Ngay sáng 14-3-1975, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn đang đóng quân ở Gio Linh, Quảng Trị nhận lệnh lên đường đi biểu diễn. Đoàn chia làm hai mũi đi phục vụ các đơn vị ở hai phía Đông và Tây Trường Sơn. Tôi và Hữu Thi là hai nhạc sĩ đi với nhóm phía Tây. Tất cả 36 người hành quân bằng xe tải theo Đường 9 vượt cửa khẩu Lao Bảo sang đất Lào, vừa đi vừa biểu diễn phục vụ. Chúng tôi lần đầu đi qua những đoạn đường xuyên giữa rừng khộp Nam Lào, mùa khô đất bột phủ dày ngập non nửa bánh xe, bụi cuốn lên mịt mù. Trong thời gian này, quân ngụy rút chạy khỏi Tây Nguyên bị ta đánh tan tác trên Đường 7.
Ngày 16 và 17-3, hai tỉnh còn lại của Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai lần lượt được giải phóng. Ngày 23-3, tôi và Hữu Thi được lệnh tách khỏi đoàn, đi theo đoàn xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Trung. Tôi ngồi trong ca bin xe ZIL-130 với Phó đại đội trưởng Quang, biệt danh Quang “liều”, trực tiếp lái xe dẫn đầu một đoàn 24 xe. Hành lý của tôi ngoài ba lô còn có thêm cây đàn ghi ta. Ròng rã 14 ngày, thời tiết lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa ào ạt, qua đèo, lội suối, vượt Ngã ba Đông Dương sang Đông Trường Sơn.
    |
 |
Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ sáng tác tại bờ sông Thanh - miền Tây Quảng Nam, năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngồi trên xe cùng Phó đại đội trưởng Quang, tôi mới hiểu vì sao anh được gọi là Quang “liều”. Đó là một lần vừa mưa to xong, gặp con dốc đứng, đường đất bị nước xối thành hai vệt sâu, nước từ trên núi đang theo đó chảy thành hai rãnh nước song song đục ngầu. Gặp tình huống như thế, thường phải dừng lại chờ cho hết nước chảy, nhìn rõ vệt đi và lốp đỡ trơn, nhưng Quang vẫn cứ cho xe chạy. Bắt đầu xuống dốc, Quang tắt máy, rà phanh, lái cho xe trượt theo hai rãnh nước. Sắp hết dốc, xe đang lao nhanh thì phát hiện khúc cua chân dốc có chiếc xe GAZ-63 chết máy đứng choán mất gần nửa đường. Quang lập tức nổ máy, vừa đánh lái tránh qua đuôi chiếc GAZ-63, lại lập tức đánh vòng vào. Cú bẻ lái kiểu “cua tay áo” ấy giúp xe không lao thẳng xuống vực, nhưng bị một cây to như bắp đùi cụt ngọn nhọn hoắt nằm nghiêng trên đỉnh taluy đâm sát nóc ca bin, chui vào mắc kẹt giữa các hòm đạn chất đầy trong thùng xe. Nếu cây cụt đó ngả thấp thêm vài gang tay, nó sẽ đâm chính diện vào ca bin, phá vỡ cửa kính... quả thực không dám nghĩ nữa! Tôi chưa hoàn hồn sau cú ấy thì đã thấy lái xe GAZ-63 là bộ đội luống tuổi nhảy xuống hét to:
- “Ông 130” ơi, sao ông liều quá thể! Dốc trơn thế thì phanh giời cũng không giảm tốc được. Ông không kịp bẻ cua thì đã đùn luôn tôi với ông cùng xuống “chơi” dưới vực kia rồi. May mà tay lái... có vẻ “ngon” đấy!
Cả tôi và Quang đều nhảy xuống khỏi ca bin. Quang cười ha ha rồi cự lại:
- “Ông 63” chơi khăm nhau quá. Dừng đâu không dừng, lại dừng đúng chỗ hiểm! Mà sao, việt vị rồi à?
- Ai muốn thế đâu. Thấy trời sắp mưa cố bò qua con dốc này. Không ngờ vừa hết dốc là nó ì ra, đúng lúc mưa ập tới. Xe cũ ấy mà. Chinh chiến nhiều năm đèo dốc, vào sinh ra tử mấy phen rồi.
Không đợi người lái xe trình bày thêm, Quang nói nhanh trước khi trèo lên ca bin:
- Thôi biết rồi. Đợi tôi nhổ cái “dằm” này ra, ông móc cáp vào, tôi kéo cho một “phát” thì kiểu gì cũng phải nổ.
