Nguyễn Văn Báu sinh năm 1948, tình nguyện nhập ngũ năm 1965, biên chế vào Tiểu đoàn 20, Sư đoàn 320B.
Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, ông được cử đi đào tạo y tá. Kết thúc khóa học 6 tháng, ông bắt đầu hành trình gắn bó với ngành quân y.
Tháng 1-1967, Nguyễn Văn Báu nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ở miền Nam, được phân công về đơn vị chiến đấu cấp trung đội thuộc Tiểu đoàn Pháo binh 107 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 320B). Những năm tháng đó, ông trực tiếp chiến đấu, cùng Tiểu đoàn Pháo binh 107 phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bộ binh và đặc công, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy hơn 100 phương tiện chiến tranh, trong đó có nhiều máy bay và xe tăng của Mỹ. Nổi bật là trận đánh vào thung lũng Tà Ma-Sông Re (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) tháng 7-1967.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Báu nhớ lại: “Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 16-7-1967, địch giội đạn pháo và cho máy bay ném bom vào thung lũng Tà Ma-Sông Re. Đến khoảng 8 giờ thì chúng đổ quân xuống thung lũng. Ta đã có kế hoạch ém quân sẵn nên khi máy bay địch vừa tiếp đất đổ quân thì các loại hỏa lực phòng không, bộ binh của ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Tôi cùng với tổ quân y và các dân công được địa phương tăng cường cho đơn vị tổ chức sơ cứu, băng bó, đưa người bị thương về tuyến sau”...
Trong trận đánh thung lũng Tà Ma-Sông Re, đồng chí Nguyễn Văn Báu bị thương nặng. Vết thương ở đầu buộc ông phải tạm nghỉ dưỡng. Ngay sau khi điều trị hồi phục, sức khỏe tương đối ổn định, ông xin trở lại chiến trường, tiếp tục công việc cứu chữa thương binh, bệnh binh và sát cánh cùng đồng đội.
|
|
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Báu. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Tháng 2-1970, trong một lần vào khu vực phẫu thuật thăm bệnh nhân, quân y Nguyễn Văn Báu phát hiện thương binh Nguyễn Văn Quyết trong tình trạng nguy kịch do sốt rét ác tính, tiên lượng xấu.
“Quyết lúc ấy rất yếu, thân hình gầy gò, mắt nhắm nghiền vì sốt cao, da tái nhợt, hơi thở yếu ớt. Mọi người đều cảm thấy đã hết hy vọng, song tôi quyết tâm “còn nước, còn tát”, tìm cách để cứu sống Quyết. Tôi quyết định áp dụng một giải pháp táo bạo: Tiêm trực tiếp 3 loại thuốc sốt rét vào tĩnh mạch của Quyết và dùng nước dừa thay huyết thanh truyền cho Quyết. Suốt đêm hôm ấy, tôi không thể rời mắt khỏi Quyết. Căng thẳng, mệt mỏi nhưng không nản lòng. Sự kiên trì của tôi đã được đền đáp, Quyết dần hồi phục và sau đó trở lại chiến đấu cùng đồng đội”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Báu kể lại.
Do sức khỏe suy giảm, tháng 7-1974, sau khi đi giám định thương tật với kết luận thương binh hạng 3/4, ông Nguyễn Văn Báu nhận quyết định chuyển ngành về địa phương công tác. Hiện nay, ông là hội viên của Hội Cựu chiến binh xã Quang Trung, tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống và hoạt động cộng đồng.
MINH HỒNG