Chúng tôi sang nước bạn Campuchia từ dòng sông Bình Di trước cửa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang trong một ngày nắng gắt. Hai chiếc ghe chở gần 40 cán bộ, chiến sĩ nổ máy giòn giã để tạm biệt đất mẹ và cũng như một lời hứa: Quyết tâm đưa được nhiều HCLS Quân tình nguyện Việt Nam về nước. Sau khi lướt vào dòng Tông-lê-ba-xắc, hai chiếc ghe của chúng tôi hướng về phía tỉnh Kandal. Đến chiều tối, Đội K90 đã cập bến. Anh em hậu cần nhanh chóng triển khai bếp nấu ăn và nhờ chính quyền, bà con địa phương bố trí nơi ở tạm. Ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước chùa tháp khiến tôi bâng khuâng khó tả.

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm. Lúc này, dòng Tông-lê-ba-xắc vẫn còn ngái ngủ, chỉ thấy những con cá tinh nghịch đang búng nước đùa nhau gần bụi tre ở bến sông. Chao ơi, bình minh trên sông mới huyền ảo làm sao. Cả một vùng nước mênh mang như đang được tráng một màu hồng óng ánh, rồi lại như được dát bạc, dát vàng trong tiếng sóng vỗ bờ mỗi khi có những chiếc ghe, tàu chạy qua. Đến 6 giờ thì anh em trong đội K90 cũng đã thức dậy. Mọi người ùa xuống bến sông đánh răng, rửa mặt làm cho mặt nước xao động khác những ngày thường.

leftcenterrightdel
 Đội K90 cất bốc hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia.

Thượng tá Trần Chánh Nghĩa, Đội trưởng Đội K90 hối thúc: “Vào ăn cơm đi anh em, 30 phút nữa chúng ta sẽ xuất phát đi tìm đồng đội”. Đã lâu lắm rồi tôi mới được hòa mình vào không khí khẩn trương như thế này. Đội K90 chia làm hai tổ, đi hai hướng khác nhau. Tổ của Đại úy Nguyễn Văn Công đi hướng Kandal Stueng. Tôi theo tổ do Trung tá Thạch Quang Thái, Phó đội trưởng Đội K90 phụ trách đi hướng Khsach Kandal. Chúng tôi nhảy lên thùng chiếc xe tư nhân do Đội K90 thuê trước đó. Chỉ ít phút sau, chiếc xe thường dùng để chở đất đá đã đưa chúng tôi rời khỏi bến sông. Bác tài là người có nghề nhưng cũng không thể tránh hết các “ổ voi”, “ổ trâu” đan vào nhau như những hố bom trên con đường bụi mù.

Chiếc xe lướt qua thủ đô Phnom Penh, rồi băng qua mấy cánh đồng trống huếch và hai con sông mới tới nơi tập kết. Quần áo của chúng tôi phủ đầy bụi đỏ, trông như những anh dân cày mới từ thửa ruộng ngấu bùn bước lên. Ở đây rất vắng vẻ, chỉ có hai nhà dân nhỏ như cái lều tạm. Mọi người chia nhau tìm kiếm chỗ ở. Một số anh thì mắc võng ở khung nhà trống ven đường, nhưng cũng có người phải nằm trong chiếc chuồng heo hay cái bếp tạm mới làm của dân. Cả một vùng đất khô nứt nẻ, thật may là một nhà dân ở đây có cây nước để dùng cho sinh hoạt. Người dân cho hay, khu vực ven rừng này có hơn 30 phần mộ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thập niên 1970, nhưng không biết đích xác ở chỗ nào trên những ruộng lúa hay cánh rừng lúp xúp phía Tây kia.

Ngay chiều hôm đó, anh em trong đội đã đi thắp hương ở một số ruộng lúa, bìa rừng, hy vọng linh hồn các liệt sĩ sẽ phù hộ để tìm kiếm được nơi yên nghỉ của họ. Từ sáng hôm sau, nhiều ruộng lúa, bìa rừng đã được anh em trong đội tới tìm kiếm. Mặc nắng, gió, những nhát leng vẫn kiên trì xới từng thớ đất... Nhưng tìm kiếm gần một tuần mà chúng tôi vẫn chưa thấy đồng đội ở đâu.