Quang nổ máy, cài số lùi, từ từ rút cây cụt khỏi thùng xe, vừa kết hợp “bẻ” cho nó dẹp thêm vào sát taluy. Xong đâu đấy liền ngoái cổ qua cửa kính bên cạnh, giục tôi lên ca bin. Lái xe GAZ-63 nhanh nhẹn thực hiện các bước theo lời Quang. Quả nhiên mới kéo đi một đoạn ngắn đã nghe còi xe GAZ-63 báo dừng lại. Chờ dăm phút, GAZ-63 bấm còi báo đã thu cáp xong, chiếc ZIL-130 lại băng băng lướt đi. Quang thở phào nhẹ nhõm, bảo tôi:
- Giải quyết xong “thằng 63” rồi, các xe sau sẽ không vất vả như mình nữa. Vừa rồi hơi căng, nhưng lái xe Trường Sơn thì chuyến đi nào mà chẳng căng, chẳng nguy hiểm, không kiểu này thì kiểu khác. Nhạc sĩ thông cảm nhé. Chuyến đi thực tế càng sinh động, phong phú, phải không ạ?
Cả hai chúng tôi cùng cười vui vẻ. Đúng là phong thái của lái xe tuyến lửa Trường Sơn, lại còn là cán bộ trẻ và cũng quả xứng danh Quang “liều” mà anh em trong đơn vị vẫn gọi. Nhưng không có cú liều vừa rồi để giúp chiếc GAZ-63 nổ máy thoát đi, thì chưa biết hậu quả của sự cố nó chết máy giữa cua chân dốc sẽ rắc rối, nguy hiểm, mất thời gian với cả đoàn xe phía sau thế nào.
Chiều 5-4, xe của Quang tới Buôn Ma Thuột. Sáng hôm sau xe chở Hữu Thi mới đến. Hai anh em được lệnh tạm dừng chân tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 471 (Bộ tư lệnh Trường Sơn) hiện vừa tiếp quản doanh trại của Sư đoàn 23 ngụy ngay trong nội đô thị xã.
Ở Buôn Ma Thuột, phố xá vẫn nhộn nhịp, chợ vẫn đông vui, hàng hóa khá phong phú. Đây đó mới xuất hiện bóng bộ đội khoác súng tiểu liên AK, đeo băng đỏ. Hai tối, tôi cùng đội văn nghệ Sư đoàn đi biểu diễn cho các đơn vị của ta đang chốt giữ thành phố, người dân cũng tò mò kéo đến xem khá đông. Nghe nói, thỉnh thoảng vẫn có tên ngụy lẩn trốn ở đâu đó, ban đêm mò ra quấy phá, nhưng đều nhanh chóng bị vô hiệu hóa.
    |
 |
Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ (thứ hai, từ trái sang) và đồng đội. Ảnh do tác giả cung cấp |
Từ ngày 25-3, quân ta liên tiếp tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, rồi Nha Trang, Quy Nhơn, tới Phan Rang, Phan Thiết... Tôi và Hữu Thi được lệnh theo một đơn vị của Sư đoàn 471 rời Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang, gặp lại tốp đi biểu diễn phục vụ phía Đông của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn. Ngày 21-4, ta mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc. 9 ngày sau, ngày 30-4-1975, quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn...
Sau khi giải phóng miền Nam, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn đã có mặt tại Sài Gòn, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân tại các vùng Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp. Với đợt biểu diễn đặc biệt này, cùng với thành tích 5 năm từ khi thành lập Đoàn (năm 1970), Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Còn tôi, tuy không được đặt chân đến Sài Gòn đúng ngày 30-4 nhưng đã tìm cảm xúc của người lính Trường Sơn, tuyến đường mang tên Bác, lần đầu tiên tới Thành phố mang tên Người để viết thành khúc khải hoàn ca “Chào Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh”. Lời hát có đoạn:
Sài Gòn ơi! Mười sáu năm, mười sáu năm rồi
Xưa vượt Cổng Trời vai gùi trĩu nặng
Ai đứng giữa lưng đèo mơ bóng dừa miền Nam
Vì độc lập, tự do, quyết xẻ dọc Trường Sơn...
Từ Trường Sơn ta đã tới Sài Gòn
Rừng cờ sao tung bay phố phường thắm đỏ
Nhìn bầu trời biếc xanh, nhớ bao ngày gian khổ
Niềm vui dâng trào mà mắt lệ rưng rưng...
Đó là một trong 6 bài hát tôi hoàn thành trong chuyến đi thực tế đặc biệt này.
Ngày 23-6-1975, chúng tôi lên xe hành quân ra Bắc. Vừa đi vừa biểu diễn nên ngày 12-7 mới về tới doanh trại ở Gio Linh, kết thúc đợt biểu diễn chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cũng kết thúc đợt công tác gần 4 tháng, với danh nghĩa nhạc sĩ sáng tác của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn. Lúc bắt đầu đi mới có Chiến thắng Buôn Ma Thuột, phải đi nhờ đất Lào, rồi vòng sang Tây Nguyên. Khi trở về đã có thể đàng hoàng giữa ban ngày từ Sài Gòn dọc theo Quốc lộ 1, vừa đi vừa ngắm nhìn non nước, lòng nao nức hân hoan, thỏa nỗi ước mong của 10 năm lên rừng nếm mật nằm gai, khói lửa đạn bom gian khổ chất chồng, thử hỏi ai mà không vui mừng, sung sướng!
Nhạc sĩ VŨ MINH VỸ