“Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, kêu gọi đoàn kết toàn dân nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, đồng thời kêu gọi Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ngày đó, tôi là cán bộ Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao. Cuối năm 1978, ông Ngô Điền, Phó trưởng ban B68 (bí danh của Tổng đoàn Cố vấn Việt Nam tại Campuchia) điện ra Bộ đề nghị tôi sang làm thư ký cho ông. Ngày giáp Tết Kỷ Mùi, tôi bay vào TP Hồ Chí Minh, đến trụ sở B68 nhận nhiệm vụ. Tôi được nhận quân phục, ba lô, mũ tai bèo... Bộ quần áo màu xanh lá cây rộng thùng thình phút chốc biến tôi thành người lính rất... Campuchia.

Sáng 23-1-1979, ông Ngô Điền và tôi lên máy bay sang Phnom Penh. Gần nửa giờ bay, chúng tôi ngồi bên nhau im lặng. Tôi hiểu, người thủ trưởng khả kính của tôi trong đầu đang vạch ra những đường đi nước bước để nhanh chóng giúp bạn hồi sinh. Đó có thể nói là một bộ óc bách khoa. Ông Ngô Điền quê ở Quảng Nam, tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, khi vừa tốt nghiệp cao đẳng tại Hà Nội. Ngày ấy, lên chiến khu, ông đã nhận nhiều nhiệm vụ rất khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc.

Thủ đô bạn đã giải phóng được nửa tháng, song chỉ mới bắt đầu dọn dẹp. Trước mắt chúng tôi, đường phố, nhà cửa vẫn vắng lặng, xám xịt, nhuốm màu tang tóc, người đi lại thưa thớt, thảng gặp những gốc cây bên đường cũng thấy im lìm. Bỗng tôi nghe tiếng chim vi vút. Ngẩng lên, bầu trời Phnom Penh cao xanh lồng lộng, có đàn chim én từ phía biển hồ Tonlé Sap chao lượn. Ồ, mùa xuân đang về trên đất nước chùa tháp vừa trải qua thảm họa diệt chủng kinh hoàng!

leftcenterrightdel
Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng (bên trái) đến chào Thủ tướng Hun Sen tại Văn phòng Chính phủ Hoàng gia Campuchia ở Phnom Penh, tháng 3-2005. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Bộ Ngoại giao của bạn mới hình thành, trụ sở đặt tạm trong ngôi nhà bỏ hoang bên bờ sông. Buổi đầu cả núi công việc, nhưng trụ sở và phương tiện thì chẳng có gì. Chúng tôi đã cùng các nhân viên đầu tiên của bạn vào những ngôi nhà hoang phế để thu nhặt bàn ghế, máy chữ và các đồ dùng văn phòng về trang bị cho trụ sở Bộ. Đụng đến thứ gì cũng một lớp bụi phủ dày, chúng tôi phải dò dẫm tìm vì sợ còn mìn hoặc bẫy. Anh Bùi Hữu Nhân, một trong những trợ thủ chính của ông Ngô Điền, người cán bộ miền Nam giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, lúc ở Hà Nội là Trưởng phòng Phóng viên của Vụ tôi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh vào mấy buổi chiều nắng còn đọng lại trên sông đi thu nhặt đồ cùng bạn. Có lúc, anh chỉ mặc độc chiếc quần đùi, cởi trần, bụi bám lem luốc, mồ hôi nhễ nhại. Một cán bộ ngoại giao cự phách đấy, có phải lúc nào cũng comple với cà vạt đâu!

