu đoàn Khinh quân 520 đi cùng đại đội thiết giáp và cơ quan chỉ huy Binh đoàn, tiếp đó là Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Triều Tiên, mỗi Tiểu đoàn đều được trang bị đại đội pháo 105mm với hàng trăm chiếc xe, vũ khí tối tân, hiện đại. Đến 10 giờ, Ban chỉ huy Trung đoàn 96 họp xác định quyết tâm: Chặn đánh cả đoàn xe. Tiểu đoàn 40 chặn đánh những chiếc đi đầu, không cho xe nào lọt khỏi trận địa. Tiểu đoàn 79 tìm cách đánh vào bộ phận chỉ huy hành quân của địch. Sau khi đánh phục kích thì linh hoạt chuyển sang tập kích, truy kích địch...

Trận chiến sau đó diễn ra quyết liệt, Trung đoàn 96 đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Binh đoàn Cơ động 100 của Pháp. Được tin thắng trận Đăk Pơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi thư khen và nhận xét: “Đánh và tiêu diệt gọn Binh đoàn Cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về. Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề. Chúng ta tự hào với chiến thắng đã giành được, lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ, càng biết ơn sự hy sinh, đóng góp của đồng bào để có được ngày nay”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Thái Diệp. Ảnh: SƠN LOAN 

Đồng chí Bùi Thị Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho biết, Chiến thắng Đăk Pơ được ví như trận “Điện Biên Phủ ở Tây Nguyên”, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc huyện Đăk Pơ. Để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, huyện Đăk Pơ đã huy động các nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân xây dựng Đền tưởng niệm Liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ tại địa điểm diễn ra trận đánh, gồm các hạng mục: Đền tưởng niệm Liệt sĩ, Tượng đài Chiến thắng, nhà quản lý, khuôn viên, nhà chòi, lối đi nội bộ... với tổng kinh phí hơn 30,52 tỷ đồng. Địa điểm Chiến thắng Đăk Pơ đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, là điểm đến trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. “Tinh thần Chiến thắng Đăk Pơ đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Pơ phát huy trong suốt hơn 20 năm thành lập huyện với nhiều thành tựu nổi bật, như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất liên tục tăng, chỉ tính từ năm 2020 đến nay ước đạt 7,66%/năm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,7 triệu đồng; tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh được xây dựng, củng cố vững chắc theo phương châm xã giữ xã, huyện giữ huyện”, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ nhấn mạnh.

NGUYỄN ANH SƠN