Thời gian nặng nề trôi trong nỗi niềm khắc khoải của anh em trong tổ. Chưa thấy đất đổi màu, cũng có nghĩa là chưa một HCLS nào được tìm thấy. “Đất đổi màu” là nơi màu đất khác biệt (thường là màu đen) so với màu đất thông thường, là dấu hiệu có thể có HCLS. Ngày thứ bảy, Trung tá Thạch Quang Thái phải sinh hoạt toàn tổ để động viên, khơi dậy tinh thần cho anh em. Giọng anh trầm ấm: “Chúng ta đã đi sang nước bạn nhiều lần, nhưng chưa lần nào lâu tìm thấy các liệt sĩ như lần này. Tôi mong mọi người hãy tự tin, bình tĩnh và kiên trì. Khi chúng ta tìm đồng đội bằng sự chân thành, bằng trái tim nhiệt huyết thì các liệt sĩ sẽ chỉ chỗ thôi. Phải quyết tâm tìm bằng được các chú, các anh, các đồng chí nha”, những lời gan ruột của anh Thái được anh em hưởng ứng tuyệt đối.

Đêm mùa khô ở Kandal lạnh như mùa đông miền Bắc nước ta. Càng về gần sáng càng lạnh hơn. Tôi phải ngủ cùng với một chiến sĩ tên Quang để đắp chung chăn. Trời lạnh, đắp chăn ấm, thiết tưởng mọi người sẽ có giấc ngủ ngon, ai dè nhiều người vẫn trằn trọc, thấp thỏm. Họ trăn trở vì chưa tìm thấy HCLS. Một vài chiến sĩ giữa đêm tối còn cầm một nắm hương ra bìa rừng khấn vái và cắm ở nhiều nơi. Anh em hy vọng và cầu nguyện linh hồn các liệt sĩ sẽ chỉ chỗ nằm để cất bốc họ về...

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Đội K90 hành quân đi tìm mộ liệt sĩ trên đất nước Campuchia. Ảnh: QUANG TRƯỜNG

Giữa sáng hôm sau, bìa rừng vẫn nắng như đổ lửa. Phụ giúp cậu anh nuôi rửa thịt, cá và nấu nồi cơm to xong, tôi đội mũ bước ra chỗ anh em đang tìm kiếm. Nhìn mọi người quần áo thấm đẫm mồ hôi, gương mặt đầm đìa mà thấy thương quá. Những đường đào song song với nhau như những dải giao thông hào, như cắm liên tiếp vào lòng đất bao nỗi hy vọng khắc khoải. Phó đội trưởng Thạch Quang Thái nói với tôi: “Khi nào thấy đất đổi từ màu vàng sang màu đen mới có tín hiệu có thể tìm thấy HCLS, nhà báo à. Sáng nay đã đào 7 đường rồi mà đất vẫn chưa đổi màu”.

Càng về trưa, không khí càng hừng hực, bức bối. Tôi cảm giác như nhiệt độ ở bìa rừng đã lên đến hơn 50 độ C. Những người lính nhễ nhại mồ hôi vẫn miệt mài kiếm tìm. Những ánh mắt như soi vào đất, những con tim khắc khoải chờ mong đất đổi màu. Tôi cùng cậu anh nuôi gánh cơm ra chỗ làm mà mọi người vẫn không để ý, những nhát leng, nhát cuốc vẫn bổ xuống lòng đất không ngơi nghỉ.

