QĐND - Đối với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, lần đầu tiên tôi được gặp và làm việc với ông là ngày 6-7-1976, tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị trù bị Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Sau đó, tôi còn được gặp và làm việc với ông tại hội nghị lần thứ hai, ngày 2-10 năm đó và lần thứ ba vào các ngày 24 đến 28 tháng Giêng năm 1977. Lúc đó, ông dự hội nghị với danh nghĩa Ủy viên Đoàn chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, còn tôi là Vụ phó Vụ Tổng hợp, thư ký của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, kiêm Tổ phó Tổ văn kiện đại hội.
|
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Duy Đông.
|
Năm 1982, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều về tham gia Đảng đoàn mặt trận để cùng đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới” và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tháng 5-1983, kiến trúc sư được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác tại đây cho đến ngày đi theo Bác Hồ về cõi vĩnh hằng.
Năm năm công tác dưới sự điều hành của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi rất ấn tượng với nụ cười lạc quan của ông. Nụ cười thường trực trên môi mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc tôi khi được phân công chấp bút Dự thảo điếu văn về anh Tám Chí (tên gọi thân mật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát) là: “Anh đừng quên tiếng cười lạc quan của anh Huỳnh Tấn Phát”. Chính nụ cười lạc quan, yêu đời và rất hồn nhiên đó đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để trở thành một trí thức lớn trong ngành kiến trúc Việt Nam, một lãnh đạo xuất sắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nụ cười lạc quan yêu đời đó ông mang theo cả khi ông vĩnh biệt chúng ta, vì trong kho lưu trữ của Thông tấn xã Việt Nam, với hơn 6 nghìn bức ảnh, rất khó tìm một tấm ảnh gọi là “nghiêm trang” để đặt lên bàn thờ của ông.
Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là con người rất đặc biệt: Một trí thức tài năng nhưng rất mực khiêm tốn. Ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên, nhất là những người trực tiếp giúp việc cho mình.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của nhân dân ta nói chung, cán bộ, công nhân viên nói riêng rất khó khăn. Thông cảm sâu sắc với những khó khăn của anh em, mỗi lần đi công tác các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các địa phương thường biếu Chủ tịch gạo khô... Trên đường về gần đến nhà, Chủ tịch bảo tôi rẽ vào một quán nước dọc đường, rồi nhắc bảo vệ phân đều cho mọi người và ông chỉ nhận một phần như anh em...
Riêng với bản thân tôi, một kỷ niệm mãi mãi sẽ không bao giờ quên. Đó là khoảng năm 1985, tôi cưới vợ cho cậu con trai đầu. Ông đến dự và chúc mừng. Thấy gia đình ở quá chật hẹp: Bốn thế hệ gồm 8 người sống trong 28m2 (không kể diện tích phụ), ông yêu cầu vợ chồng tôi chuyển về ở cùng ông tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu (nay là trụ sở Hội Nhà văn) để “nhất cử lưỡng tiện”, “vừa tiện cho công việc, vừa bớt khó khăn cho Túc”, như lời ông giải thích.
Vợ chồng tôi rất xúc động trước sự quan tâm đặc biệt đó. Song “bàn đi tính lại” thấy rằng: Cuộc sống đã khó khăn nay một chốn đôi nơi thì lại càng khó khăn hơn, tuy được cải thiện chỗ ở. Hơn nữa còn mẹ già và con nhỏ cần có sự chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ. Chúng tôi cảm ơn Chủ tịch về tấm lòng cao cả.
|
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) và đồng chí Phạm Hùng (thứ tư, từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990. Ảnh tư liệu.
|
Một kỷ niệm sâu sắc nữa là vào khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 1985, tôi đang làm việc ở cơ quan thì ông gọi tôi sang nhà gấp. Tôi đến nơi với vẻ mặt đăm chiêu và lo lắng, ông kể: Trước đó hai hôm, ông nhận được một thông báo tuyệt mật của Trung ương về kế hoạch và thời điểm đổi tiền. Chiều nay, Trung ương cho người đến thu lại nhưng tìm mãi không thấy.
- Thế thủ trưởng có nghi ai không? - Tôi hỏi.
- Mình không nghi cho ai cả.
- Thủ trưởng xem lại cặp tài liệu và tủ quần áo chưa ạ?
- Mình đã kiểm tra hết thảy rồi...
Tôi và ông lục tủ sách, soát từng trang trong đống tài liệu khổng lồ đặt trên bàn làm việc nhưng không có kết quả.
May thay, không hiểu sao lúc đó tôi chợt nhớ đến chuyện “mất tài liệu” của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Quốc Việt trước đây tại cơ quan khi chuẩn bị tiếp đón Chủ tịch Mặt trận Dân tộc thống nhất Tiệp Khắc. Tôi hỏi ngay:
- Thế thủ trưởng đã kiểm tra phòng vệ sinh chưa?
Ông ồ lên và chạy vội vào, tìm thấy ở sau gương soi.
Gần 5 năm giúp việc Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi cảm nhận ở ông một nhà lãnh đạo điềm đạm, cởi mở, giàu lòng nhân ái. Là một tài năng của dân tộc, đất nước nhưng rất khiêm nhường. Những năm ông phụ trách mặt trận là những năm đất nước ta gặp nhiều khó khăn song ông luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến chúng tôi, đến toàn bộ cán bộ, nhân viên và rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thắng lợi của dân tộc.
Một phẩm chất nữa rất đáng quý ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là dù có quyền cao chức trọng trong Đảng, Nhà nước và Mặt trận song ông không bao giờ dựa vào đó để buộc người khác làm theo ý kiến của mình, mà luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung và nhiều vị nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận Dân tộc giải phóng và Liên minh đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức miền Nam ở lại để cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước và nhiều người đã lập công lớn đối với dân tộc.
Trong Điếu văn vĩnh biệt kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có đoạn: “Đồng bào và đồng chí cả nước xúc động tiếc thương Anh, tiếc thương người trí thức đã làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời...”.
Tôi dùng những câu trên để thể hiện những tình cảm, sự kính phục của mình đối với kiến trúc sư, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Tấn Phát.
NGÔ DUY ĐÔNG (*)
(*) Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam