Vào mùa xuân năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), Nguyễn Công Cơ được vua Lê giao làm Chánh sứ, dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh tuế cống. Có thể nói, thời gian này, vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương đặt trọn niềm tin vào tài năng ngoại giao của quan đại thần Nguyễn Công Cơ. Chính vì vậy, đến ngày khởi hành, nhà vua đích thân tiễn đoàn và ngự ban cho Nguyễn Công Cơ một bài thơ Đường luật. Bài thơ hiện còn được ghi ở nhà thờ Nguyễn Công Cơ tại Xuân Đỉnh (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Nội dung như sau (dịch nghĩa): Phất áo hương bay trượng nghĩa lành/ Chí xưa phiêu bạt thuở bình sinh/ Hai vai trọng trách sang trời Bắc/ Muôn dặm gian nan vó ngựa khinh/ Non sông gấm vóc nào đâu sánh/ Sương tuyết dạn dày nghĩa trung trinh/ Việc lớn nước nhà tròn sứ mệnh/ Đường trường rộn rã khúc ca nghênh.

Mồng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi 1715, đoàn sứ bộ nước ta do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu đặt chân lên địa giới của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Theo “Sứ trình nhật lục”, Nguyễn Công Cơ ghi chép lại: Khi đoàn xe tạm dừng chân nghỉ ở phía trước một khu miếu cổ, đoàn định vào miếu thắp hương thì bị người canh miếu ngăn lại, không cho vào. Nguyên do là ngôi miếu này do hai anh em Phùng tướng quân, chức Tổng đốc (Đốc bộ) đại thần tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Tuần phủ Chiết Giang xây dựng lên để thờ người thầy dạy của họ lúc nhỏ ở nước Việt. Hằng năm, vào mồng 6 tháng Giêng, người trông coi miếu chuẩn bị đầy đủ lễ tam sinh để kỷ niệm sinh nhật thầy. Người canh miếu cũng khuyên Nguyễn Công Cơ nên ở lại để dự tuần tiết này.

Đoàn sứ bộ đồng ý ở lại thêm một ngày nữa. Sáng hôm sau, khi đoàn sứ chuẩn bị lên đường đi tiếp thì bất ngờ nhận được thông báo có quan Tổng đốc đại thần tới thăm. Khác hẳn với vẻ oai phong lẫm liệt trong buổi làm lễ nhớ ơn thầy ngày hôm trước, vị đại thần bước xuống xe ngựa, từ xa đi bộ vào quán sứ. Sau lễ chào hỏi, trò chuyện thân tình, Nguyễn Công Cơ mới nhận ra hai vị đại thần xây ngôi miếu thờ thầy chính là hai người học trò cũ của mình năm xưa.

Hai người học trò này là con của thương khách từng có thời gian làm ăn buôn bán ở kinh đô nước Việt. Sau khi về nước, họ tiếp tục học lên cao rồi thi đỗ Tiến sĩ. Họ tâm niệm rằng, sự thành đạt ngày hôm nay một phần lớn do công lao dạy dỗ của người thầy ở phương Nam xa xôi nên đã dựng miếu thờ, vào ngày sinh của thầy hằng năm đều tiến hành lễ tế, cung kính thờ phụng để tỏ lòng biết ơn.

Sau giờ phút thầy trò gặp mặt đầy cảm động, Nguyễn Công Cơ ân cần hỏi thăm về người em và gia đình vị đại quan Trung Quốc thì được biết, người em cũng học thành tài và hiện đang giữ chức Tuần phủ Chiết Giang, tối hôm trước có đến miếu làm lễ cung kính thờ thầy, nhưng vì có việc triều đình gấp nên đã phụng mệnh vua, ra xe về ngay trong đêm.

Vị quan cũng trình bày với Nguyễn Công Cơ rằng: Họ đã đệ công hàm về sứ bộ lên kinh đô, đồng thời ra lệnh cho thợ mộc trong toàn tỉnh xây dựng gấp một ngôi nhà để tiếp đón thầy và xin thầy lưu lại thêm một thời gian. Đến hẹn, quan đại thần Đốc bộ cùng cha mình đến đón thầy. Nghi thức tiếp đón thật trang nghiêm, long trọng. Khi đến nơi, Nguyễn Công Cơ nhận thấy sự bài trí của ngôi nhà toát lên vẻ kính trọng.

Đặc biệt có tấm biển lớn treo trên ngạch cửa được đính hai chữ lớn “Kiến thiên” bằng vàng lá. Sau khi yên vị, quan Đốc bộ đưa phu nhân và con trưởng, con thứ, tất cả gồm 5 người, hướng lên thượng tọa cúi mình bái lạy thầy. Thủ tục đón tiếp xong xuôi, quan Đốc bộ dẫn Nguyễn Công Cơ đi dự tiệc ở bên trong tòa đường. Tiệc tan, quan Đốc bộ vái lạy thầy rồi cáo lui.

leftcenterrightdel

Nhân dân phường Xuân Đỉnh (Hà Nội) tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Công Cơ, năm 2023. Ảnh: THÁI PHƯƠNG 

Sáng hôm sau, quan Tuần phủ Chiết Giang đến yết kiến thầy. Nguyễn Công Cơ rất vui mừng. Ông lưu lại nơi đây vài ngày, sau đó lên đường tới kinh đô. Cuộc đưa tiễn sứ bộ được các học trò chuẩn bị chu đáo...

Câu chuyện ghi lại trong “Sứ trình nhật lục” cho thấy việc gặp lại hai người học trò cũ, nay đã là quan đại thần của triều đình nhà Thanh, xảy ra ở khu vực tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Chúng ta không biết gì thêm về lịch trình của đoàn sứ bộ qua nhiều địa phương Trung Quốc cụ thể như thế nào. Chỉ biết khi đến Yên Kinh, Nguyễn Công Cơ đã dùng lý lẽ sắc sảo đối đáp với vua quan nhà Thanh, lại được một số học trò cũ về nước làm quan mách bảo một số việc nên ông nắm khá chắc tình hình triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ và tìm cách đấu tranh có tình có lý, buộc vua nhà Thanh phải chấp nhận bãi bỏ lệ cống ngà voi, sừng tê và hình nộm bằng vàng như trước đây; đồng thời đòi được nộp cống ở biên giới hai nước, giảm bớt công sức đường xa khó nhọc cho sứ thần nước ta như những năm trước phải mang đồ tuế cống về tận Yên Kinh cống nộp.

Như vậy, có thể khẳng định, chuyến đi sứ của Nguyễn Công Cơ thành công mỹ mãn. Xét về thời gian, đoàn đi sứ mất gần hai năm (từ tháng Giêng năm 1715 đến tháng Tám năm 1716), khoảng thời gian rất ngắn so với nhiều đoàn đi sứ trước đó. Trong quá trình đi không có chuyện gì cản trở hay gặp phiền phức như ta thường thấy với nhiều đoàn đi sứ trong lịch sử. Những đề đạt về miễn giảm lễ vật tuế cống, địa điểm giao nộp lễ vật đều được nhà Thanh chấp nhận đúng theo nguyện vọng của nước ta.

Đây thực sự là công lao lớn của đoàn đi sứ do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu. Cũng may mắn là ông có cơ duyên gặp lại một số học trò cũ nay đã là quan đại thần của triều đình nhà Thanh. Điều chắc chắn là họ đã giúp đỡ ông rất nhiều, để trên đường đi đoàn của ông luôn gặp thuận lợi. Mặt khác, họ là những người hơn ai hết hiểu rất rõ tình hình triều đình nhà Thanh nên đã “chỉ đường dẫn lối” cho thầy của mình có cách đề ra phương sách ngoại giao thích hợp. Hơn nữa, đoàn đi sứ lại gồm toàn những bậc từng đỗ đại khoa, thông minh tuấn kiệt như Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Mậu Áng... với khả năng giao tiếp, ứng phó thông minh, sắc sảo.

Do có những đóng góp lớn lao cho đất nước, Nguyễn Công Cơ được triều đình Lê-Trịnh khen thưởng rất hậu, các vị quần thần đối với ông cũng mang lòng nể trọng. Cũng năm đó, Nguyễn Công Cơ còn được giao giữ chức coi tuyển khoa thi Hoành từ. Và theo lệ thăng thưởng, ông tham gia xét hơn một nghìn viên quan làm việc được xứng chức... Ở công việc nào ông cũng hết lòng, tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ. Thật xứng là bậc danh thần của một thời!

TRẦN ANH THÁI