Ngày 13-2-1972 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Tân Hợi), đơn vị chúng tôi mới ổn định tổ chức biên chế để chuẩn bị hành quân vào chiến trường Trị Thiên. Sáng hôm sau, ai nấy đều cảm nhận được không khí ngày xuân đã về với núi rừng và trên các nẻo đường ra trận. Suốt ngày hôm đó, tôi cùng Nguyễn Tiến Hài (sau này là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nay đã nghỉ hưu) bận rộn trang trí “hội trường” của Đại đội để bộ đội đón Giao thừa. Chúng tôi lấy vải dù, tăng ni lông căng lên làm diềm khung, khẩu hiệu viết bằng phấn màu trên giấy xanh, đỏ, tím, vàng. Trên bàn thờ có đầy đủ mâm ngũ quả, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, câu đối, chè Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên, bình hoa... như Tết ở quê nhà.

Để ghi nhớ khoảnh khắc ngày Ba mươi Tết trước khi hành quân vào chiến trường, tôi đã viết trong sổ nhật ký của mình. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy bồi hồi...

Khoảng 11 giờ đêm, máy bay địch vẫn gầm rú, chúng giội các loại bom hòng ngăn cản hoạt động trên tuyến đường vận tải chiến lược của ta. Trên những tuyến đường, các chiến sĩ lái xe vẫn nắm chắc vô lăng đưa hàng ra trận. Các pháo thủ làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vẫn vững vàng trên mâm pháo và các chiến sĩ công binh đang trực trong những căn hầm sẵn sàng thông đường để xe qua.

leftcenterrightdel
Một trang nhật ký của tác giả. 

Đúng thời khắc Giao thừa, đồng chí Đỗ Văn Hệ, Chính trị viên Đại đội mở to radio. Mọi người im lặng lắng nghe buổi phát thanh Giao thừa của Đài Tiếng nói Việt Nam. Không ai bảo ai, tất cả cùng đứng dậy nghiêm trang hát bài “Tiến quân ca” hùng tráng, sau đó là bài “Lãnh tụ ca” trang nghiêm, tha thiết. Sau phút Giao thừa, cả đơn vị liên hoan chè, thuốc, kẹo... Nhộn nhịp, khí thế nhất là tiết mục hái hoa dân chủ. Từ cán bộ Đại đội đến các chiến sĩ đều mạnh dạn thể hiện tài năng ca hát, ngâm thơ, kể chuyện... rất sôi nổi, làm cho mọi người quên đi tiếng máy bay và bom đạn gầm rú ngoài tọa độ lửa. Hơn 1 giờ sáng, chúng tôi cơ động lên hang 40 gần lưng chừng núi để chúc Tết Tiểu đội nữ công binh. Ở đây có hơn mười cô gái quê Thanh Hóa, trẻ măng, do Trung đội trưởng Lê Minh Toán trực tiếp chỉ huy...

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Vũ Hồng Điệp. Ảnh do tác giả cung cấp 

Hơn 2 giờ sáng mồng Một Tết, tôi trở về căn hầm chữ A nhưng không sao chợp mắt được, có lẽ do nhớ mẹ và các em. Tôi nhẩm tính mình đã có 4 năm ăn Tết xa nhà. Trong khi đó, hai anh lớn đã ra chiến trường. Còn mẹ và 3 em ở quê năm nay đón Tết ra sao? Vì không ngủ được nên tôi đã chủ động thay gác cho anh Thế đi nghỉ. Và tôi là người đầu tiên trong đơn vị đón bình minh của năm Nhâm Tý 1972...

VŨ HỒNG ĐIỆP