Mỗi lần được trò chuyện với ông, tôi càng hiểu mỗi chúng ta nên tự sắp xếp thời gian và khơi thông mạch cảm xúc, khơi thông tư duy của mình, nhất là người làm công tác văn học-nghệ thuật. Từ buổi gặp mặt và hiểu biết về ông, tôi đã sáng tác tặng lão nhạc sĩ họ Hoàng bài thơ có câu: Cây xanh xanh thềm nhà số 4/ Hoa đại rưng rưng mây trắng/ Nụ cười ôm tròn mái nắng nghiêng nghiêng/ Ngoài chín mươi niên/ Hoàng Giai tinh khôi cửa mở/ Như ngày theo bước chân “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”/ Mở tay nắm bàn tay Hoàng nhạc sĩ/ Đã trong lòng hoa-nhạc rung rinh.

Tuyển tập “Màu áo chú bộ đội” là sự tập hợp những ca khúc hay viết cho thiếu nhi và tình cảm của thiếu nhi với người chiến sĩ. Trong lời nói đầu, nhóm biên soạn viết: “Trong suốt chiều dài lịch sử, nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc, giữ nước. Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, nhân dân và Quân đội ta đã tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến với những chiến công hiển hách. Truyền thống yêu nước chống xâm lăng của quân, dân ta được tiếp nối qua nhiều thế hệ, đến hôm nay vẫn đang được phát huy, mà một trong những yếu tố để giữ gìn được truyền thống đó chính là giáo dục lòng yêu nước từ tuổi măng non. Hình tượng Bác Hồ và anh bộ đội luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tạo văn học-nghệ thuật, mà ca khúc thiếu nhi là một phần trong đó. Trong công tác giáo dục thiếu nhi, hình ảnh Bác Hồ và hình ảnh anh bộ đội luôn được nhắc tới, in đậm trong tình cảm và tâm trí nhiều thế hệ măng non đất nước...”.

leftcenterrightdel

 Nhạc sĩ Hoàng Giai. Ảnh: MINH THU

Về chủ đề Bác Hồ với thiếu nhi, nhạc sĩ Hoàng Giai đã sưu tầm, biên soạn hai tập ca khúc: “Em mơ gặp Bác Hồ” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, xuất bản năm 2005) và 100 ca khúc đặc sắc thiếu nhi với Bác Hồ (Nhà xuất bản Âm nhạc, năm 2011). Riêng chủ đề thiếu nhi với Bộ đội Cụ Hồ, ông và nhà báo Fan Fương đã sưu tầm, tuyển chọn 100 ca khúc của nhiều thế hệ nhạc sĩ qua 3 cuộc kháng chiến để xuất bản tập ca khúc “Màu áo chú bộ đội”.

Đó là những tâm huyết của nhạc sĩ Hoàng Giai và nhà báo Fan Fương dành cho các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ cũng như các cháu thiếu nhi.

“Màu áo chú bộ đội” như là một cuộc tổng duyệt các ca khúc thiếu nhi về đề tài bộ đội. 100 ca khúc của 100 tác giả, trong đó có những tác giả tên tuổi đã cho thấy sự dày công của người biên soạn. Riêng với nhạc sĩ Hoàng Giai, ca khúc “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” của ông đã từ lâu thân thuộc với thiếu nhi: Đi theo bước chân anh hùng, nhịp nhàng hát “Hành quân xa”/ Rung rinh cành lá ngụy trang, ngân vang câu “Hò kéo pháo”/ Trên vai em, gió bay phấp phới khăn quàng/ Trong tim em, lửa sáng Điện Biên anh hùng/ Yêu thiết tha hòa bình, mái trường rộn vang tiếng hát/ Lấp lánh ngôi sao vàng “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”... Ca từ và giai điệu của Hoàng Giai đã góp phần tạo nên sự sinh động, lung linh trong “Màu áo chú bộ đội”.

Tuyển tập “Màu áo chú bộ đội” đã cho thấy con mắt xanh của người tuyển chọn. Từng nét nhạc, mỗi ca từ đều hết sức gần gũi, thân thương: Cháu thương chú bộ đội/ Nơi rừng sâu biên giới/ Cháu thương chú bộ đội/ Canh giữ ngoài đảo xa/ Cho chúng cháu ở nhà/ Có mùa xuân nở hoa/ Cho tiếng hát hòa bình/ Vang trời xanh quê ta (“Cháu thương chú bộ đội”-Hoàng Văn Yến). Bố về mấy bữa/ Ngày mai lên đường/ Ba lô to bự/ Nằm ở góc giường/ Bé đứng bé nhìn/ Nhìn thôi chưa thú/ Bé nhảy tót lên/ Ghé vai mang thử/ Con chim ngoài cửa/ Ngóng cổ ghé nhìn/ Mấy lần bé cố/ Mà vẫn chưa lên/ Gió vào cửa sổ/ Dừng chân bên hè/ Thấy bé nằm ngủ/ Ôm trong ba lô (“Ba lô của bố”-ý thơ: Vương Trọng, nhạc: Hồ Hoàng). Chú bộ đội ở trên điểm tựa/ Gặp cơn mưa rơi xuống bất ngờ/ Mưa vây quanh như là lũ trẻ/ Chú mỉm cười ngỡ thành trẻ thơ/ Mưa đang hát, mưa đang reo/ Tiếng mưa rơi rộn ràng/ Nhịp nhàng như đang múa/ Mưa đang bay, mưa đang lượn/ Chú bộ đội mỉm cười/ Cất tiếng hát cùng mưa (“Chú bộ đội và cơn mưa”-Tô Đông Hải). Vai chú mang súng, mũ cài ngôi sao đẹp xinh/ Đi trong hàng ngũ chú hành quân trông thật nhanh/ Chú bộ đội chúng cháu yêu chú lắm/ Súng chắc trong tay chú canh giữ cho hòa bình (“Chú bộ đội”-Hoàng Hà)...

