Xoa dịu nỗi đau với nạn nhân bom mìn

Được thành lập theo Quyết định số 949/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 11-9-2014, VNASMA ra đời là một yêu cầu khách quan và là “cánh tay nối dài” thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Tại thời điểm khi mới thành lập, VNASMA có 5 chi hội tại Hà Nội. Đến nay, Hội có lực lượng hùng hậu tại các địa phương như: TP Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Ngãi... Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập Hội, Đại tá Phan Đức Tuấn, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng thư ký VNASMA, vẫn không giấu được xúc động.

Ông Tuấn kể lại: “Cuối tháng 12-2014, tôi và Đại tá Vũ Quốc Bình, nguyên Phó trưởng phòng Tham mưu-Kế hoạch, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Trưởng ban Thông tin tuyên truyền của VNASMA, lên Hà Giang để khảo sát, hỗ trợ nạn nhân bom mìn làm chân, tay giả, đồng thời tổ chức Chương trình “Xuân về trên bãi mìn xưa”. Lần đó, chúng tôi tiếp xúc với 60 nạn nhân bom mìn, trong đó có nhiều người mất chân, người mất tay do tai nạn bom mìn. Đơn cử như gia đình ông Bồn Văn Hòn, người dân tộc Dao ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên có 3 người là nạn nhân bom mìn (ông Hòn, con trai và con rể). Sau hai tháng kể từ ngày lấy mẫu, chúng tôi quay lại Hà Giang để trao chân, tay giả cho các nạn nhân. Nhiều người khi nhận món quà ý nghĩa này đã bộc bạch: “Sẽ để dành “chân, tay mới” để đi chơi, đi ăn cỗ, còn “chân, tay cũ” thì đi làm nương, đi chăn trâu”.

leftcenterrightdel

Đại diện VNASMA và Hội Chữ thập đỏ, Chi hội VNASMA tỉnh Hà Giang tặng bò nạn nhân bom mìn ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn (Hà Giang), tháng 7-2022. Ảnh do VNASMA cung cấp

Song song với việc tặng chân, tay giả, Hội còn hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có anh Nguyễn Văn Tứ là nạn nhân bom mìn. Năm 1999, trong lúc đang làm rẫy, anh Tứ không may cuốc phải quả bom bi, khiến anh bị mù hai mắt và đa chấn thương trên cơ thể. Vợ của anh-chị Nguyễn Thị Khuyên là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hai chân bị khoèo, đi lại rất khó khăn. Trước hoàn cảnh đáng thương đó, đầu tháng 7-2020, đại diện Chi hội VNASMA tỉnh Quảng Bình đến hỗ trợ gia đình anh Tứ một con bò sinh sản. Đến nay, bò mẹ đã sinh bê con, tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng.

“Đây là một tài sản khá lớn đối với gia đình anh Tứ. Nhờ có sự hỗ trợ của VNASMA, vợ chồng anh chị đã có vốn làm ăn, trang trải cuộc sống, chăm lo cho con cái. Bệnh tình của anh Tứ cũng thuyên giảm, sức khỏe được cải thiện”, ông Hoàng Văn Lưu, hội viên Chi hội VNASMA tỉnh Quảng Bình hồi tưởng lần đến thăm gia đình anh Tứ. 

Đại tá Vũ Quốc Bình chia sẻ một kỷ niệm khó quên trong chuyến công tác ở tỉnh Quảng Nam: “Tháng 4-2017, nhân dịp thành lập Chi hội VNASMA tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đến thăm một số nạn nhân bom mìn, trong đó có gia đình ông Trương Tiến ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trong ngôi nhà lụp xụp, không có mái, phải căng bạt tạm để che mưa nắng, ông Tiến nắm chặt tay vợ. Ông Tiến kể, từ ngày bị tai nạn, ông mất sức lao động, đi lại rất khó khăn. Hai vợ chồng, người mất một chân, người bị tâm thần, dựa vào nhau sống cho qua ngày đoạn tháng. Thấu hiểu những khó khăn trên, VNASMA đã tặng gia đình ông Tiến một con bò sinh sản, Chi hội VNASMA tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 20 triệu đồng; Ban CHQS huyện Thăng Bình giúp công sức và 3 triệu đồng để lợp mái tôn”.

