1. Để làm tốt nhiệm vụ kêu gọi, động viên chiến đấu, trước năm 1975, với cảm hứng sử thi và sự quy chiếu của nguyên tắc “lý tưởng hóa”, văn học hướng đến xây dựng những hình tượng mang tính anh hùng ca. Đó là quy luật của thời chiến. Sau năm 1975, khi điều kiện xã hội cho phép, văn học phản ánh một cách trung thực nhất, kể cả những mặt trái, tiêu cực đúng với bản chất chiến tranh. Phù hợp với đặc trưng thể loại miêu tả cuộc sống trong sự đầy đặn, phong phú, những tiểu thuyết: “Đất trắng” (Nguyễn Trọng Oánh); “Đất miền Đông” (Nam Hà); “Mảnh đất tình yêu” (Nguyễn Minh Châu)... dù theo lối viết truyền thống nhưng đã xen vào cảm hứng bi kịch về một hiện thực dữ dội, khốc liệt là những tổn thất, hy sinh, đầu hàng, phản bội... Nếu trước đó, văn học sử thi thuần khiết giọng tráng ca thì lối viết này mở ra một cảm hứng mới, giọng điệu mới: Giọng bi tráng. Đó là cách kiến tạo một mỹ học về hiện thực chiến tranh đúng như vốn có.
2. Là một tất yếu, sau chiến tranh, văn học chuyển dần từ hệ hình sử thi sang đời tư, thế sự; từ mô hình con người công dân sang con người cá nhân. Bên cạnh âm hưởng của tráng ca, bắt đầu có sự phân tích, chiêm nghiệm những mối quan hệ xã hội ngổn ngang, dở-hay, tốt - xấu... Trong bản tổng phổ văn xuôi vang lên sự đa dạng, đan bện các giọng điệu anh hùng ca, tình ca, hoan ca, tụng ca, bi ca... Với cảm hứng nhân văn, “Chim én bay” (Nguyễn Trí Huân) xây dựng hình tượng nhân vật Quy như cái bản lề khép mở hai chiều thời gian: Quá khứ là cảnh trừng trị ác ôn; hiện tại là những xung đột do hận thù. Tiểu thuyết vươn tới một tầm ý nghĩa nhân văn mới mẻ, phổ quát: Phải trừng phạt cái ác để cứu lấy con người. Nhưng con người không thể sống trong cái vòng luẩn quẩn thù hận, phải biết rũ bỏ đau thương, cùng nhau “sống để yêu thương”...
Chuyển đổi hệ hình tất yếu kéo theo sự chuyển đổi loại hình diễn ngôn. Âm hưởng sử thi dần được thay thế bởi tiếng nói về thân phận con người, về những chấn thương... Ở nội dung này, trường ca đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nếu hiểu trường ca là kể những câu chuyện bằng thơ thì nhờ neo vào sườn cốt truyện nên thi liệu, ngôn ngữ, nhân vật trữ tình bền sức mà đi được xa hơn. Vừa ra khỏi chiến tranh, những câu chuyện còn nóng hổi, những nung nấu tâm trạng đang đòi được nói ra, được gửi vào trường ca. Một “thời đại trường ca” xuất hiện, rất khó lặp lại. Các tác giả: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Thu Bồn... điêu khắc những hình tượng trung tâm của chiến tranh bằng ngôn ngữ thơ cảm động, sâu lắng. Như hình tượng người chị “thiếu anh” của Hữu Thỉnh: Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (“Đường tới thành phố”)...
3. Chiến tranh đi liền với tổn thất, mất mát. Lấy năm 1975 làm mốc, cũng phải chục năm sau, diễn ngôn chấn thương mới trở thành một trong những nốt chủ âm của văn học. Đi ra từ cái chết nên ám ảnh nhất trong loại hình diễn ngôn này là hình tượng về sự hy sinh, “ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình” (Chu Lai). Nguyễn Đức Mậu xót xa về bao đồng đội đã ra đi: Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn (“Trường ca sư đoàn”). Ngoài chấn thương vật chất (chết chóc, bệnh tật...) còn là những chấn thương tinh thần (lo lắng, hoảng sợ...). Một số tiểu thuyết, tiêu biểu như “Bến không chồng” thành công nhờ vận dụng phù hợp, hiệu quả diễn ngôn chấn thương... Theo thời gian, diễn ngôn này ngày thêm tỏa sáng ý nghĩa: Làm rõ hơn sự hy sinh gần như tuyệt đối của những người lính, người mẹ, người vợ... để giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ mai sau biết giá trị của hòa bình, tự do, độc lập mà cha anh họ đã sống và chiến đấu thế nào, phải trả giá ra sao...
|
|
Cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Đại tá, nhà văn Xuân Thiều. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, hình tượng người lính như cái bản lề khép mở hai không gian: Chiến tranh dữ dội hôm qua và đời thực bề bộn hôm nay. Mang chấn thương trong người, lại phải đối mặt với những bầm dập phức tạp của đời thường, người lính như lạc vào trạng thái nhân sinh mới, đầy bi kịch, mâu thuẫn. Nội dung này là mảnh đất màu mỡ của sân khấu. Một thời hoàng kim của kịch nói xuất hiện, nổi lên các vở: “Người trong bóng tối” (Doãn Hoàng Giang); “Nguồn sáng trong đời” (Lưu Quang Vũ) có nhân vật chính là anh thương binh mù trở về từ chiến trường, vượt qua những chấn thương về tinh thần, thể xác, với bản lĩnh người lính đã tìm được “nguồn sáng” đầy lạc quan.
4. Sự đổi mới của văn học về đề tài lực lượng vũ trang theo hai xu hướng: Hiện đại hóa và đổi mới từ truyền thống. Hiện đại hóa là sự phân nhánh, từ một dòng sử thi trong vắt nguyên thủy phân ra thành nhiều dòng đa sắc. Các dòng đời tư, thế sự... thấm dần rồi tuôn trào vào các ngóc ngách đời sống mà trước đây cấm đoán, kiêng kỵ. Đề tài mở ra, mời gọi những cách viết mới: Dòng ý thức, đa thanh, kỳ ảo... Đổi mới từ truyền thống như sự hợp lưu từ nhiều nguồn khác, dòng sông văn học đa dạng, phong phú, cường tráng, phức tạp và cũng khó lường hơn. Bài học cho phát triển văn học hôm nay là cần cảnh giác về sự “phân rã” tính thiêng vốn có, cần có và sự xóa nhòa ranh giới chính nghĩa-phi nghĩa, giữa kẻ xâm lược cướp nước và cả dân tộc đoàn kết một lòng giữ nước. Cần cái nhìn mới nhân văn khám phá chiều sâu con người, cần đổi mới thi pháp nhưng cũng rất cần thổi bùng lên ngọn lửa lý tưởng yêu nước để sáng thêm không gian văn hóa Việt, tỏa ra ngoài thế giới!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