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Hoàng Giai tặng nhà văn Phùng Văn Khai (bên trái) sách nhạc  “Màu áo chú bộ đội”. Ảnh: MINH THU

Sự tinh tế của nhạc sĩ Hoàng Giai và nhà báo Fan Fương trong tuyển tập này chính là sự đồng điệu về tâm hồn với người sáng tác. Sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi xưa nay vốn rất khó. Vậy mà ở đây đã góp mặt rất nhiều tên tuổi nhạc sĩ nổi tiếng như: Diệp Minh Tuyền, Hoàng Hà, Huy Thục, Doãn Nho, Phan Nhân, Nguyễn Đức Toàn, Cao Việt Bách, Phạm Trọng Cầu, Văn An, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Dân Huyền, Thái Cơ, Trọng Bằng, Văn Chung, Phong Nhã, Phạm Tuyên, Thế Song, Đoàn Bổng, Văn Dung... đã cho thấy tấm lòng của các nhạc sĩ dành cho thiếu nhi luôn ở trong trái tim đã cất tiếng thành âm nhạc.

Cũng hiếm có người say mê âm nhạc như nhạc sĩ Hoàng Giai và nhà báo Fan Fương. Hai vị đồng tác giả đã dành thời gian và tâm huyết, nhất là sự cảm thụ âm nhạc tinh tế, sự đồng điệu của con tim khi thực hiện tuyển tập. Nhạc sĩ Doãn Nho trong Lời giới thiệu viết: “Tôi thật sự vui mừng khi đọc tập ca khúc thiếu nhi “Màu áo chú bộ đội”. Vui vì những bài ca đáp ứng đúng nhu cầu hiện nay, đồng thời gợi lại kỷ niệm xa xưa cách đây 60-70 năm của thế hệ chúng tôi. Bài “Màu áo chú bộ đội”-một bài hát hay, hội tụ khá nhiều thủ pháp sáng tạo điển hình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi hy vọng bài hát sẽ được sinh viên Khoa Lý luận phê bình âm nhạc phân tích kỹ và rất có thể trở thành điểm sáng trong các luận văn tốt nghiệp. Tên bài hát xứng đáng được trở thành tên của tập ca khúc này!”.

Thực là những lời nhận xét thấu tình đạt lý.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn “Màu áo chú bộ đội”. Ảnh: MINH THU 

Nhạc sĩ Hoàng Giai là người khá đặc biệt. Ông sinh năm 1934, tại Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), sớm tham gia hoạt động âm nhạc tại Trường Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên những năm 1950-1951, tham gia ban nhạc của trường (thổi sáo). Tiếp đó, ông vinh dự được học nhạc từ Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu ở Trường Sư phạm Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc) năm 1951-1953. Từ năm 1956 đến 1958, ông làm cán bộ chuyên trách công tác Đội của Đoàn Thanh niên, là Bí thư Liên chi đoàn, Tổng phụ trách Đội Khu học xá Trung ương. Sau đó, ông làm công tác Đội ở Hải Phòng từ năm 1958 đến đầu năm 1974. Mùa Xuân 1974, từ Trưởng ban Thiếu nhi Thành đoàn Hải Phòng, ông được điều về Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) làm nhiệm vụ giảng dạy công tác Đội, là Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Thiếu nhi. Thời gian 1979-1981, ông tham gia Đoàn chuyên gia Thanh niên đầu tiên của Trung ương Đoàn giúp bạn Campuchia xây dựng Đội Thiếu niên cách mạng Campuchia. Năm 1981, ông là Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương khóa I... Một phác thảo như vậy để thấy được sức lao động nghệ thuật bền bỉ của Hoàng Giai trong suốt thời gian sáng tác và công tác.

Trong các cuộc làm việc với nhà giáo, nhạc sĩ Hoàng Giai, tôi luôn cảm nhận được trái tim nồng hậu, nóng ấm của ông dành cho thiếu nhi và âm nhạc. Điều đó thể hiện trách nhiệm và niềm tin, vun đắp những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ măng non-những chủ nhân tương lai của đất nước. Phẩm chất nhà giáo và phẩm chất nghệ sĩ luôn hòa quyện trong tâm hồn của nhạc sĩ Hoàng Giai. Trong con người ông luôn có những chuyển động và sự rèn luyện không ngừng cả về tâm hồn bên trong và sắc vóc bên ngoài. Lứa các ông, những người từng trải qua các cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ tới công cuộc xây dựng hòa bình hôm nay luôn là những tấm gương sáng để thế hệ đi sau học tập.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI