“Đầu năm 1950, tôi đang làm Trưởng ban Công tác chính trị, Bí thư Chi bộ Phòng Quân y (Liên khu Việt Bắc) thì được Trưởng phòng, bác sĩ Phạm Gia Lăng gọi lên cho biết Cục Quân y tuyển sinh quân y sĩ khóa 3 và động viên tôi làm đơn xin thi. Đúng thời gian quy định, tôi về dự thi, cố gắng làm bài tốt và đã trúng tuyển.

 Ngày ấy, Trường Quân y sĩ Việt Nam đóng quân ở xã Vô Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên). Do phải bàn giao công việc nên tôi được phép nhập trường muộn khoảng một tháng so với thông báo tập trung. Sau khi trình giấy tờ, đăng ký nhập học, tôi được dẫn xuống trung đội học viên do anh Uyên làm Trung đội trưởng. Đó là ngôi nhà tranh nứa, giường ngủ là một dãy sàn tre đủ cho hơn 20 người nằm. Trung đội trưởng Uyên cho biết đây là số học viên về chậm, phần nhiều từ Liên khu 3, 4 ở xa, đi lại khó khăn, đến muộn nên nhà trường xếp vào học chuyên môn triệu chứng học và nội khoa. 

Dạy chúng tôi lúc đó có các thầy: Nguyễn Thế Khánh, Vũ Kim Vinh, sau có thêm thầy Đặng Văn Ngữ ở Nhật Bản về, được trên cử đến nghiên cứu sản xuất nước lọc kháng sinh Penicilline điều trị cho thương binh. Ngoài ra còn một số sinh viên y khoa như các anh Huy Phan, Ngọc Phan, Hữu Mô và các anh đang công tác ở bệnh viện như Vũ Triệu An, anh Thanh, anh Ngọc Mô... phụ đạo giúp chúng tôi. Thời gian lên lớp không nhiều, chúng tôi chủ yếu tự học và sang bệnh viện thực hành. Tài liệu tham khảo chỉ có một bộ sách y khoa tiếng Pháp, học viên thay nhau đọc, chép để có tư liệu riêng. Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là các thầy rất nhiệt tình, gần gũi, hết mình giảng dạy và hướng dẫn học viên. Nhiều hôm trời mưa, từ nhà các thầy đến lớp không xa nhưng phải qua những con suối nhỏ và quãng đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Thầy Khánh, thầy Ngữ xách dép, chân đi đất lấm lem phải xuống suối rửa trước khi vào lớp. Cho tới nay, tôi vẫn nhớ những bài giảng rất sinh động, thực tiễn về ký sinh trùng, nhất là ký sinh trùng sốt rét của thầy Ngữ. Với thầy Khánh, tôi vừa cảm phục vừa ngỡ ngàng khi thầy mổ cắt đoạn dạ dày cho một bệnh nhân mà chúng tôi được kiến tập. Mặc dù thầy chuyên về nội khoa nhưng đường dao, mũi kéo không chê được. 

leftcenterrightdel
 ThIếu tướng Nguyễn Tụ. Ảnh: BẢO MINH

Đầu năm 1951, sau khi lực lượng đi phục vụ các chiến dịch về, cả khóa tập trung và bắt đầu vào học chương trình chính khóa. Chúng tôi được chia thành 3 trung đội, cả khóa được tổ chức thành một chi bộ thuộc liên chi bộ nhà trường, số học viên lên tới hơn 100 người. Đại đội trưởng của chúng tôi là anh Đoàn Liên Thanh đã tốt nghiệp sĩ quan lục quân ở Trung Quốc. Sau này anh cũng thi vào trường y, tốt nghiệp bác sĩ và kết hôn với chị Du, quân y sĩ khóa 2.

Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn phản công và tiến công. Mọi nguồn lực của đất nước phải tập trung cho tiền tuyến nên sinh hoạt, học tập ở nhà trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi phải tự túc sửa chữa nơi ăn ở, sách vở học tập... Nhà trường chỉ bảo đảm được bữa ăn trưa và tối, thức ăn phần lớn là lạc xào và canh rau tự tăng gia, thỉnh thoảng mới có bữa thịt hoặc cá. Bát đũa cá nhân phải tự túc, người bát sứ, người bát sắt, người bát nhựa, thôi thì đủ các chủng loại, chỉ có đũa tre là tương đối thống nhất. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đời sống tinh thần, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, giao lưu thi đua giữa các trung đội vẫn rất sôi nổi và đều đặn. Chúng tôi còn tổ chức được Hiệu đoàn sinh viên do anh Nguyễn Văn Hồ làm Hiệu đoàn trưởng. Các buổi chiều, trừ số học viên trực bệnh viện, còn lại thay phiên nhau đi tăng gia sản xuất, học hát, đánh bóng chuyền và còn tập nhảy “Quốc tế vũ”...

Chương trình đào tạo khóa 3 chúng tôi chủ yếu dựa vào nội dung dạy của Trường Y khoa Đông Dương của Pháp trước đây. Rút kinh nghiệm khóa trước, để kịp thời có cán bộ quân y phục vụ bộ đội chiến đấu, theo chỉ đạo của Cục Quân y, căn cứ vào thực tiễn yêu cầu của chiến trường, nhân viên y tế phải làm được ngay những thủ thuật để cứu chữa thương, bệnh binh. Vì vậy, nhà trường ưu tiên dạy trước, học trước các môn phục vụ cho cấp cứu ngoại khoa chiến tranh. Chúng tôi được học triệu chứng học gắn với sinh lý, bệnh học nội khoa, điều trị học và cách phòng các bệnh phổ biến, kết hợp với thực hành bên bệnh viện. Trang thiết bị dạy học quá thiếu thốn, chúng tôi phải đi xin những bộ xương người vô thừa nhận về xử lý để học tập. Một số hình ảnh mặt cắt ngang các đoạn chi và những bài giảng quan trọng, nhà trường động viên số học viên viết chữ đẹp, biết vẽ được miễn tăng gia sản xuất để lên giáo vụ viết, vẽ trên đá để in li-tô phát cho các tiểu đội học viên... Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tinh thần ham học của học viên và nhiệt huyết “tất cả vì học viên” của các thầy, nhất là của các anh phụ đạo thì không gì sánh nổi. Tôi còn nhớ khi đi thực hành bên bệnh viện có bệnh nhân lao, nghe phổi có tiếng thổi hang (souffle caverneux) hiếm gặp. Do học viên đông, chưa nghe được hoặc nghe chưa rõ nên ngoài giờ học, thậm chí vào buổi tối trực, nhiều anh chị phụ đạo lặng lẽ vừa động viên, vừa kiên trì đề nghị bệnh nhân đồng ý cho học viên nghe lại. Nhiều người mượn hoặc có khi giấu những chiếc xương ở lớp mang về để tìm hiểu, học kỹ hơn. Với các thầy từ Hà Nội ra kháng chiến đều mang theo gia đình và họ cũng phải học cách thích nghi với điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Thật cảm động khi chúng tôi được biết, có hôm thầy Huấn phải ăn cháo loãng rồi đi dạy học cả ngày!

leftcenterrightdel

Giờ học của học viên Trường Quân y sĩ Việt Nam, năm 1949. Ảnh tư liệu 

Những nỗ lực của thầy và trò Trường Quân y sĩ Việt Nam chúng tôi đã được ghi nhận. Năm 1951, hội nghị do Cục Quân y tổ chức đã quyết định nhiều nội dung quan trọng trong xây dựng ngành quân y cách mạng. Sau nhiều năm miệt mài, tìm tòi, nghiên cứu, thầy Đỗ Xuân Hợp đã hoàn thành biên soạn cuốn “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa”; thầy Nguyễn Trinh Cơ hoàn thành cuốn “Những điều cần biết về phẫu thuật trong chiến tranh” cho đối tượng cán bộ quân y các chiến trường. Những cuốn sách chuyên môn đầu tiên ấy thể hiện tính ưu việt của nền giáo dục Việt Nam độc lập. Cuốn sách của thầy Hợp đã được Bác Hồ khen và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Còn đối với cá nhân tôi, sau khi hoàn thành khóa học, tôi được phân công về Phòng Quân y Đại đoàn 316. Ngay cuối năm 1952, trong Chiến dịch Tây Bắc, tôi đi với Đại đoàn bộ và một trung đoàn vào đánh khu Quang Huy-Phù Yên, rồi nhanh chóng phát triển theo hướng đi Tạ Khoa (Sơn La), tiêu diệt, bức rút các đồn bốt địch trên tuyến hành lang dọc Đường 41 (nay là Quốc lộ 6). Chúng tôi có khoảng 20 thương binh trong đợt này. Sau khi phân loại, điều trị tại chỗ một số thương binh, số còn lại bàn giao cho đội điều trị của Cục Quân y ở phía sau. Tôi nhớ có một hôm, đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp chiến dịch đến kiểm tra bếp nấu ăn cho thương binh của Đội điều trị Đại đoàn 316 chúng tôi, thấy anh cấp dưỡng đang lúng túng chuẩn bị món trứng tráng, thủ trưởng xắn tay làm thị phạm ngay cho anh. Thật ngưỡng mộ!

Thế rồi các chiến dịch cứ nối tiếp nhau, tôi cũng dần trưởng thành trong chuyên môn. Quên sao được cao điểm của đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chỉ trong ngày 30 và 31-3, đội của tôi phải tiếp nhận đến cả nghìn thương binh. Các chiến sĩ quân y “quay như chong chóng” nhưng ai cũng cố gắng hết sức để giành giật sự sống cho đồng đội. Ngoài ra, còn bao trải nghiệm không thể quên trong 10 năm lăn lộn trên chiến trường Tây Nguyên kham khổ, ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cương vị là Chủ nhiệm Quân y Mặt trận Tây Nguyên, tôi đã cùng với hàng trăm chiến sĩ áo trắng nỗ lực, tích cực thực hiện mọi nhiệm vụ để có thể trở về, tiếp tục cống hiến, tham gia đào tạo các lớp học viên quân y sau này. Nhìn lại hành trình đã đi qua, tôi luôn cảm ơn những tháng ngày được học tập tại Trường Quân y sĩ Việt Nam-nơi đã xây những nền móng đầu tiên, cho tôi kiến thức cơ bản để có thể tự tin vững bước trên con đường mình chọn”.

Thiếu tướng NGUYỄN TỤ (kể), THANH TUẤN (ghi)