Sau Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận 44-Quảng Đà vô cùng ác liệt và khó khăn. Các cơ sở bí mật của ta ở vùng địch hậu cơ bản bị lộ. Đường dây giao liên đưa cán bộ từ căn cứ xuống đồng bằng, đồng thời đưa lương thực, thực phẩm từ đồng bằng lên căn cứ bị địch bắn phá ngày đêm. Địch thực hiện chính sách dồn dân lập ấp, tổ chức càn quét các xã vùng ven thành phố, chúng đưa cả máy ủi về nhằm san phẳng, tìm hầm bí mật của ta. Bọn tề gian, mật thám có cơ hội hoạt động và thực hiện tuyên truyền chiến tranh tâm lý, suốt ngày đêm gọi Việt cộng chiêu hồi...

Trước tình hình trên, ta chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với tuyên truyền cách mạng trong nhân dân, phát động đấu tranh tổng hợp, phá thế kìm kẹp của địch, mở thông các đường giao liên, bám dân, xây dựng các cơ sở bí mật trong vùng địch hậu. Lực lượng vũ trang phải thay đổi cách đánh, phải kết hợp với đơn vị địa phương, có những vùng đánh xong thì chốt giữ kết hợp với chống càn, không như trước đây, đánh xong thì rút về căn cứ.

Đại đội Đặc công 25, Trung đoàn 31, Mặt trận 44-Quảng Đà được giao nhiệm vụ trinh sát địa hình các căn cứ quân sự có lính Mỹ-ngụy đóng sâu trong vùng địch hậu, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức các trận đánh chắc thắng để gây tiếng vang trong vùng cũng là khẳng định Quân giải phóng vẫn đang cùng nhân dân bám đất, bám dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

leftcenterrightdel

Các cựu chiến binh Đại đội Đặc công 25, Trung đoàn 31, Mặt trận 44-Quảng Đà gặp mặt (trong ảnh: Tác giả đứng thứ tư, từ trái sang). Ảnh: TUẤN HOÀNG  

Từ chủ trương trên, vào trung tuần tháng 3-1969, đơn vị tiến hành tiềm nhập đánh căn cứ Phước Tường. Trong đó có trận địa tên lửa Hawk tại điểm cao 327 trên dãy núi Phước Tường và trạm radar của Mỹ. Tại đây, địch tăng cường lực lượng tuần tra canh gác nghiêm ngặt và bổ sung thêm hàng rào dây thép gai, lô cốt... Để bảo đảm đánh chắc thắng, ít tổn thất như mệnh lệnh của trên là rất khó, vì vậy đơn vị chuyển sang phương án B là rút về xã Phước Hưng, nay là xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Trên địa bàn xã có lực lượng bảo an của địch đóng quân. Hằng ngày, chúng đi càn quét, đàn áp nhân dân và các gia đình chúng nghi là cơ sở cách mạng tại các xã trong vùng phụ cận.

Khoảng 3 giờ sáng hôm ấy, đơn vị hành quân tiềm nhập vào ấp, triển khai đào công sự, giao thông hào, tận dụng triệt để mương nước chảy quanh ấp, bắt liên lạc với cơ sở bí mật. Đến 5 giờ, các công việc hoàn tất. Khoảng 9 giờ 30 phút, địch phát hiện có Việt cộng trong ấp. Chúng sử dụng đại liên, súng cối bắn vào ấp. Trên trời thì trực thăng bắn xuống. Địch còn liên tục phát loa kêu gọi đầu hàng. Chúng quyết tâm tiêu diệt và bắt sống cả đơn vị.

Trang bị vũ khí của đơn vị đặc công lúc bấy giờ yêu cầu gọn, nhẹ với AK báng gấp, B40, 2 khẩu RPD, lựu đạn, dao găm, thủ pháo không phù hợp cho chiến đấu phòng ngự chống càn. Tôi chỉ huy Trung đội 2 phòng thủ hướng Đông Nam, nhìn trực tiếp vào căn cứ của địch từ khoảng cách chừng 600m, thấy rõ chúng đi lại trong khu căn cứ.

Đến trưa, địch bắt đầu cho bộ binh đánh thăm dò nhưng bị phản công từ các hướng. Đơn vị đặc công lần đầu tiên được đánh ban ngày nên anh em bắn rất chính xác. Địch chết rất nhiều, chúng lùi ra xa, tiếp tục pháo kích, bắn cấp tập. Tại hướng của tôi, vì phải qua một ruộng lúa trống trải nên chúng không dám tiến gần. Khẩu trung liên của đồng chí Tuyến, xạ thủ quê huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An bắn rất tốt đã tiêu diệt được các tốp lính đi đầu. Đến 14 giờ, đồng chí Tuyến báo cáo sắp hết đạn, tôi lệnh cho trung đội chuyển sang bắn điểm xạ để tiết kiệm đạn. Lúc này, tôi phát hiện trong căn cứ địch đang triển khai khẩu đại liên lên nóc chòi canh. Nếu để chúng thực hiện được ý đồ thì toàn bộ hướng phòng ngự Đông Nam của ta bị khống chế, rất nguy hiểm cho đơn vị. Tôi bình tĩnh lấy đường ngắm chính xác, bắn và tiêu diệt được mục tiêu. Địch không dám triển khai hỏa lực trên nóc chòi canh nhưng tập trung súng cối, M79 bắn dồn dập về phía chúng tôi.

