Trọn đời thực hiện lời hứa trước Đảng kỳ

Đồng chí Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, để giữ bí mật và che mắt địch khi hoạt động, đồng chí mang nhiều bí danh khác nhau, nhưng cái tên Chu Huy Mân (Huy: Trong sáng, Mân: Ngọc) được ông dùng nhiều nhất, cho đến cuối đời.

 Là một thanh niên yêu nước, căm thù bọn đế quốc, phong kiến nên ngay từ khi được cán bộ Đảng tuyên truyền, giác ngộ, Chu Văn Điều đã hăng hái làm liên lạc cho họ. Đồng thời, ông tích cực vận động nông dân Yên Lưu gia nhập tổ chức Nông hội đỏ và Hội tán trợ. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhất là khi tham gia Tự vệ đỏ, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được tin tưởng cử làm Đội phó Đội Tự vệ đỏ của xã, Chu Văn Điều luôn dũng cảm, dẫn đầu đoàn biểu tình, trấn áp kẻ thù và bảo vệ nhân dân. Tháng 11-1930, Chi bộ Yên Lưu đã làm lễ kết nạp Chu Văn Điều vào đội ngũ những người cộng sản.

Nhớ lại giây phút ý nghĩa ấy, đồng chí Chu Huy Mân đã viết trong cuốn hồi ký “Thời sôi nổi”: “Dưới cờ đỏ búa liềm trang nghiêm và linh thiêng, có mặt cán bộ thượng cấp là Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao về dự cùng các đồng chí trong Chi bộ Yên Lưu, tôi xúc động giơ nắm tay tuyên thệ tự nguyện vào Đảng, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân... Lời hứa thiêng liêng đêm đó đã theo tôi suốt cả cuộc đời”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Chu Huy Mân đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Quân khu 5 (năm 1975).

Cũng thời điểm này, thực dân Pháp bắt đầu đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đội phó Chu Huy Mân đã thành Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ. Ngoài việc bảo vệ cơ quan ấn loát và vận chuyển tài liệu của Xứ ủy Trung Kỳ, ông còn chỉ huy đội tự vệ tham gia luyện tập quân sự, bảo vệ quần chúng trong các cuộc đấu tranh, trừng trị bọn phản cách mạng, vận động thanh niên lấy lúa của địa chủ phong kiến chia cho dân nghèo để cứu đói, mở các lớp học dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân... Tháng 6-1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, cả hai cơ sở ấn loát của Xứ ủy đều bị địch vây ráp. Chu Huy Mân bình tĩnh cất giấu hết tài liệu và dụng cụ in ấn rồi chạy đánh lạc hướng quân địch, giải thoát cho các cán bộ ấn loát của Xứ ủy. Sau đó, ông được nhân dân nuôi giấu cho đến khi bọn lính rút lên Vinh mới sang huyện Nghi Lộc, nơi đóng quân của cơ quan Xứ ủy tiếp tục hoạt động.

Từ đây, ông trải qua bao thời kỳ cách mạng của Đảng, từ hoạt động bí mật khi Đảng chưa giành chính quyền, bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; rồi hơn 30 năm lăn lộn ở các chiến trường, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng đất nước với nhiều trọng trách như: Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72, 74-các trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta; Chính ủy Đại đoàn 316; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 4; Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Khu ủy Liên khu 5; Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên; 26 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 10 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; 5 năm là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; 3 khóa là đại biểu Quốc hội... “Đồng chí luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc. Đại tướng Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của Quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân học tập”-sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định. 