leftcenterrightdel
Đại diện VNASMA tặng bò sinh sản nạn nhân bom mìn ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tháng 9 năm 2020. Ảnh do VNASMA cung cấp 

Có nhà mới, có bò, gia đình ông Tiến đã thực sự đổi đời và chỉ một năm sau được chính quyền địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Những tưởng thoát nghèo là vui nhưng vợ chồng ông Tiến lại lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi mất tiêu chuẩn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vậy là, Hội lại liên hệ với các cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình can thiệp, giúp vợ chồng ông được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực VNASMA, kể từ khi thành lập đến nay, từ nguồn quỹ Hội, nguồn tài trợ của Quỹ VNASMA, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước và sự đồng hành của Quỹ Hoa Hòa bình (trước đây là Quỹ Hòa bình Mỹ Lai), Hội đã tiến hành hàng chục đợt hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân trên địa bàn 21 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn, vật liệu nổ.

Theo đó, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 5.600 người với hàng chục tỷ đồng, trong đó có hơn 300 gia đình nạn nhân bom mìn các tỉnh, thành phố được hỗ trợ bò sinh sản. Hơn 5.100 người được hỗ trợ sinh kế ở các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tặng một số phương tiện nghe nhìn, hàng trăm chân, tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và hỗ trợ tiền thuốc cho hơn 1.500 nạn nhân, gia đình chính sách, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người nghèo; hỗ trợ Quỹ “Nâng bước em đến trường” 290 triệu đồng, trao tặng hàng nghìn quyển sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường dân tộc nội trú...

Lấy tuyên truyền làm trọng tâm

Đó là nhận định của Đại tá Vũ Quốc Bình khi đánh giá hiệu quả của việc tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ. Ông Bình cho biết: Bên cạnh hỗ trợ vật chất và sinh kế cho nạn nhân bom mìn, Hội còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng ngừa và khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ. Năm 2016, Hội đã xuất bản cuốn sách “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh-vì cuộc sống bình yên”. Đây là cuốn “cẩm nang” giúp mọi người cách nhận biết tác hại, phòng tránh và khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.

Cùng với đó, Hội còn phối hợp với nhóm tác giả Bùi Cẩm Linh, Phạm Thị Thu Hà và các chuyên gia về bom mìn biên soạn, xuất bản bộ truyện tranh về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. “Những câu chuyện trong bộ truyện tranh rất thú vị, mang nhiều thông điệp rõ ràng, ngắn gọn, dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ; đồng thời mang tính giáo dục cao cả về ý thức, nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ em; có tính thẩm mỹ, khả năng thu hút người đọc và tính phổ cập cao về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ”.

Thời gian tới, VNASMA tiếp tục đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, chủ động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát sóng phim phóng sự, phim tư liệu về hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta.

“Với phương châm “một đồng tuyên truyền đúng còn hơn một triệu đồng để khắc phục hậu quả tai nạn bom mìn”, trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố truyền tải những thông điệp, cảnh báo tác hại, cách nhận biết, kinh nghiệm phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ”, ông Vũ Quốc Bình cho hay.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa khẳng định: Để tăng cường hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong thời gian tới, Hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước và các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người bị tai nạn bom mìn, vật liệu nổ. Cụ thể là có chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn chữa trị vết thương, chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, tái định cư ở vùng ô nhiễm nặng bom mìn, vật liệu nổ... Nhu cầu hỗ trợ cho nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn rất lớn, do đó Hội mong muốn các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm quan tâm đến nạn nhân bom mìn, chung tay khắc phục hậu quả bom mìn vì cuộc sống bình yên và phát triển, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình bền vững.

THÁI KIÊN