Chỉ nghe thế là cả đoàn hào hứng đồng tình! Chúng tôi lên ô tô hăm hở ngược hướng núi Ba Hòn, chạy chừng một giờ đồng hồ thì tới trụ sở UBND xã Sơn Hải nằm bên mép hồ Cấm Sơn. Sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do, mục đích, đồng chí Hoàng Văn Phoòng, Phó chủ tịch UBND xã vui vẻ giới thiệu vắn tắt: “Cụ Giáp Trọng Kiên là niềm tự hào và kính trọng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân xã Sơn Hải và cả vùng hồ Cấm Sơn vốn trước đây chung một xã Ninh Sơn. Cụ tham gia cách mạng từ năm 1947, vào Đảng năm 1949; trưởng thành từ một giáo viên bình dân học vụ, Bí thư Xã đoàn, Trưởng công an xã... rồi Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã”.

leftcenterrightdel

Cụ Giáp Trọng Kiên (đeo kính đen) và đoàn nhà văn trên đập hồ Cấm Sơn. Ảnh: MINH BẮC

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, vùng Cấm Sơn trở thành khu vực đánh phá ác liệt của địch, vì nơi đây có tuyến đường sắt Hữu Nghị và Quốc lộ 1A là huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam; đồng thời có nhiều căn cứ hậu cần và kỹ thuật của Quân đội ta. Nhiệm vụ phòng không bảo vệ xóm làng và các công trình trên địa bàn hết sức quan trọng nên ông Giáp Trọng Kiên được cấp trên cử làm Xã đội trưởng, trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong hai năm 1965-1966, dân quân xã đã 5 lần truy bắt được 7 phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng Cấm Sơn. Từ năm 1974 đến khi nghỉ hưu vào năm 1987, ông là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải. Lúc đương chức cũng như sau ngày nghỉ hưu, ông luôn là tấm gương mẫu mực trong công tác, trong sinh hoạt đời thường, được cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc tín nhiệm, quý mến. Đặc biệt, với các thế hệ lãnh đạo xã, ông là “cố vấn” vô cùng nhiệt tình và tích cực...

Sau hơn một giờ đồng hồ đi thuyền máy ngược hồ Cấm Sơn, chúng tôi cập bến vào làng Tính, nơi “lão dân quân” Giáp Trọng Kiên đang sinh sống. Làng này trước khi có công trình đại thủy nông Cấm Sơn thì thuộc xã Ninh Sơn, sau này, do bị lòng hồ chia cắt nên từ năm 1970 thuộc xã Sơn Hải. Hiện nay, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính nên làng lại thuộc xã Cấm Sơn, qua các thời kỳ vẫn giữ nguyên tên gọi. Đã được báo trước nên cụ Kiên ra tận bến tàu đón chúng tôi. Trái ngược với hình dung của tôi về một cụ già 94 tuổi, cụ Giáp Trọng Kiên lên xuống mấy chục bậc dốc bến thoăn thoắt, hồ hởi bắt tay từng người, cười nói rổn rảng. Chủ và khách quây quần bên chiếc bàn uống nước kê dưới gốc cổ thụ trước sân nhà. Sau phần giới thiệu các thành viên và nêu nguyện vọng của đoàn, chúng tôi vừa mở sổ tay ghi chép thì bất ngờ được cụ “phỏng vấn” luôn:

- Các chú có biết tại sao tàu bay Mỹ lại bị “rụng” nhiều ở vùng Cấm Sơn-Lục Ngạn không?

Tôi dè dặt trả lời dựa trên những tài liệu tìm hiểu được trước khi đến đây, rằng là địa bàn chiến lược, có nhiều mục tiêu quan trọng, do sức mạnh các lực lượng phòng không của ta... Cụ Kiên chăm chú lắng nghe rồi khoát tay:

- Đúng, nhưng chưa đủ! Tàu bay Mỹ từ biển vào hoặc từ Thái Lan sang, đến đây thường dựa vào dãy núi vòng cung Đông Triều để định hướng và tránh tên lửa nên thường bay rất thấp, gầm rú kinh hoàng. Bay thấp thì “xơi” đạn cao xạ tầm thấp của bộ đội và dân quân thôi. Khà khà khà...

Nhân đà, tôi cũng hỏi vui: “Vậy khi bắt phi công, cụ nói với chúng bằng tiếng Tày hay tiếng Nùng?”.

