Mấy tháng đầu, mỗi trung đoàn tác chiến một nơi. Trung đoàn 9 ở cao nguyên Bolaven, còn Trung đoàn 19 đánh địch ở Khongsedone. Nhưng tới hai tháng cuối cùng của năm 1972, khi cả Sư đoàn tập trung về Saravane, một tỉnh đã được ta giải phóng từ hai năm trước, thì bị hai trung đoàn địch nhảy ra lấn chiếm.

Trong trận đánh ngày 7-1-1973, Toản bị thương khá nặng. Phần lớn thương binh nặng được chuyển thẳng lên Bệnh xá Sư đoàn, nhưng không hiểu sao Toản lại được đưa về trạm phẫu Trung đoàn và nằm ở đó hơn nửa tháng. Tới khi được đưa lên Bệnh xá Sư đoàn thì Toản yếu đến mức phải có người dìu đi. Sau Hiệp định Paris, đường Trường Sơn rộng mở nên thương binh nặng được đi xe ô tô ra miền Bắc. Thế là Toản chia tay đồng đội, chia tay đơn vị về hậu phương.

Hơn nửa năm sau, chúng tôi lại thấy cái bóng cao gầy của Toản lấp ló ở cửa hầm ban chỉ huy đại đội, báo cáo trở về đơn vị. Mọi người trong đơn vị đều rất ngạc nhiên. Thông thường, những chiến sĩ bị thương được ra miền Bắc mà chưa phải giải ngũ sẽ được xếp vào một vị trí công tác nào đó ở hậu phương, sao Toản phải trở lại đơn vị thế này? Đến khi nghe Toản kể chuyện thì thấy thật khâm phục bạn mình!

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Bùi Thượng Toản (bên phải) trong một lần gặp mặt đồng đội tại Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: SONG THANH

Chuyện là, khi nghe được tin đơn vị chuẩn bị chuyển về miền Nam chiến đấu, Toản lên ban chỉ huy đoàn an dưỡng đăng ký xin trở lại đơn vị. Vì không có đoàn vào nên sau khi tới một trạm khách Trường Sơn, Toản phải tự túc tìm vào đơn vị với giấy giới thiệu để qua các trạm giao liên lĩnh gạo và thực phẩm. May là đường đi lúc này đã dễ hơn mấy năm trước. Sau hơn một tháng lầm lũi đi đường, vào tới địa phận Saravane thì Toản bị sốt rét, trong túi chỉ có mấy viên thuốc Nivaquin. Anh mắc võng nằm đợi bên đường mất 3 ngày, may gặp được cán bộ quân lực của Trung đoàn cũng đang trên đường về đơn vị qua đó, thế là được giúp và cho đi cùng.

Toản đã cùng đơn vị công tác, chiến đấu cho tới ngày toàn thắng và được ra quân cuối năm 1976, là thương binh hạng 4/4. Anh về học ngành báo chí, ra trường làm phóng viên, rồi làm Phó tổng biên tập Báo Đại đoàn kết và Tạp chí Mặt trận. Khi đã về hưu, anh có nhiều năm gắn bó với Báo Người cao tuổi. Bùi Thượng Toản là người làm báo chuyên nghiệp, quen với chuyện viết báo từ khi trở về cuộc sống đời thường chứ không giống đa phần những người lính viết văn chúng tôi, cầm bút khi đã sắp nhận sổ hưu.

Nhưng công việc đáng ghi nhớ để cái tên Bùi Thượng Toản trở nên thân thiết với rất nhiều cựu chiến binh chúng tôi chính là sự kết nối ký ức của những người lính lại với nhau. Khi còn công tác, Toản là người đầu tiên tổ chức cho những người lính tình nguyện Việt Nam tại Lào chúng tôi trở lại thăm chiến trường Nam Lào. Toản là một trong số không nhiều anh em thành thạo tiếng Lào. Vì thế, anh tham gia Ban liên lạc cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào từ rất sớm. Nhờ có hoạt động tích cực của Ban liên lạc mà nhiều năm sau đó, chúng tôi được Nhà nước Lào tặng thưởng các huân, huy chương vì những thành tích chiến đấu tại Lào.

Từ thập niên 2000 trở đi, phong trào vận động viết ký ức và kỷ niệm trong chiến tranh nở rộ. Bùi Thượng Toản là người tích cực viết và tham gia ban biên tập xuất bản sách. Toản đã giới thiệu các kế hoạch xuất bản sách, vận động các cựu chiến binh viết bài. Anh còn lập ra trang fanpage trên Facebook mang tên “Cựu chiến binh Sư đoàn 968 anh hùng” để động viên đồng đội cùng tham gia viết bài. Từ những bài viết nhỏ ấy, đồng đội cùng Sư đoàn 968 qua các thời kỳ được kết nối với nhau rộng hơn. Những bài viết chất lượng của các cựu chiến binh, đồng đội Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào được anh tập hợp, xuất bản trong 3 tập sách với nhan đề “Nam Lào một thời để nhớ”. Đặc biệt, khi Hội Cựu quân tăng cường Thủ đô Hà Nội được thành lập, để kết nối các cựu chiến binh Hà Nội đã tham gia nhập ngũ vào 42 tiểu đoàn thì hoạt động nổi bật nhất là vận động viết hồi ức. Bùi Thượng Toản là thành viên đầu tiên trong ban biên tập của Hội. Đến nay, Hội Cựu quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã xuất bản được 6 tập sách “Ký ức chiến tranh” với hàng nghìn bài viết cả văn xuôi và thơ của rất nhiều cựu chiến binh Hà Nội.

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN