Tuyến chi viện chiến lược mang tên Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ra đời cách đây 64 năm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta cũng đã kết thúc cách đây gần nửa thế kỷ, vậy mà kỳ tích về con đường huyền thoại này vẫn tiếp tục được nhiều chính khách, tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo... nước ngoài nghiên cứu giải mã về sức sống mãnh liệt của con đường trước mưa bom, bão đạn của Mỹ, cũng như sự sáng tạo độc đáo trong việc vận dụng nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật nghi binh.

Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận những con đường hành quân huyền thoại như con đường vượt dãy Pyrenees của tướng Hannibal để đánh bại người La Mã thời kỳ trước Công nguyên; con đường 10.000 cây số của Alexandros, Hoàng đế Vương quốc Macedonia chinh phục Ấn Độ; con đường của 43.000 quân Napoleon vượt qua dãy núi Alps bão tuyết tiến vào Italy... Thế nhưng, chưa có con đường nào trên thế giới lại so sánh được về mặt tầm vóc, hiệu quả và ý nghĩa với tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn.

Nhà báo người Pháp Jacques C.Despuech, tác giả cuốn “Cuộc tấn công ngày Chúa lên trời”, từng ở Việt Nam trong nhiều năm khi Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, đã nhận xét: “Con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục nghìn ki-lô-mét bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam... Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể, mà nó là con đường dân tộc, con đường của tâm linh, nên có sức bền vững diệu kỳ...”.

Có một thực tế là các học giả nước ngoài nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của Quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu thì chắc chắn sẽ không giải mã nổi sức mạnh Trường Sơn.

leftcenterrightdel

 Trung đoàn 98, Bộ tư lệnh 559 (nay là Binh đoàn 12) anh hùng mở đường cơ giới Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc ta, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ra đời ngày 19-5-1959. Từ những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, các lực lượng: Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000km, gồm 5 trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, hệ thống đường vòng tránh, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng... tạo thành một thế trận đường chiến lược xuyên Bắc-Nam, đi qua các nước bạn Lào, Campuchia, vươn tới các chiến trường, các địa phương một cách liên hoàn, đồng bộ, thông suốt, bắt kịp thời cơ “thần tốc” mở đường, đáp ứng yêu cầu vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam.

Từ phương thức hoạt động phòng tránh bị động, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tiến tới phòng tránh tích cực với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Từ vận tải chủ yếu vào ban đêm để tránh địch phát hiện, đánh phá, Bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang vận chuyển cả ban ngày trên hàng nghìn ki-lô-mét “đường kín”, được bao bọc bởi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ-đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Bộ đội Trường Sơn.

Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện, căn cứ chiến lược mà còn là một hướng chiến trường trọng yếu, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Từ năm 1959 đến năm 1975, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng trăm phương nghìn kế hòng cắt đứt tuyến đường, chia cắt hậu phương với các chiến trường. Chúng đã biến Trường Sơn thành trọng điểm đánh phá, là chiến trường thực nghiệm các chiến lược như “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh hóa học”, với đủ loại vũ khí, thiết bị, phương tiện chiến tranh tối tân. Đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã phải hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, cùng hàng chục triệu lít chất độc hóa học do địch trút xuống. Hơn thế nữa, Mỹ-ngụy còn huy động số lượng lớn binh lực và phương tiện chiến tranh, tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Thế nhưng, đường Trường Sơn không những không bị hủy diệt mà ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng bảo đảm đưa các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của ta vào chiến trường để làm nên Đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (tháng 5-2019), Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã khẳng định: “Chiến công của Bộ đội Trường Sơn cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã làm cho Đường Hồ Chí Minh trở nên huyền thoại, là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Huyền thoại đó được viết nên bằng xương máu của hơn 2 vạn liệt sĩ, hơn 3 vạn thương binh, cùng mồ hôi, công sức, tuổi thanh xuân của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn”.

Góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh Trường Sơn phải kể đến sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ. Những cơ quan báo chí của Trung ương thời đó đều cử các phóng viên vào Trường Sơn. Bộ tư lệnh Trường Sơn có hẳn một tờ báo mang tên Trường Sơn. Báo chí thời đó đã góp phần lan tỏa khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn với các tác phẩm văn học-nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ đã trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn-Bộ đội Cụ Hồ. Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng, nhiều trường ca ca ngợi, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh. Chính sự đa dạng của các loại hình văn học-nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa và thương hiệu báo chí, văn nghệ sĩ Trường Sơn.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Những cống hiến lớn lao, hy sinh cao cả của Bộ đội Trường Sơn thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi công những người lính Trường Sơn cùng biết bao thanh niên xung phong, dân công gái trai, các văn nghệ sĩ... đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của Đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh Mỹ”.

Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại. Sức mạnh đó vẫn còn lan tỏa cho đến hôm nay và mai sau.   

ĐỖ PHÚ THỌ