Gần 12 giờ, anh em trong tổ mới thay nhau vừa ăn cơm vừa đào tiếp. Sau bữa trưa vội vàng, mọi người lại hì hục với công việc. Đến khi cả một vạt rừng, một nửa thửa ruộng đã bị xới lên thì tiếng một chiến sĩ kêu lên: “Liệt sĩ đây rồi”. Cả nhóm chụm đầu lại. Đất từ màu vàng dần chuyển sang màu đen đặc. Gạt thêm vài xen-ti-mét nữa thì một mảnh nilon màu xanh hiện ra. “Nhẹ tay thôi, cẩn thận không vào người bác ấy đấy”, tiếng chiến sĩ Huỳnh Văn Tá cất lên. Một tấm vải sạch được trải ra mặt đất. Những mảnh hài cốt của liệt sĩ được các chiến sĩ đặt trang trọng lên miếng vải. Từ bộ hài cốt này, những bộ HCLS khác lần lượt hiện ra. Chẳng biết do mồ hôi hay nước mắt hạnh phúc trào ra mà tôi thấy nhiều gương mặt chiến sĩ cứ nhạt nhòa. Chiều muộn, anh em đã cất bốc được gần 20 bộ HCLS. Những ngày tiếp theo, tổ của Trung tá Thạch Quang Thái tìm thêm được 15 HCLS nữa. 

Gần một tháng hành quân qua những cánh rừng, cánh đồng ở Khsach Kandal, chúng tôi qua Kandal Stueng cùng với tổ của Đại úy Nguyễn Văn Công. Mọi người tập kết tại 3 nhà dân và hằng ngày phải đi bộ nhiều cây số để tiếp tục tìm kiếm, cất bốc HCLS trên những cánh đồng cỏ khô cháy. Sang tổ bạn, tôi không nhận ra mấy anh chàng khi gặp ở bến sông Tông-lê-ba-xắc. Anh nào anh nấy đen sạm, râu ria mọc tứ tung, tóc dài che hết hai tai. Hỏi ra mới biết, do ở xa chợ nên khi không mua được lưỡi dao cạo nữa thì ai cũng để cho râu mọc tự do. Cũng do công việc bận nên chẳng ai có thời gian cắt tỉa tóc nữa. Những ngày dầm mưa dãi nắng, anh em trong đội của Đại úy Nguyễn Văn Công đã tìm được 63 HCLS.

Hành quân hơn một tháng nữa trên địa bàn tỉnh Kandal, anh em Đội K90 tiếp tục tìm kiếm, cất bốc thêm được gần 120 bộ HCLS. Đội trưởng Trần Chánh Nghĩa nói với tôi: “Tết Quý Mùi đến gần lắm rồi đấy nhà báo. Anh em mình có ở thêm ít ngày nữa không?”. Rồi anh cười, nói tiếp: “Thôi, đưa các bác, các chú về quê ăn Tết đã, giữa tháng Giêng chúng tôi lại qua đón thêm nhiều người về đất mẹ nữa”. Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại bến sông đã cập bến ban đầu. Các HCLS được liệm cẩn thận trong các tấm nilon và vải đỏ, xếp thành hàng ngay ngắn. Những nén hương thơm tiếp tục được chúng tôi và các chiến sĩ quân đội Campuchia thắp lên. Xong phần nghi lễ, HCLS được chuyển lên chiếc tàu nhỏ để xuôi dòng Tông-lê-ba-xắc về Việt Nam.

Sáng tinh mơ ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (25-1-2003), chiếc tàu của chúng tôi tạm biệt tỉnh Kandal để về nước. Những ngôi chùa, phum sóc và những cánh đồng thốt nốt cứ dần lùi lại phía sau. 11 giờ, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình. Con sông Bình Di hôm ấy trong trẻo lạ thường, nó gợn sóng xôn xao khi chiếc tàu cập bến. Tôi nhìn qua phía nước bạn Campuchia, nơi chắc còn nhiều HCLS đang đợi các đội tìm kiếm của chúng ta đưa về Tổ quốc. Và đến ngày hôm nay, hàng nghìn liệt sĩ đã được đưa trở về đất mẹ Việt Nam. Đó chính là trách nhiệm, là ý chí và tình cảm của các đội tìm kiếm, cất bốc HCLS của chúng ta. Họ sẽ còn đi, còn tìm kiếm và sẽ đưa được thêm nhiều HCLS về nước trong niềm mong mỏi của tất cả chúng ta.

Ghi chép của PHÚ HƯNG