Trong ký ức đồng đội

Chúng tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với “Hùm xám Đường số 4” Đặng Văn Việt (1920-2021) tại nhà riêng của ông ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Bấy giờ ông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông quen biết đồng chí Chu Huy Mân từ thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Huế, song thời gian họ gắn bó nhiều nhất là khi ở Trung đoàn 174 (Cao-Bắc-Lạng). Hầu hết các trận đánh lớn của đơn vị, trừ trận Bông Lau-Lũng Phầy (tháng 9-1949), Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt và Chính ủy Chu Huy Mân đều sát cánh. Hai người dành cho nhau một lòng tin tuyệt đối. Mọi việc về quân sự-tham mưu, tác chiến ở mặt trận, Chính ủy tin ở Trung đoàn trưởng đã đánh là thắng, là thu được chiến lợi phẩm, bắt được tù binh, hàng binh. Còn mọi việc về công tác chính trị, công tác Đảng, Chính ủy là người có nhiều kinh nghiệm dạn dày nên Trung đoàn trưởng tuyệt đối tin tưởng. “Ngoài công việc chung, chúng tôi cũng có những quan tâm nhỏ cho nhau. Tôi nhớ có lần sau trận đánh lớn, qua nhiều ngày quá vất vả, tôi mệt đến mức phải nằm trên lưng ngựa không còn đủ sức để ngồi vững nữa. Sau trận đánh, Chính ủy quyết định buộc tôi phải đi nghỉ an dưỡng. Mọi việc của đơn vị, anh lo hết...”, đồng chí Đặng Văn Việt kể.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự tin tưởng, phân công của Trung ương, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục có mặt ở những chiến trường nóng bỏng nhất. Đặc biệt, trong Chiến dịch Plei Me, trên cương vị là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân đã có nhiều quyết định quan trọng trong việc tổ chức, chỉ đạo các lực lượng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên kể: “Đầu tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện báo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua quyết tâm, kế hoạch Chiến dịch Plei Me. Đêm trước cuộc họp của Đảng ủy Mặt trận nghiên cứu những ý kiến chỉ đạo của trên, anh Chu Huy Mân đã làm việc riêng với tôi đến tận 1 giờ sáng và gợi ý cho cơ quan chính trị mặt trận nhiều vấn đề. Hôm sau, cuộc họp vừa kết thúc, anh liền dẫn một đoàn cán bộ đi quan sát địa hình chiến trường tại khu vực đồn Plei Me và thế bố phòng của địch để quyết định phương thức tiến hành vây điểm. Đồng thời, anh cũng đi thị sát khu vực dự kiến đánh viện binh địch giải tỏa Plei Me khi bị ta vây ép. Sau khi đoàn về, Bộ tư lệnh Mặt trận đã quyết định bổ sung phương án tác chiến chiến dịch. Đó là đánh thiệt hại nặng lực lượng cơ động quân ngụy, làm suy yếu chỗ dựa bình định của địch, đồng thời khẩn trương chuẩn bị đánh phủ đầu quân Mỹ, góp phần đánh bại chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh, tiến lên đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái) quan sát thế bố trí trận địa chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5, năm 1975. Ảnh tư liệu 

Mới đây, gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước để tìm hiểu thêm tư liệu về Đại tướng Chu Huy Mân, chúng tôi cũng được nghe kể về một câu chuyện thú vị khác. Chuyện là, sau Chiến dịch Plei Me, Bộ tư lệnh Mặt trận tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Sau khi kết luận, đánh giá trận đánh và rút ra những bài học kinh nghiệm từ trận đầu tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, Tư lệnh kiêm Chính ủy phát động phát huy Chiến thắng Plei Me, động viên toàn mặt trận quyết tâm diệt Mỹ với khẩu hiệu “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh, quyết bắt cho được tù binh Mỹ”. “Để thể hiện quyết tâm, anh Mân đã có một hành động thực tế, giản dị nhưng sâu sắc và cũng rất dí dỏm là giao cho mỗi đồng chí chính ủy trung đoàn (lúc này ở B3, đơn vị chiến đấu cấp cao nhất là trung đoàn) một đoạn dây thừng với yêu cầu người lãnh đạo của đơn vị phải trực tiếp cùng chiến sĩ quần lộn với địch, xáp vào để tiêu diệt và bắt cho được tù binh Mỹ. Hình ảnh sống động ấy đã gây ấn tượng cho chúng tôi sau này khi về chỉ huy đơn vị”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể.

Còn đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kể rằng, thời công tác ở Hải Phòng với cương vị Chủ tịch UBND thành phố, rồi Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông từng có nhiều lần tiếp xúc với Ủy viên Bộ Chính trị Chu Huy Mân. Chênh nhau đến 13 tuổi, nhưng do cùng sở thích học Hán tự và từng bị tù đày trong nhà tù của thực dân Pháp nên mỗi lần làm việc hay trò chuyện, hai người dễ tìm được tiếng nói chung. “Tôi nhớ một lần đi thăm việc đào kênh Cái Tráp, có xảy ra sự cố nhỏ, nhưng cũng vui. Đó là khi chuẩn bị tàu cho Đại tướng và đoàn ra nơi đào kênh, đồng chí chỉ huy đã báo cáo là mọi tình huống đều chuẩn bị chu đáo. Nhưng đồng chí đó không lường trước là thủ trưởng đi xem kỹ hiện trường nên thời gian kéo dài. Khi đi thì nước thủy triều lên, tàu, thuyền đi lại dễ dàng; lúc về thủy triều xuống, tàu không cập được bến, mọi người đều phải xắn quần lội bì bõm, bùn nước lên tận đầu gối. Anh Mân đã gần 70 tuổi mà vẫn lội rất khỏe, rất vui và không hề phàn nàn!”, đồng chí Đoàn Duy Thành kể.

BÍCH TRANG - HÀ MY