Ngày 6-9-1971, khi đang là giảng viên của Trường Thương nghiệp Trung ương (nay là Trường Đại học Thương mại Hà Nội), nhà thơ Anh Ngọc, tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, trong đội ngũ sinh viên, trí thức miền Bắc hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng vì tiền tuyến miền Nam, lên đường nhập ngũ. Anh Ngọc tham gia huấn luyện ở Hà Bắc, sau đó được điều về làm chiến sĩ Đại đội 4 của Trung đoàn 132, nay là Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc dọc Đường 9 đến Khe Sanh (Quảng Trị). Giữa vùng lửa cháy bom rơi trong Thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến sĩ thông tin Anh Ngọc lại thấy những phút lạ lùng trời đất trong veo cùng những màu xanh bối rối... Cảm xúc cứ thế dạt dào đến. Và bài thơ “Cây xấu hổ” ra đời, sau đó được trao giải nhì trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1972-1973.

Sau đó, nhà thơ Anh Ngọc được điều động về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân và là một trong những nhà báo Quân đội đi theo đoàn quân thần tốc tiến vào giải phóng miền Nam cách đây 48 năm. Nhà thơ Anh Ngọc nhớ lại: “Ngày 22-1-1975, chỉ còn ít ngày nữa là đón Tết Nguyên đán Ất Mão, tôi và 8 phóng viên của Báo Quân đội nhân dân được Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước giao nhiệm vụ nhanh chóng theo đoàn quân Nam tiến. Tôi, anh Trần Hữu Tòng và Hà Đình Cẩn đi về hướng cực Nam Trung Bộ. Qua một tháng hành quân trên đường Trường Sơn, chúng tôi đón Tết ở Ngã ba Đông Dương. Sau đó là 15 ngày hành quân bộ, chúng tôi đến Bình Thuận, rồi chia ra các hướng. Tôi đi cùng với Đại đội 5 bộ đội địa phương tiến về Phan Thiết”.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Anh Ngọc (bên trái) trong những ngày đầu tháng 5-1975 tại Sài Gòn. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Cho đến ngày Phan Thiết giải phóng 19-4-1975, Anh Ngọc đã kịp cho ra đời chùm 3 bài thơ: “Về Phan Thiết”, “Từ cực Nam nghe tin Huế giải phóng”, “Chờ anh ở cực Nam”. Trưa 30-4-1975, khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, đoàn phóng viên ở các hướng cũng lập tức tiến về Sài Gòn. Chiều tối 3-5, Anh Ngọc và Hà Đình Cẩn đã có mặt ở Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, ngủ đêm tại đó. “Đó là đêm đầu tiên chúng tôi ở đô thị Sài Gòn sau nhiều tháng chui rúc trong rừng. Lúc ấy, trong nhà giường chiếu, tiện nghi đầy đủ, nhưng tôi và Hà Đình Cẩn lại ra ngoài vườn mắc võng nằm. Đang sắp ngủ thì trời Sài Gòn bỗng đổ một trận mưa rào bất chợt, phải quáng quàng tháo võng chạy vào nhà. Chính cái khoảnh khắc ấy đã cho tôi cảm hứng sáng tác bài thơ “Mắc võng ở Sài Gòn”. Bài thơ là cảm xúc rất thật của tôi cũng như nhiều người lính “nửa phố nửa rừng” trong buổi giao thời giữa chiến tranh và hòa bình, với những câu tôi tâm đắc: “Mơ màng nửa thức nửa ngủ/ Bâng khuâng nửa phố nửa rừng/ Ru anh như chiếu như giường/ Đệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay”, nhà thơ Anh Ngọc kể.

Thời kỳ này, bút lực của Anh Ngọc đang dồi dào nhất. Đi đến đâu ông có sáng tác mới đến đó, toàn bài “để đời”. Ngay trong tháng đầu Sài Gòn giải phóng, Anh Ngọc đã cho ra đời hơn 10 bài thơ, trong đó có các bài: “Gặp bạn ở Sài Gòn”, “Cơn mưa lạ”, “Tốc độ”, “Áo trắng”, “Một thoáng trữ tình trên hè phố”... Tất cả đều dạt dào cảm xúc rất chân thật của nhà báo-nhà thơ-chiến sĩ Anh Ngọc trước một Sài Gòn lạ mà quen. Mới đây, khi trò chuyện với chúng tôi, nhà thơ Anh Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến một sáng tác mà ông vô cùng ưng ý: “Sài Gòn đêm giao hưởng”. Đây là tên của bài thơ, cũng là tên của sự kiện diễn ra tại Sài Gòn sau ngày giải phóng không lâu. Đó là một đêm biểu diễn đáng nhớ của “đội quân văn hóa” gồm nhiều tên tuổi thời bấy giờ của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Họ cùng đứng trên một sân khấu lớn biểu diễn cho đồng bào vùng mới giải phóng. Trong đó nổi bật là phần biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trọng Bằng. Cũng như nhiều khán giả khác, là người ngồi xem dưới khán đài, trong lòng Anh Ngọc trào dâng niềm cảm xúc để ấp ủ ý tưởng viết “Sài Gòn đêm giao hưởng”, hoàn thành cuối năm 1975. Ông tâm sự: “Ngồi ở dưới thưởng thức thứ âm nhạc bác học ấy, thực ra bấy giờ mình chả hiểu gì, chỉ thấy rất hay, nhẹ nhàng du dương. Xung quanh tôi thỉnh thoảng có tiếng thì thầm bày tỏ sự ngạc nhiên của người Sài Gòn. Họ không ngờ “Cộng sản Bắc Việt” cũng biết chơi nhạc cổ điển, thậm chí rất chuyên nghiệp. Không phải là nhạc công mà tôi cũng thấy tự hào và vui thay!”.

 Ngay từ đầu bài thơ, Anh Ngọc đã khai thác sự đối lập giữa quang cảnh thành phố phồn hoa với sắc xanh quân phục-đại diện cho người chiến sĩ giải phóng giản dị: “Chúng tôi là một mảng màu xanh/ Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng/ Đôi dép lốp bước lên thềm Nhà hát Lớn/ Để rơi mấy hạt bụi đường trường...”. Sắc quân phục ấy chiếm một vị trí đặc biệt trong bức tranh Sài Gòn, được đón nhận ánh mắt tin cậy của nhiều người. Màu quân phục và đôi dép cao su mang “bụi đường trường” không chỉ theo người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, mà ngay cả khi dạo phố, vui chơi hay xem văn nghệ. Buổi tối hôm đó, từ âm thanh của âm nhạc, bằng những câu thơ tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ Anh Ngọc đã biến chúng thành những hình ảnh nhìn thấy bằng mắt để nói đến sự “giao hưởng”, hòa hợp của lòng người sau chiến tranh. Trong giờ phút như thế, chỉ còn niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam-Bắc, của toàn dân tộc Việt Nam và cả của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể. Tất cả cùng cộng hưởng: “Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau”... 

“Đêm giao hưởng “Gặp gỡ với Sài Gòn” đã qua 48 năm tròn. Đêm hội tụ ấy như một mốc son ghi dấu chiến tranh đã qua, từ nay cả dân tộc Việt Nam hòa hợp trong niềm vui của một Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối. Và cho dù thời gian sẽ trôi qua nhiều chục năm nữa cũng không thể làm lu mờ ký ức của hàng ngàn người vinh dự có mặt và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, trong đó có tôi”-nhà thơ Anh Ngọc nói.

BÍCH TRANG