Hằng ngày, tôi giúp việc cho ông Ngô Điền nên hay gặp Bộ trưởng Hun Sen để đưa điện hoặc công văn. Trong những ngày đầu, tôi mượn một chiếc xe Honda 50 cũ để đi lại. Hôm đến xin giấy tờ xe, tôi thấy ông Hun Sen ngồi một mình trước chiếc bàn rộng, người cao gầy, nom giống thư sinh hơn là một nhà quân sự vừa lăn lộn trên chiến trường trở về. Ông thong thả lấy từ chiếc cặp đen bên mình ra một túi ni lông nhỏ, rút con dấu trong đó “cộp” vào tờ giấy tôi đưa. Hình ảnh ông đích thân đóng dấu vào tờ giấy phép còn mãi trong trí nhớ tôi. Sau này, Đại sứ Ngô Điền kể lại, có lần, trong một cuộc họp giao ban, ông Hun Sen còn hỏi: “Chiến Thắng đâu mà lâu không thấy?”. Khi tôi trở thành đại sứ, ông vẫn gọi tôi là “anh Chiến Thắng”. Cần nói thêm, ông Hun Sen nói tiếng Việt rất tốt. Có lần, trong cuộc gặp chính thức phải qua phiên dịch, ông còn sửa cho cả phiên dịch.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Chiến Thắng và tác giả (thứ hai, thứ ba, từ trái sang) trong lần gặp mặt các nhà văn đoạt Giải thưởng Văn học sông Mê Công, năm 2015. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tết Nguyên đán Kỷ Mùi 1979 ở Bộ Ngoại giao “tạm” của bạn thực ra không có Tết, bởi đời sống sinh hoạt lúc đó rất khó khăn. Nhà bếp thường chỉ có canh rau loãng và ít cá khô. Chị cấp dưỡng góa chồng, có con nhỏ, khi làm việc phải địu theo, buổi sáng gói ít ngô hạt luộc cho chúng tôi ăn lót dạ. Nhiều nhân viên ở đây đều nói như chị, nếu bộ đội Việt Nam đến chậm chút nữa thì họ đã bị Pol Pot bổ cuốc vào đầu rồi. Chiều Ba mươi Tết, anh Trịnh Vinh Pha, trợ lý của Trưởng ban B68-Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, gọi tôi sang văn phòng anh nhận một chiếc bánh chưng bộ đội biếu ông Ngô Điền. Trên đường qua ngôi biệt thự hoang, bất chợt tôi thấy từ trong vườn vươn ra cành hoa mai. Hoa nở vàng, tươi rói. Tôi dừng lại giây lát, bồi hồi ngắm hoa, như thấy niềm hy vọng tái sinh đang nở bừng...

Sáng mồng Một Tết. Tiếc là không thể đem hoa mai vàng ở ngôi biệt thự bỏ hoang kia về bày cho có Tết. Anh Hà, lái xe của ông Ngô Điền, có sáng kiến đi tát cá ở những chuôm nước cạn ven sông Mê Công. Bữa cơm đầu năm tươi hơn do có cá tép, cá sặc bổi kho nhừ với xoài xanh, cà chua xanh. Mọi lần, ông Ngô Điền thường cùng chúng tôi tranh thủ ăn xong là khẩn trương ai làm việc nấy. Lần này, bánh chưng vừa bóc ra để giữa mâm, cạnh nồi “lẩu”, ông liền cầm ca sắt nhỏ rót ít nước đun sôi để nguội giơ lên tủm tỉm cười, ánh mắt nheo nheo nhìn mọi người, nói: “Nào, ta chúc cho nước bạn chóng hồi sinh, phát triển!”. Không ai bảo ai, chúng tôi đều cầm mỗi người một cốc có ít nước cùng ông chúc mừng năm mới. Rõ là... vui như Tết!

leftcenterrightdel
 Vợ chồng Đại sứ Ngô Điền - nhà báo Trần Thị Tỳ tại Campuchia, năm 1979. Ảnh tư liệu

Một cơ duyên nào đó đã gắn chặt cuộc đời hoạt động ngoại giao của Đại sứ Ngô Điền với đất nước chùa tháp. Tính đến tháng 11-1991, khi ông về nước, là có cả thảy 18 năm ở đây, bằng một phần ba cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Thời gian nhiều cũng chỉ là số đếm năm tháng, còn những đóng góp của nhà báo, nhà ngoại giao kỳ cựu Ngô Điền cho công cuộc hồi sinh đất nước Campuchia sau họa diệt chủng Pol Pot, những suy tư, trăn trở của ông cho quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam và Campuchia thì khó mà đong đếm được.

Sau này, trước khi sang bạn nhận đại sứ, tôi tới thăm ông Ngô Điền tại căn phòng nhỏ ở 26 Hàng Chuối (Hà Nội). Lúc ấy, ông ngoài 80 tuổi, sau một lần bị ngã đã yếu lắm, nằm bất động trên chiếc giường trải ga trắng. Bà Tỳ, người bạn đời của ông, cho biết, một hôm trên ti vi phát tin về tình hình Campuchia, lúc ấy, ông đang đi trong phòng liền quay ngoắt lại theo dõi. Chính sự đột ngột ấy đã làm ông ngã, phải nằm bất động. Bà Tỳ nâng ông dậy để ông nắm lấy tay tôi. Vẫn là bàn tay của một văn nhân, người thầy đã từng nâng đỡ, dìu dắt học trò nhỏ là tôi. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, tay nắm chặt và người học trò đã biết thầy muốn gửi gắm điều gì. Tôi cảm nhận được, đó là tình yêu của ông với sự nghiệp hồi sinh, phát triển của đất nước chùa tháp và cả lòng bao dung, nhân hậu cùng tình cảm vị tha  với cuộc đời!”.

Nhà văn PHẠM QUANG ĐẨU