Đầu tháng 6-1954, đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Đa Phúc; đồng chí Tứ, cán bộ lãnh đạo huyện; Nguyễn Văn Thư, Chủ nhiệm Việt Minh và đồng chí Huệ, Huyện đội trưởng kiêm Đại đội trưởng Đại đội 472 bộ đội địa phương đã trực tiếp về Trung Giã và Hồng Kỳ để làm việc với lãnh đạo hai xã, triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị quân sự Trung Giã. Địa điểm xây dựng lán trại phục vụ hội nghị nằm ở phía Nam thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, khu đồi Đá Ong tiếp giáp với các thôn Hương Ninh và xóm Ấp Chùa của xã Hồng Kỳ. Khu đồi rộng khoảng 100ha, được chia thành hai khu vực riêng biệt.

Sáng 4-7-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn tất. Hàng nghìn người dân đã tập trung từ sớm với cờ hoa, biểu ngữ kéo từ Phố Nỷ đến đường vào khu vực diễn ra hội nghị. Khoảng 8 giờ, đoàn xe của phái đoàn ta xuất phát từ Thái Nguyên đã đến đầu cầu Đa Phúc. 3 xe chở các chiến sĩ cảnh vệ đi trước, 2 xe chở đồng chí Văn Tiến Dũng, trưởng đoàn và các thành viên phái đoàn ta đi giữa, 2 xe cảnh vệ hộ tống phía sau. Các chiến sĩ cảnh vệ của ta quần áo chỉnh tề, vai khoác súng trường, đội mũ gắn sao vàng năm cánh; đồng chí Văn Tiến Dũng mặc quân phục đứng trên xe tươi cười vẫy chào nhân dân hai bên đường.

leftcenterrightdel
 

Quang cảnh Hội nghị Trung Giã, năm 1954. Ảnh: Tạp chí Life

Cùng thời gian đó, về hướng Nam, chiếc máy bay chở phái đoàn quân sự của Pháp cũng đáp xuống. Tôi quan sát, khi đó, 3 xe con và xe chở một trung đội lính lê dương (Pháp) đã chờ sẵn tiến đến bên chiếc máy bay, viên quan năm và phái đoàn Pháp mặc quân phục oai vệ, ngực đeo đầy huân chương bước lên 3 xe con, xe của viên quan năm đi sau xe quân sự chở lính lê dương.

Tôi là một trong các chiến sĩ Đại đội 472 nhận nhiệm vụ đón phái đoàn Pháp. Đại đội 472 bố trí 1 xe con mui trần chở Đại đội trưởng Huệ, 1 xe quân sự chở một tiểu đội của ta đi dẫn đường. Các chiến sĩ Đại đội 472 đều được phát một bộ quân phục màu xanh của Tiệp Khắc mới cứng, rất chỉnh tề, vai khoác súng trông rất oai phong. Trên đầu các xe đều cắm cờ đỏ sao vàng, đoàn xe bắt đầu lăn bánh dọc đường từ sân bay Lương Châu vòng qua chân núi Đôi đi ra huyện lỵ Đa Phúc.

Khi qua huyện lỵ khoảng 200m, theo lệnh của đồng chí Huệ, toàn bộ chiến sĩ trên xe đứng dậy bồng súng, đưa tay lên vành mũ chào và hô vang khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” (3 lần) trước sự ngỡ ngàng của đoàn Pháp. Khi họ nhìn theo về hướng Tây thấy dòng chữ rất lớn được xếp bằng đá trắng trên lưng chừng giữa 5 quả núi, mỗi núi có một chữ to lần lượt là “Hồ Chí Minh muôn năm”, được làm từ công sức của quân và dân ta. Dòng chữ đó còn tồn tại đến những năm 70 của thế kỷ 20 và sau này bị che khuất bởi rừng thông tự nhiên.

Trong niềm vui hân hoan, thiêng liêng đó, không chỉ tôi, không chỉ phía ta mà ngay cả phái đoàn quân sự của Pháp và  lính Pháp trên các xe cũng đứng dậy, đưa tay lên mũ chào một đoạn xa mới thôi. Sau đó, tôi nghe viên quan năm nói với phái đoàn quân sự Pháp trên đường đến dự hội nghị: “Thật kỳ diệu”. Hành động đó mang rất nhiều ý nghĩa, đó là niềm tự hào và niềm tin son sắt, thể hiện sự kính trọng và lòng tin yêu vô bờ bến của quân và dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó cũng là minh chứng cho sức mạnh phi thường, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm chiến thắng của dân tộc ta, ngay cả trong hoàn cảnh gian khổ, bị bao vây bởi kẻ thù, chỉ cách vị trí đặt đại bác của địch một tầm bắn từ núi Đôi.

Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, tôi còn nhớ cùng với không khí căng thẳng trong đàm phán và chờ tin tức từ Hội nghị Geneva, bên lề, hàng nghìn người dân của các xã thường xuyên ở vòng ngoài để được nghe tuyên truyền. Có 3 tối, quân và dân xã Trung Giã biểu diễn văn nghệ, múa hát ở khu đồi bên cạnh gần Quốc lộ 3. Những hôm đó, các anh bộ đội trẻ khỏe, đẹp trai gặp gỡ các cô du kích xinh đẹp và từ mối tình quân dân thắm thiết đó đã nảy nở tình yêu.

Hiệp định Geneva được ký kết đã làm cho không khí Hội nghị quân sự Trung Giã trở nên sôi động. Tuy chỉ diễn ra trong gần một tháng, Hội nghị quân sự Trung Giã đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Hội nghị tập trung vào các vấn đề thiết thực như thực thi lệnh ngừng bắn, chính sách đối với tù binh... Tôi tự hào có một phần đóng góp vào sự thành công của hội nghị ý nghĩa này.

NGUYỄN VĂN TUỆ (Nguyên chiến sĩ bảo vệ Hội nghị quân sự Trung Giã, năm 1954)