Phóng viên (PV): Thành lập khi đất nước ta đang ở những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các cán bộ, học viên của Trường Quân y sĩ Việt Nam-đơn vị tiền thân của HVQY ngày nay-đã phải vừa chiến đấu, vừa giảng dạy, học tập và tham gia chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Chính vì vậy, qua các thời kỳ, tên gọi của nhà trường cũng có sự thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể đó là gì, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên: HVQY trực thuộc Bộ Quốc phòng, tiền thân là Trường Quân y sĩ Việt Nam, được thành lập theo Sắc lệnh số 234/SL ngày 20-8-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị định số 187/NĐ ngày 4-10-1948 của liên Bộ: Quốc phòng, Y tế và Giáo dục. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ trăm bề, khóa đào tạo quân y sĩ đầu tiên khai giảng ngày 10-3-1949 tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau 8 năm (1949-1957), nhà trường đã đào tạo được 6 khóa với hơn 600 quân y sĩ, kịp thời đáp ứng yêu cầu cứu chữa thương, bệnh binh trên các chiến trường. Từ Trường Quân y sĩ Việt Nam thành lập ngày đầu, đến năm 1957 được đổi thành Trường Sĩ quan Quân y (1957-1962), tiếp đó là Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (1962-1966), Trường Đại học Quân y (1966-1981) và HVQY (từ năm 1981 đến nay), hiện nay, HVQY là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị hàng đầu của Quân đội và cả nước.
|
|
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên. |
PV: Khi tìm hiểu về lịch sử HVQY, chúng tôi rất ấn tượng với tinh thần vượt khó, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ của các thế hệ thuộc HVQY. Những tấm gương tiêu biểu có thể kể đến là ai, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên: Ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất của nhà trường rất đơn sơ, nhỏ bé. Toàn trường có 4 giáo viên, cơ ngơi có 1 hội trường, 2 căn nhà vừa làm phòng ở, vừa là phòng học và 1 nhà bếp, tất cả chỉ làm bằng tranh tre, nứa lá đơn sơ. Một tủ sách chuyên môn đều là sách Pháp ngữ được góp từ những tài liệu của các giáo viên mang theo kháng chiến. Mô hình, học cụ buổi ban đầu chỉ có 2 chiếc kính hiển vi cũ và 1 bộ xương người được dùng làm học cụ môn Giải phẫu... Vượt qua tất cả, thầy và trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự 3 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Thế hệ đi sau như chúng tôi luôn tự hào mỗi khi nhắc đến tên tuổi của GS Đinh Văn Thắng; GS Nguyễn Trinh Cơ; Thiếu tướng, GS, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Xuân Hợp; Thiếu tướng, GS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thúc Mậu; Thiếu tướng, GS, TSKH, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thế Trung; Thiếu tướng, GS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ; Trung tướng Nguyễn Trọng Hợp; Trung tướng, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khánh... Bằng tài năng và tâm huyết cống hiến hết mình cho khoa học, các thầy đã làm rạng danh HVQY, ngành quân y cũng như nền y học nước nhà.
PV: Ngày nay, HVQY được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị hàng đầu của đất nước và Quân đội. Đồng chí có thể cho biết những kết quả, thành tựu nổi bật của Học viện trong thời gian qua?
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên: HVQY hiện có 44 đầu mối trực thuộc, trong đó có hai bệnh viện thực hành (Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) và Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội. Học viện có hơn 93% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học, trong đó có 53 giáo sư, 234 phó giáo sư; hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II và bác sĩ chuyên khoa cấp I; 15 Nhà giáo Nhân dân, 42 Nhà giáo Ưu tú; 19 Thầy thuốc Nhân dân, 179 Thầy thuốc Ưu tú; 10 chuyên viên kỹ thuật đầu ngành.
Về những kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật của HVQY, tôi xin nêu một vài con số tóm tắt. Từ ngày thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo cho Quân đội và cả nước hơn 100.000 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó có hơn 1.200 tiến sĩ, hơn 10.000 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II; gần 30.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật, sĩ quan dự bị và hơn 60.000 nhân viên y tế; hoàn thành gần 1.000 đề tài khoa học, trong đó hơn 220 đề tài, dự án cấp Nhà nước; hơn 700 đề tài và sáng kiến cấp bộ, ngành và Học viện; hơn 200 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Về công tác điều trị, đã ứng dụng, phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị; chú trọng đầu tư, phát triển các chuyên ngành mũi nhọn về y học quân sự; cấp cứu, xử trí kỳ đầu và di chứng các loại vết thương, vết bỏng, các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa chiến tranh; nội soi trong chẩn đoán và điều trị; kỹ thuật can thiệp mạch, duy trì và nâng cao kỹ thuật ghép tạng, tạo hình thẩm mỹ và y học tái tạo; hỗ trợ sinh sản, cấy ghép mô...