Một loạt đạn M79 rơi trúng bụi tre nơi có công sự của tôi. Các mảnh đạn găm vào đầu, vai và làm nát bàn chân phải khiến tôi bị ngất do mất máu nhiều. Khi tỉnh lại, tôi ra lệnh cho đồng chí Tình, quê ở Hòa Vang, là bộ đội địa phương về hầm chỉ huy báo cáo xin tiếp viện, bổ sung đạn và người chỉ huy thay tôi. Đồng chí Tình đi nhưng sau không thấy trở về, có thể đã bị trúng đạn địch. Sau một hồi lịm đi, khi tỉnh lại tôi liền lệnh cho đồng chí Tuyến, xạ thủ trung liên, về báo cáo đại đội chi viện lực lượng, bổ sung đạn để giữ trận địa. Lúc này có em Hà là liên lạc đại đội nghe tôi hy sinh liền cùng đồng chí Tuyến quay lại. Tìm thấy tôi, hai người cùng đồng đội băng bó sơ bộ rồi đưa tôi về hầm chỉ huy cấp cứu.

Trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta ở các hướng, địch không dám mở các đợt tiến công lớn vào ấp mà tăng cường bao vây, xin tiếp viện nhằm bắt sống. Cho đến chiều, chúng không dám mở đợt tấn công nào nữa vì bị tổn thất nặng nề về quân số. Trên không, chúng cho máy bay OV-10 gọi loa tuyên truyền đầu hàng và rải truyền đơn trắng cả ấp.

Về phía đơn vị, mặc dù có tổn thất, có thương binh, nhưng chúng tôi vẫn giữ được trận địa, cố gắng chờ đến tối để vượt vòng vây ra ngoài. Đơn vị chia thành 3 hướng rút lui. Mỗi hướng cử tổ trinh sát đi trước dò đường, sau đó mới dẫn đơn vị đi, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn. Đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau, toàn đơn vị thực hiện lui quân đưa thương binh đi trước, để 1 tổ nghi binh đi sau. Gọi là đi nhưng thực tế phải bò sát ruộng lúa từng người một. Đến 3 giờ 30 phút, việc rút quân cơ bản hoàn tất. Thương binh được bàn giao cho du kích địa phương. Toàn đơn vị rút quân khỏi trận địa.

Vết thương làm tôi bị ngất lên ngất xuống nhiều lần, không biết gì, đến ngày hôm sau, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong một cái hang, bên ngoài có khe suối chảy róc rách, cây, cỏ mọc không cao lắm nhưng cũng đủ che khuất được tầm quan sát của máy bay. Địch vẫn còn bao vây, thỉnh thoảng chúng ném lựu đạn cay vào hang để tìm Việt cộng. Rất may là hang rộng và sâu, bên trong lại là một con suối cạn nên chúng ném lựu đạn cay nhưng không phát huy tác dụng. Chúng bao vây hết ngày thứ ba thì rút. Tối đó, du kích đưa cơm nắm vào tiếp tế. Sau 3 ngày không được ăn uống gì, lúc này tôi mới thấy đói. Khi nhận được nắm cơm, tôi ăn ngấu nghiến. Cô du kích đưa tiếp cho hộp sữa, tôi uống một chút rồi được đưa lên cáng về trạm phẫu tiền phương. Lúc này, vết thương của tôi bị nhiễm trùng nặng, đã có giòi.

Điều trị ở bệnh viện tiền phương hơn một tháng, tôi được chuyển ra Bắc tiếp tục điều trị. Nằm trên cáng hơn 3 tháng mới về đến làng Ho (Quảng Bình). Hơn 3 năm trong chiến trường, ngày 3-9-1969 là ngày đầu tiên tôi được hưởng không khí yên bình, không có tiếng pháo, tiếng bom. Nhưng cũng là ngày buồn nhất vì nhận được tin Bác Hồ từ trần!

Sau 54 năm, tôi vẫn nhớ mãi trận chiến đấu cuối cùng trong đời bộ đội của tôi. Tôi bị thương phải rời chiến trường. Để đưa ra đến miền Bắc an toàn, tôi phải trải qua hơn 90 ngày đêm, nằm trên vai hơn 200 con người thay nhau khiêng cáng trên con đường mòn của dãy núi Trường Sơn dốc cao, vực sâu, bom, đạn hiểm nguy và gian khổ. Tôi luôn thấy may mắn và dặn mình cố gắng làm tròn các công việc được giao, để xứng đáng với đồng đội đã hy sinh, với những người đã cưu mang mình ở chiến trường. Trải qua 43 năm 8 tháng quân ngũ, tôi nghỉ công tác trên cương vị là Thanh tra viên cao cấp thuộc cơ quan Thanh tra Bộ Quốc phòng. Nhìn lại quãng đường đã đi qua, tôi xin chân thành cảm ơn những đồng đội và nhân dân đã không ngại hy sinh đưa tôi thoát khỏi vòng vây của địch, trở về tiếp tục cống hiến cho đất nước, Quân đội.

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG