“Bước theo anh nghĩa là bước theo Đảng”

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ, bởi ông luôn bận rộn với những chuyến đi dàn dựng các chương trình văn nghệ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ông cười phân trần: “Mình năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo nên đơn vị nọ “truyền tai” đơn vị kia, có chương trình lại phải mời cho kỳ được! Vậy là tuổi già lại thành bận rộn!”.

Đó là chuyện của bây giờ, khi ông đã ngoài 70 tuổi. Còn hồi xuân xanh, ở tuổi đôi mươi, ông đã bộc lộ tài năng của mình, vì thế mà đang làm lính công binh được chuyển sang làm công tác tuyên huấn phụ trách văn hóa, văn nghệ. Ông kể: “Tháng 6-1970, từ Đại đội 4, Tiểu đoàn 41, Binh trạm 35, tôi được điều về Ban Tuyên huấn Binh trạm 35, rồi chuyển sang Đội văn nghệ Sư đoàn 471, Bộ tư lệnh Trường Sơn, chuyên sáng tác, dàn dựng kiêm nhạc công của đội. Cũng từ đây, tôi quen biết diễn viên múa My Linh, để rồi sau này nên duyên vợ chồng”.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ vẫn không thể quên những lần mình say sưa đệm đàn, còn My Linh thì biểu diễn trong tốp múa phụ họa. Minh Vỹ ấn tượng trước một cô diễn viên múa xinh xắn, bị coi là “tiểu tư sản thành thị”, bởi cô xuất thân là con gái thành phố nên lối sống có phần khác với các chị em trong đội khi ngoài giờ thường mặc áo vải màu, may theo kiểu tân tiến, nhưng tính tình lại rất ngay thẳng, thật thà. “Năm 1971, 17 tuổi, My Linh tình nguyện nhập ngũ vào phục vụ chiến trường, dù là con gái út của một cán bộ y tế có tiếng ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Trong công tác và cả cuộc sống hằng ngày, em đều rất nhanh nhẹn, sáng ý, lại hay nhận phần thua thiệt về mình nên tôi dần cảm mến và muốn bảo vệ em”, ông kể.

Bằng sự tinh tế của mình, Minh Vỹ ở bên lặng lẽ quan tâm, chăm sóc cho My Linh. Cô cũng nhận ra sự quan tâm ân cần của anh, nhưng chỉ dám để trong lòng bởi những quy định của kỷ luật chiến trường. Viết vào trang nhật ký, My Linh bày tỏ: “Mình chỉ muốn có người bạn như anh, mình cảm thấy vững lòng tin ở anh. Mình bước theo anh nghĩa là bước theo Đảng”... Tình cảm trao gửi kín đáo, chỉ đến khi hai người cùng phải vào bệnh xá Sư đoàn điều trị bệnh sốt rét cuối năm 1972 thì họ mới chính thức tỏ bày. Ban đầu, thấy My Linh vẫn còn ngại ngần, đến nói chuyện với nhau cũng vô cùng ý tứ, Minh Vỹ mới đưa cho cô cuốn nhật ký với rất nhiều bài thơ tình đề tặng. Hôm ấy, bên bờ suối vắng, cùng sóng đôi, anh chính thức ngỏ lời. Người con gái thành Nam gật đầu đồng ý nhưng vẫn đề nghị phải bí mật, giữ gìn quan hệ đúng mực và động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ và nghệ sĩ My Linh những ngày ở chiến trường, năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tình yêu thời chiến đầy lãng mạn là động lực để Minh Vỹ say sưa với những sáng tác ca ngợi Tổ quốc, Trường Sơn và cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc. Để kỷ niệm ngày chính thức trao nụ hôn đầu đời giữa đại ngàn Trường Sơn, Minh Vỹ đã sáng tác ca khúc “Tình ca trên đường Trường Sơn” để tặng người yêu. Tuy viết tặng người yêu nhưng nội dung bài hát ca ngợi tình yêu đất nước, ca ngợi các đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, như một bản tình ca nhưng đã lồng tình riêng vào sự nghiệp chung. Vì My Linh không có giọng đơn ca nên Minh Vỹ viết theo hình thức tốp nữ để cô được trực tiếp tham gia biểu diễn. Sau này, tên bài hát được đổi thành “Tiếng hát trên đường Trường Sơn”. “Tháng 7-1973, tại hội diễn văn nghệ toàn tuyến Trường Sơn tại Quảng Bình, nhạc sĩ Vũ Thanh, Trưởng ban Ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vào theo dõi đã nhận xét: “Đây là bản tình ca đẹp nhất của đường Trường Sơn”. Đây cũng là bài hát đầu tiên của tôi được các nghệ sĩ chuyên nghiệp thu âm, phát sóng trên đài phát thanh quốc gia”. Nói rồi nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ cao hứng ngân lên những lời ca của buổi đầu tình yêu đầy mãnh liệt và tự hào: “Anh hỏi em: Đường nào đẹp nhất?/ Em bảo rằng: Đường giải phóng quê hương!/ Anh hỏi em: Đường nào vui nhất?/ Em bảo rằng: Là đường tới tiền phương...”.

