Giữ vững đường lối chiến lược tiến công
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng tháng 5-1973, trở về Tổng hành dinh, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo các cơ quan tích cực chuẩn bị kế hoạch chiến lược quân sự trong giai đoạn mới. Trước đó, từ tháng 4-1973, một tổ chức lấy tên là Tổ Trung tâm đã được lập ra để giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong việc này.
Tổ Trung tâm hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn (tổ trưởng), các thành viên của Cục Tác chiến gồm: Cục trưởng Vũ Lăng, 2 Phó cục trưởng là Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức. Ngoài công việc thường xuyên, mỗi tuần Tổ tập trung hai ngày tại phòng làm việc của đồng chí Lê Trọng Tấn. Nội dung công tác của Tổ tập trung vào 5 vấn đề lớn: Nghiên cứu, so sánh lực lượng địch-ta sau Hiệp định Paris; chọn hướng tiến công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy; phương pháp tác chiến chiến lược; những khó khăn cần khắc phục; cuộc tiến công bắt đầu từ năm nào là thích hợp nhất. “Đó đều là những vấn đề rất khó khăn, hóc búa không những của chúng tôi mà còn là nỗi trăn trở lớn nhất lúc bấy giờ của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của Tổ Trung tâm là hoàn thành bản dự thảo đề cương kế hoạch chiến lược, một trong những nội dung chính Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương chuẩn bị và báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 nhằm khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh”-sinh thời, Trung tướng Lê Hữu Đức (1925-2018), nguyên Phó giám đốc Học viện Quốc phòng chia sẻ với chúng tôi trong nhiều lần trò chuyện.
Theo lời kể của Trung tướng Lê Hữu Đức, nhận lãnh trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương dành nhiều tâm lực suy nghĩ, nghiên cứu, đề xuất, trao đổi ý kiến. Ngay sau hội nghị tháng 5-1973, Đại tướng đã triệu tập các đồng chí có trách nhiệm trong Bộ Quốc phòng-Bộ Tổng Tư lệnh đến dự cuộc họp với đoàn cán bộ của Mặt trận B2-miền Đông Nam Bộ ra báo cáo thực tế chiến đấu ở chiến trường. Ông luôn chăm chú lắng nghe các ý kiến, sau đó lại nghe báo cáo từ các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu, Tổ Trung tâm, các đồng chí ở Bộ Ngoại giao và trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên ra Bắc họp... “Chúng tôi chuẩn bị công phu, khẩn trương và bí mật trong suốt hai tháng liền. Mọi vấn đề phát sinh, chúng tôi đều có thể báo cáo, xin ý kiến trực tiếp Đại tướng và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cũng có lần làm việc trực tiếp với Tổ. Cuối cùng, bản báo cáo mang số 305TG1 đã hoàn thành. Đây là nội dung ý kiến trung tâm trong Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khai mạc cuối tháng 6-1973”-Trung tướng Lê Hữu Đức cho biết.
Suốt những ngày diễn ra hội nghị, Trung ương thảo luận sôi nổi các nội dung báo cáo do Quân ủy Trung ương chuẩn bị. Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Ngày 6-7-1973, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kết luận hội nghị. Đồng chí nêu rõ sự nhất trí cao của Ban Chấp hành Trung ương về quyết tâm giải phóng miền Nam. Tinh thần cốt lõi của Hội nghị Trung ương lần này là cách mạng miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng. Chúng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris để thắng địch. Nhưng nếu địch ngoan cố tiếp tục chiến tranh thì ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà”.
Nhiều ngày sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng đồng chí Vũ Tuân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, chỉnh lý, cân nhắc từng câu từng chữ để hoàn thành dự thảo. Cuối cùng, Nghị quyết 21 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí thông qua vào tháng 10-1973, khẳng định: Con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công, tuyệt đối không thể mơ hồ, ảo tưởng. Phải nhanh chóng tạo thế mới, lực mới, quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Luồng gió mới cho cách mạng Việt Nam
Theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thường trực Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, tại thành Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành trọn một ngày để phổ biến tinh thần của bản nghị quyết lịch sử. Đồng thời, Đại tướng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu phương án tác chiến tiêu diệt sư đoàn quân ngụy, phương án tiến công tiêu diệt tiểu đoàn địch trong công sự kết hợp với lữ đoàn địch chi viện ở đồng bằng; khẩn trương tổ chức huấn luyện ngay các binh đoàn chiến lược, các binh chủng kỹ thuật theo phương án tác chiến mới. Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật cũng phải nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch công tác chuẩn bị và công tác bảo đảm các mặt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến tranh.
Như một luồng gió mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đến với các chiến trường. Đồng bào, chiến sĩ cả nước sôi nổi hưởng ứng. Lãnh đạo và quần chúng chung một ý chí tiến công. Lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng đúc lại thành ánh sáng soi đường, biến thành hành động cách mạng sôi nổi, khẩn trương khắp từ tiền tuyến đến hậu phương. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta chống trả địch quyết liệt, chặn đứng được phần lớn các cuộc bình định, lấn chiếm của chúng. Ở Trị-Thiên, ta khôi phục lại thế đứng trước ngày ký Hiệp định Paris. Ở Khu 5, ta giành lại các vùng địch lấn chiếm. Ở Tây Nguyên, ta mở thêm được nhiều khu vực giải phóng ở Trung Nghĩa (Kon Tum) và Chư Nghé (Pleiku). Ở miền Đông Nam Bộ, ta đánh mạnh, giải phóng thêm vùng Kiến Đức-Bù Bông, giải phóng hành lang nối liền Nam Bộ với Tây Nguyên. Ở Khu 8, ta làm chủ một số vùng ở Nam, Bắc Đường số 4. Ở Khu 9, ngay từ đầu ta đã kịp thời tiến công và phản công, nên không những giữ vững được hình thái địch-ta trước ngày 27-1-1973, mà còn giải phóng thêm nhiều địa bàn quan trọng.
Cũng trong thời gian này, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Tổ Trung tâm cũng khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung bản dự thảo đề cương kế hoạch chiến lược. Một lần nữa, những bộ óc tham mưu dạn dày kinh nghiệm lại phải làm việc không kể ngày đêm. Nhờ đánh giá đúng tình hình trên mỗi chặng đường của cuộc đấu tranh, dưới tài thao lược của Đảng, ta đã dự kiến đúng thời cơ, chủ động và kiên quyết hành động. Đảng đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tạo nên thế và lực mới, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nhớ lại những ngày “1 năm bằng 10 năm” ấy, Trung tướng Lê Hữu Đức kể: “Chúng tôi đã thực hiện tới 8 bản dự thảo kế hoạch. Quá trình nghiên cứu, cũng có lúc ta nghiêng về tổng khởi nghĩa, đặt tổng khởi nghĩa lên hàng đầu. Theo đó thì phương hướng là các thành phố lớn, mục tiêu chủ yếu là Sài Gòn, Đà Nẵng, còn Tây Nguyên và Khu 5 là hướng phối hợp. Đó là dự thảo lần thứ 3 và thứ 6. Cũng có lúc là tổng khởi nghĩa, tổng công kích đi đôi với kế hoạch “giành thắng lợi ở miền Nam trong vài ba năm”. Khi ấy, mục tiêu số 1 vẫn là Sài Gòn nhằm tiêu diệt 3 sư đoàn địch, tạo điều kiện tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn, thực hiện phương châm: Đánh rắn phải đánh giập đầu!”.
|
|
Bộ đội hành quân bằng tàu hỏa vào miền Nam, hướng tới ngày toàn thắng năm 1975. Ảnh tư liệu
|
Tại cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng diễn ra từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, bản dự thảo cuối cùng của Tổ Trung tâm mang tên “Kế hoạch chiến lược sắp tới” đã được thông qua với 3 phương án. Cuối cùng, Trung ương quyết định thực hiện phương án 1: Tổng tiến công thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược đi trước một bước, tích cực thúc đẩy nhanh chóng, tạo điều kiện nổi dậy ở các thành phố trung tâm, phối hợp tổng tiến công và tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cũng trong hội nghị đó, vấn đề Tây Nguyên và đòn hiểm Buôn Ma Thuột mới được quyết định. Phương châm của ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” của địch để tác chiến. Hướng chiến lược Tây Nguyên được lựa chọn, trước hết là đánh Buôn Ma Thuột-thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu, cũng là nơi sơ hở nhất của địch.
“Một chặng đường lịch sử đã mở ra. Ánh hào quang chiến thắng lấp lánh ở chân trời. Tương lai huy hoàng của dân tộc đang ở phía trước”-Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng khẳng định. Thực tế sau đó đã chứng minh, với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên-chiến dịch mở màn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cục diện chiến trường đã hoàn toàn thay đổi theo hướng có lợi cho ta. Và khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 cũng là phút cáo chung của chính quyền ngụy Sài Gòn. Mốc son lịch sử này một lần nữa khẳng định những chủ trương và bước đi đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
BÍCH TRANG - VĂN TÁM (Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn “Tổng tập hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2018)