Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh, Chính ủy Quân đoàn 3 về hoạt động tham gia xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Phóng viên (PV): Chúng tôi được biết, trong hơn 35 năm qua, Quân đoàn 3 đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, vậy biện pháp và kết quả cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ này của Quân đoàn như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh: Quân đoàn 3 thành lập ngày 26-3-1975. Quân đoàn có nhiều đơn vị từng chiến đấu, công tác ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và lập nhiều chiến công xuất sắc. Sau khi cơ động tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, năm 1987, toàn Quân đoàn hành quân trở lại Tây Nguyên, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ khi về đứng chân trên địa bàn 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Bình Định, nhất là những ngày đầu trở lại Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khi đó cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đời sống của cán bộ, nhân dân khó khăn, thiếu thốn. Địa bàn Tây Nguyên rộng lớn, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, xác định các biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp. Một mặt, Quân đoàn tập trung ổn định nơi ăn ở; nắm chắc tình hình tư tưởng và giáo dục bộ đội nhận thức tốt nhiệm vụ; tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao. Mặt khác, Quân đoàn xác định phải bám cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các địa phương để nắm tình hình; tham gia giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Quân đoàn đã lựa chọn cán bộ, chiến sĩ, thành lập các đội, tổ công tác đến nhiều làng, bản, xã để nắm tình hình, giúp các địa phương, vận động đồng bào, người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; triệt phá các cơ sở, tổ chức phản cách mạng...

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh.

Vận dụng những kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi trở lại Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); “4 bám” (bám nghị quyết của Đảng bộ các cấp, bám địa bàn, bám nhân dân, bám công việc). Trong đó, Quân đoàn chú trọng phối hợp với đơn vị và địa phương cùng làm, lấy nhân dân làm chỗ dựa; cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn; tiến hành phải kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, xây dựng các mô hình điểm từng mặt và toàn diện ở thôn, bản, làng, xã, phường, từ đó rút kinh nghiệm phổ biến, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới từ thực tiễn. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đoàn đã kết nghĩa với 150 cấp ủy, ủy ban nhân dân ở địa phương và 63 cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tại thôn, làng, xã, huyện, thị xã, thành phố; ký kết tham gia xây dựng nông thôn mới tại 20 xã thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Từ năm 2010 đến 2022, toàn Quân đoàn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng và phương tiện, cùng hàng trăm nghìn ngày công tham gia với địa phương làm và tu sửa đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình văn hóa, sinh hoạt cộng đồng; giúp dân di chuyển gần 300 ngôi nhà trong Chương trình “Xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” của tỉnh Gia Lai... Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn còn tham gia hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống cháy rừng, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân định canh, định cư, giãn dân, tách hộ, lập vườn, ổn định để phát triển kinh tế; từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu...

PV: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trọng yếu, vậy Quân đoàn 3 đã làm thế nào để có thể phối hợp với địa phương giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh: Đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn xác định lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, dự báo và đề xuất các giải pháp xử lý tình huống xảy ra. Từ năm 2017 trở về trước, Quân đoàn chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên về xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Sau những tình huống xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004, theo đề nghị của các địa phương, được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Quân đoàn thành lập 18 tổ, đội công tác chuyên trách, trực tiếp đến các điểm phức tạp để tăng cường cho cơ sở, tham gia cùng địa phương xây dựng, củng cố 354 chi bộ thôn, làng; 324 tổ chức chính quyền thôn, làng, xã và hơn 600 tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; tham mưu giúp các tổ chức cơ sở đảng thành lập 14 chi bộ dân quân tự vệ; phối hợp với chính quyền địa phương, thuyết phục hàng trăm đối tượng lầm lỗi đứng ra nhận khuyết điểm trước nhân dân; tiến hành phân hóa, giáo dục, cảm hóa các đối tượng lầm lỗi, đưa họ trở về với gia đình, tổ chức sản xuất, tạo điều kiện xây dựng cuộc sống mới.

Có những xã trước đây cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn hạn chế, lại phức tạp về vấn đề dân tộc, tôn giáo, như: Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy); Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy); Văn Lem (huyện Đăk Tô) của tỉnh Kon Tum; Ia Dom, Ia Lang (huyện Đức Cơ), Chư A Thai (huyện Phú Thiện) của tỉnh Gia Lai... Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị cử các đoàn công tác, bộ đội đến tuyên truyền, vận động, nói rõ đúng, sai nên đã trở thành địa bàn ổn định, nhân dân tin yêu bộ đội, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

PV: Dường như những kết quả trên là do Quân đoàn đã thực hiện tốt “4 cùng”, “4 bám”, vậy cụ thể những nội dung đó như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh: Để cụ thể hóa “4 cùng”, “4 bám”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc địa bàn; phối hợp, bàn bạc với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương để lựa chọn thôn, bản, làng, xã làm công tác dân vận, giúp đơn vị tổ chức hiệu quả các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận hằng năm, sau các giai đoạn huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể, lựa chọn cán bộ và chuẩn bị tốt lực lượng tham gia các tổ, đội công tác; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hằng năm, Quân đoàn tổ chức từ 2 đến 3 lớp học tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, đây là lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận, tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn. Quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị chú trọng phối hợp và vận động các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương cùng tham gia, không để ai đứng ngoài công việc. Quân đoàn đẩy mạnh  Phong trào Thi đua Quyết thắng, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Qua mỗi phong trào, đợt công tác, Quân đoàn chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, động viên, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khắc phục điểm yếu, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, làm cơ sở thực hiện những năm tiếp theo.

leftcenterrightdel

 Tuổi trẻ Lữ đoàn 40 (Quân đoàn 3) và nhân dân địa phương phối hợp làm đường giao thông, năm 2022. Ảnh: HẠNH TOÀN 

PV: Vậy công tác dân vận trong thời gian tới, Quân đoàn tiếp tục triển khai như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh: Xác định công tác dân vận là một trong những nội dung, mục tiêu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác dân vận. Toàn Quân đoàn đẩy mạnh hoạt động phối hợp, kết nghĩa; làm tốt việc tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; xây dựng và nhân rộng điển hình, mô hình “Đơn vị dân vận khéo”. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả các Phong trào Thi đua Quyết thắng, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương... Với truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực” của Quân đoàn anh hùng và kinh nghiệm công tác trong những năm qua, toàn Quân đoàn tiếp tục nỗ lực, làm tốt công tác dân vận để có thêm nhiều điển hình, mô hình mới, hiệu quả, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn Tây Nguyên...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 XUÂN GIANG (thực hiện)