PV: Đó thực sự là những con số ấn tượng, để có được thành công ấy, hẳn Học viện đã có những chủ trương, giải pháp cơ bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên: Tự hào với truyền thống 75 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của HVQY luôn kế thừa thành quả và kinh nghiệm trong lịch sử, đồng thời tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp như sau:
Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và nhiệm vụ của Quân đội, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong công tác đào tạo, nghiên cứu y học quân sự, điều trị thương, bệnh binh và người bệnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên đủ năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ chủ trì, chuyên viên đầu ngành có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn cao và năng lực chỉ huy, quản lý giỏi.
Hai là, quán triệt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; thường xuyên củng cố khối đoàn kết, nhất trí, dân chủ, kỷ cương trong toàn Học viện, xây dựng môi trường tốt nhất để mọi cán bộ, nhân viên phát huy năng lực chuyên môn, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu y học quân sự, nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho toàn quân, đáp ứng với yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Ba là, xây dựng và thực hiện có chất lượng các chương trình đào tạo cho các bậc học dựa trên năng lực và chuẩn đầu ra, đạt mục tiêu trở thành trường đại học khoa học sức khỏe đa ngành, định hướng nghiên cứu, đào tạo và nghiên cứu y học quân sự hàng đầu Việt Nam, ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực.
Bốn là, với mục tiêu xây dựng mô hình nhà trường-bệnh viện, các bệnh viện thực hành của Học viện thường xuyên trau dồi y đức, ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu để trở thành những trung tâm điều trị hàng đầu của cả nước và khu vực. Đồng thời phục vụ tốt cho đào tạo, nghiên cứu khoa học y học và y học quân sự.
Năm là, thường xuyên xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Mở rộng và tăng cường hợp tác với các trường đại học, các cơ sở khoa học, các bệnh viện trong nước và quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị; tăng cường mối quan hệ gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển chuyên môn kỹ thuật và xây dựng HVQY trở thành trường đại học hàng đầu trong khối ngành sức khỏe.
PV: Được biết HVQY đang nỗ lực phấn đấu trở thành trường đại học khoa học sức khỏe đa ngành, định hướng nghiên cứu, đào tạo và nghiên cứu y học quân sự hàng đầu Việt Nam, ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực. Vậy phương hướng và lộ trình thực hiện quyết tâm này được triển khai thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên: Phát huy truyền thống, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh lý, đổi mới các chương trình đào tạo ở từng bậc học, ngành học; xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra phù hợp với từng đối tượng. Chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, đề xuất mở mới nhiều mã ngành, loại hình đào tạo ở các bậc học, ngành học. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bệnh viện và các cơ sở y tế trong và ngoài nước tổ chức những khóa đào tạo chuyên khoa định hướng, đào tạo liên tục, chuyên sâu, đào tạo theo địa chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Từng bước đổi mới quy trình, phương pháp dạy-học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả. Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” tiếp tục triển khai thực hiện đồng thời với việc hoàn thành đề án mở các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ ngành y học quân sự. Thẩm định, ban hành các giáo trình module và các giáo trình khác phục vụ đổi mới chương trình đào tạo y khoa quân sự với phương châm lấy học viên, sinh viên và chất lượng chăm sóc y khoa làm trung tâm. Chủ động tiếp thu ý kiến của các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế, nơi sử dụng “sản phẩm” đầu ra của HVQY để điều chỉnh nội dung, chương trình dạy-học thực chất, sát với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.
Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ, kỹ thuật cao, tiên tiến trong y học, nhất là lĩnh vực y học quân sự. Phát triển mạnh các kỹ thuật mũi nhọn trong chẩn đoán và điều trị. Triển khai xây dựng các labo, nhóm nghiên cứu mạnh, kết hợp các nghiên cứu lâm sàng với nghiên cứu cơ bản. Nhờ đó, chất lượng cũng như giá trị của các công trình khoa học có bước đột phá với số lượng công bố quốc tế cao gấp nhiều lần những năm trước đây.
Thời gian tới, Đảng ủy, Ban giám đốc HVQY tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, là nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu xây dựng Học viện trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho Quân đội và cả nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
BÍCH TRANG (thực hiện)