Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu thành tựu của triết học, tâm lý học, xã hội học... Karl Marx và Friedrich Engels đã có những quan niệm khoa học về thi đua, coi đó là công việc tất yếu khách quan trong quá trình lao động, không chỉ đóng vai trò hoàn thiện nhân cách của cá nhân, cộng đồng mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội. V.I.Lenin quan niệm thi đua không chỉ là đòn bẩy của phát triển kinh tế-xã hội mà còn là cách thức xây dựng bộ máy cán bộ của Đảng và Nhà nước vì trong quá trình thi đua sẽ phát hiện những người đức độ, có thực tài để đưa vào bộ máy quản lý. Thực tế đã chứng minh, các quan niệm ấy hoàn toàn đúng đắn. Thi đua không chỉ tạo ra tính hiệu quả mà còn thể hiện tính nhân văn cách mạng.

Nhìn vào lịch sử nước nhà, tính thi đua thể hiện rõ nhất trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Thành ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà”, hiểu theo nghĩa đen là tiếng của lệnh (một nhạc khí thuộc bộ gõ) không to bằng tiếng cồng; nghĩa bóng chỉ vai trò, quyền hạn của người vợ/phụ nữ lớn hơn người chồng/đàn ông. Thành ngữ này có xuất xứ từ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống giặc phương Bắc năm 248. Để chiêu mộ binh lính, người anh Triệu Quốc Đạt dùng lệnh lại không hiệu quả bằng người em Triệu Thị Trinh dùng cồng. Bản thân sự kiện này cho thấy, giữa hai thủ lĩnh đã ngầm có sự thi đua. Đến thời Trần, hòa vào hào khí Đông A mạnh mẽ, các tướng lĩnh nhà Trần rất biết cách khơi lên ở quân lính tinh thần thi đua giết giặc. Tướng sĩ đua nhau khắc lên người hai chữ “sát Thát” (giết giặc Mông Cổ). Bản chất của Hội nghị Bình Than (1282) cũng mang tính thi đua nên Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi không được vào dự mà “hổ thẹn, phấn khích” bóp nát quả cam vua ban. Người anh hùng trẻ tuổi bèn trở về chiêu mộ quân binh, tự mình làm tướng xông ra trận tiền đuổi giặc... Binh pháp cổ có thuật khích tướng, thực chất cũng là một cách khơi gợi sự thi đua của tướng sĩ. Ngày nay, bất kỳ ở đâu, trước một quá trình lao động sản xuất cũng đề ra mục đích, chỉ tiêu, về thực chất cũng là thi đua, ít nhất là với chính mình.

Như vậy, thi đua-đúng với định nghĩa “cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác hoặc học tập” (Viện Ngôn ngữ, “Từ điển tiếng Việt”, Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2003)-sẽ là một tất yếu của bất kỳ cuộc cách mạng nào. Dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác, thi đua ở chế độ xã hội dân chủ sẽ có quy mô lớn, mức độ lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng xã hội cao.

leftcenterrightdel

Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (tháng 12-1966). Ảnh tư liệu

Trở lại với nội dung văn bản thì tên tiêu đề Lời kêu gọi thi đua ái quốc thể hiện rõ quan điểm thi đua là yêu nước. Phù hợp với tính chất trang trọng của lời kêu gọi toàn dân nên Bác dùng từ “ái quốc”. Cả văn bản, 4 chữ “thi đua ái quốc” xuất hiện 5 lần với tư cách danh từ chỉ cuộc vận động nhưng hai từ “thi đua” (là động từ) gần như được Việt hóa thì xuất hiện tới 14 lần. Tác giả rất chú ý đặt động từ này giữa các danh từ hoặc sau danh từ chủ ngữ, vừa tạo ra sự sinh động, mạnh mẽ của mạch văn, vừa dễ hình dung ra sự thi đua giữa các chủ thể (thi đua): “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu...”; “Đồng bào công nông thi đua...”. Các câu này được sắp xếp theo lối trùng điệp, trùng điệp kết cấu, trùng điệp chủ ngữ danh từ, câu nọ gối vào câu kia gợi ra hình ảnh những đoàn người hừng hực khí thế trên con đường thi đua. Ngay cách sử dụng ngôn từ cũng cho thấy tinh thần coi trọng thực tiễn, đề cao tính hiệu quả trong hoạt động của Bác Hồ, nhất là phù hợp với phương châm cuộc vận động này là: “Làm cho mau/ Làm cho tốt/ Làm cho nhiều”.

Mục đích được nói rõ và đặt ngay ở mở đầu văn bản để nhấn mạnh, khơi gợi, lôi cuốn là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Xin được nói thêm, thế giới ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong, giặc ngoài, rồi lại bước vào kháng chiến muôn vàn gian nan nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, thương dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào. Thế nên trong văn bản này, sau khi nêu “Cách làm” là dựa vào dân thì vẫn là mục đích “để gây: Hạnh phúc của dân”. Như vậy, điều quan tâm lớn nhất của Bác Hồ ở thời điểm này và suốt cuộc đời Bác vẫn làm là mang lại hạnh phúc cho dân, tức dân có ăn (thì phải diệt giặc đói), có học (phải diệt giặc dốt) và tự do (phải diệt giặc ngoại xâm). Đây cũng chính là “kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc” là: “Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc/ Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết...”. Như vậy, mục đích cũng chính là kết quả. Ở phần “Mục đích”, các động từ mạnh được đặt ở đầu câu để khẳng định, nhắc nhở. Thì ra cái ý thật rõ ràng: Mục đích phải gắn liền, phải đi đôi với hành động. Triết học Hồ Chí Minh là triết học hành động là như vậy. Còn kết quả gắn liền với hưởng thụ. Ai hưởng thụ? Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết... Ngôn ngữ là tư tưởng. Ngôn ngữ cũng là nhân cách, là trí tuệ. Tuyệt vời nhân văn, cực kỳ tinh tế, sâu sắc mà rất giản dị. Đó là Bác Hồ!

Một văn kiện vô giá sẽ mở ra cả một thời đại. Lời kêu gọi thi đua ái quốc là một văn bản như thế. Mở ra một đường lối: “Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến”. Mở ra một chiến lược: “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Mở ra một viễn cảnh tươi sáng: “Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc”. Mở ra cả một chân trời niềm tin cho cả dân tộc: “Chúng ta nhất định thắng lợi”...

Thực tiễn đã chứng minh sức sống lịch sử, sức sống thời đại của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta thắng lợi vẻ vang là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động các phong trào thi đua yêu nước đúng đối tượng, đúng thời điểm. Đó là thi đua thực hiện các khẩu hiệu: Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương; Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta

nhất định thắng, địch nhất định thua... Đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” (ngày 26-1-1961), các cuộc thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức. Trong nông nghiệp là phong trào “Gió Đại Phong” thi đua với Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); trong công nghiệp thi đua “Sóng Duyên Hải” với Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); trong Quân đội có phong trào “Ba nhất” thi đua với Đại đội 2, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, Sư đoàn 304 (Đoàn Vinh Quang); trong giáo dục có thi đua “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) theo tấm gương Trường cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam)... Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, cả miền Bắc đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Tay búa, tay súng”; “Ba sẵn sàng”; “Năm xung phong”; “Ba đảm đang”... Ở miền Nam có các phong trào thi đua: “Bám đất giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không rời”; “Giết giặc lập công”...

Như vậy, thi đua là những làn sóng, những cơn gió mạnh thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, khơi dậy ở mọi người ý chí, quyết tâm, tinh thần sáng tạo, chủ động để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Làm việc lớn cần đến động lực lớn. Thi đua sẽ tạo ra những động lực ấy!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