Cụ Kiên cười sảng khoái:

- Ta hô bằng tiếng Pháp: “Hô-lê-manh!”. Thế mà chúng cũng hiểu, giơ cả hai tay lên trời. Câu này là ta học theo anh Hoàng Đăng Vinh bắt sống tướng De Castries trong sách tập đọc của mấy đứa trẻ. Còn “gâu-ôm” và “xít-tốp” thì Huyện đội dạy cho để áp giải phi công. “Gâu-ôm” là “đi”! “Xít-tốp” là “dừng lại”! Mấy cái tiếng nước ngoài này dễ hô, dễ nhớ thôi mà...

leftcenterrightdel

Từ Thần sấm xuống xe trâu - tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước (trong ảnh: Giặc lái Mỹ bị quân dân Lục Ngạn, Bắc Giang bắt năm 1966). Ảnh: VĂN BẢO 

Đợi cho mấy cô bạn đồng nghiệp trong đoàn xong trận cười nghiêng ngả, tôi hỏi tiếp:

- Thưa cụ, trong 5 lần chỉ huy dân quân truy bắt 7 phi công Mỹ, cụ nhớ nhất là lần nào?

- Lần nào cũng nhớ nhất. Chẳng hạn cái hôm 5-10-1965, đồng chí dân quân Trương Văn Tường được cử đi học lớp cảm tình Đảng trên huyện, về giữa đường thì gặp lúc đơn vị đang cơ động truy kích phi công Mỹ nhảy dù xuống khu rừng Đồng Tam, thế là Tường vác đòn gánh mượn của nhà dân bên đường, gia nhập luôn. Khi phát hiện tên phi công nấp trong lùm cây, tay nó lăm lăm khẩu súng ngắn, mọi người đang chần chừ tìm cách tiếp cận thì Trương Văn Tường vung đòn gánh xông lên, hô: “Xung phong!”. Tất cả giương súng ào theo. Tên phi công hốt hoảng quăng súng kêu cứu rối rít. Cứ trói giật cánh khuỷu thật chặt vào, rồi tháo dây buộc giày ra thì có mà chạy đằng trời. Chiêu này cũng là do Huyện đội bày cho đấy! Khà khà... Hoặc như hôm bắt được tên phi công gãy chân ở Đồng Vàng, đang chẳng có cách gì để áp giải cái thân hình ục ịch của hắn về huyện, thì vừa lúc có người đánh xe trâu chở gỗ ngang qua. Thế là hè nhau vứt gỗ xuống vệ đường, vần hắn lên xe trâu, dong về huyện, qua làng nào là trẻ con hùa nhau đuổi theo reo hò ầm ĩ, vui đáo để. Khà khà...

leftcenterrightdel

 Tác giả và cụ Giáp Trọng Kiên (bên trái) trên hồ Cấm Sơn. Ảnh: MINH BẮC

Vừa lúc ấy, cụ bà bưng rá khoai luộc từ dưới bếp lên xởi lởi mời khách. Anh con trai út đang ở cùng ông bà giới thiệu: “Mẹ em cùng tuổi với bố em đấy!”. Mọi người lại xuýt xoa khen cụ bà đẹp lão, khen hai cụ đẹp đôi. “Cụ ơi, hai cụ có bí quyết gì mà vui khỏe, hạnh phúc như này bày cho tụi con với?”. Được khen, cụ bà “xấu hổ” lui xuống bếp, còn cụ ông trông càng tươi tỉnh, hoạt bát hơn:

- Khà khà khà... Các cô, các chú xơi khoai đi! Để ta đọc cho các cô, chú nghe bài thơ “Còn duyên” của ta vừa được Câu lạc bộ Thơ làng Tính chấm giải nhất nhé:

           Trái tim nhiệt huyết nghĩa tình

     Già rồi, chớ để cho mình vô duyên

          Nhớ thời trai trẻ tráng niên

     Cái duyên thuở ấy, khác duyên bây giờ

           Mắt mờ cũng chớ làm ngơ

     Tâm tư tình cảm nhờ thơ tỏ lòng

           Già thì tâm lực bất đồng

     Sống cùng con cháu, vui chung cửa nhà

           Nêu gương, mẫu mực, thuận hòa

     Mọi người quý mến, ấy là còn duyên!

MAI NAM THẮNG