Suýt không cưới được vợ...

Đầu năm 1974, Vũ Minh Vỹ đã báo cáo tổ chức về chuyện tình cảm của mình. Được Chính ủy Sư đoàn Hoàng Văn Thám ủng hộ, Minh Vỹ càng thêm quyết tâm gắn bó trọn đời với người yêu. Tháng 7-1974, My Linh có quyết định ra Bắc học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Buổi tối trước ngày chia tay, Minh Vỹ dặn người yêu cố gắng học tập, tìm một công việc ổn định để chuẩn bị cho gia đình nhỏ trong tương lai không xa. Và lời hứa hẹn đã thành hiện thực vì 5 tháng sau, tháng 12-1974, khi ra Bắc để chuẩn bị cho hội diễn nghệ thuật toàn quân, về thăm gia đình người yêu tại TP Nam Định, Minh Vỹ cũng quyết định kết hôn với My Linh.

leftcenterrightdel

Vợ chồng nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ tại nhà riêng, đầu năm 2023. Ảnh: KHÁNH AN

Được sự đồng ý của hai bên gia đình, Minh Vỹ đã xin phép được kéo dài kỳ nghỉ phép để chuẩn bị cho hôn lễ. “Ngày 5-1-1975, đám hỏi tổ chức xong, đoàn nhà trai về Ân Thi, Hưng Yên, còn tôi ở lại để làm các thủ tục đăng ký kết hôn. Vì giấy đăng ký này mà tôi suýt... không cưới được vợ!”-nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ kể tiếp-“Trước khi rời đơn vị, tôi không có sự chuẩn bị kết hôn nên không xin xác nhận của chỉ huy Sư đoàn. Đến khi ra Bắc, tôi đành xin tạm giấy xác nhận nhân thân của cơ quan Bộ tư lệnh Trường Sơn ở Hà Nội, lòng chắc mẩm sẽ suôn sẻ. Ai dè, khi cùng My Linh đi đăng ký kết hôn thì bị từ chối vì giấy tờ không hợp lệ. Cơ quan chức năng yêu cầu phải có giới thiệu của đơn vị chủ quản, mà đơn vị tôi khi ấy đang ở tận Quảng Nam”.

Kế hoạch tổ chức lễ cưới tưởng “vỡ trận” thì may mắn một đồng đội cho Vũ Minh Vỹ biết Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn đang có mặt ở Hà Nội. Vậy là, ngay trưa hôm ấy, Minh Vỹ từ Nam Định đáp tàu hỏa, lên đến ga Hàng Cỏ thì trời cũng vừa sẩm tối. Đạp xe tìm được đến phố Đội Cấn thì anh được thông tin: Thủ trưởng Hoàng Thế Thiện đã đi xem kịch ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh lại tìm đến tận nơi, báo cáo sự tình với thủ trưởng. Cầm được lá đơn trình bày có chữ ký cùng lời đề nghị địa phương giúp đỡ của Chính ủy Hoàng Thế Thiện, dù bụng đói cồn cào, Minh Vỹ vẫn tức tốc đạp xe ra ga để kịp chuyến tàu đêm quay trở về Nam Định. Ngay sáng hôm sau, cùng với những giấy tờ hợp lệ, Minh Vỹ và My Linh đã được đăng ký kết hôn. Ngày 26-1-1975 (đúng rằm tháng Chạp năm Giáp Dần 1974), lễ cưới của hai người được tổ chức giản dị tại nhà cô dâu. Hai người không có lễ “động phòng”, bởi tối ấy phải nằm ghép với gia đình nhà gái. Sáng hôm sau, đoàn đưa dâu gồm đôi vợ chồng mới cưới và anh chị của cô dâu đi tàu hỏa để về gia đình nhà trai. “7 giờ tối hôm ấy, vượt qua quãng đường 150km với 90km đi tàu hỏa, 60km đạp xe, trong đó có 2km đường lầy bùn đất, đoàn mới về đến nhà trai. Chúng tôi được đón chào trong tiếng pháo nổ cùng lời chúc mừng của họ hàng, làng xóm. Vậy là trải qua 13 tiếng “rước dâu” dưới trời mưa phùn rét mướt của tiết tháng Chạp, trước đó là những vất vả, gian nan để có được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, tôi và My Linh đã thành duyên đôi lứa. Chúng tôi tự nhủ chắc hiếm có đám cưới nào khó quên như của mình!”-nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ cho biết.

THU THỦY