Những kỷ niệm không quên

Sinh năm 1936, đến nay đã chuẩn bị bước vào ngưỡng tuổi 90 nhưng đồng chí Phạm Thế Duyệt vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Ông sẵn sàng dành hàng giờ để kể với chúng tôi về hành trình từ một cậu bé hiếu học vùng quê Thanh Miện, Hải Dương đến người thợ mỏ hết lòng với công việc, người lãnh đạo tận tâm, tận lực... với bao trải nghiệm đáng quý.

Năm 1962, kỹ sư Phạm Thế Duyệt nhận nhiệm vụ về công tác tại vùng than Quảng Ninh. Những nơi khó khăn, gian khổ nhất của đất mỏ như Khe Chàm, Mạo Khê, Mông Dương, Dương Huy... ông đều có mặt. Ở đâu, người kỹ sư trẻ Phạm Thế Duyệt cũng luôn hết lòng với công việc, phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển của đơn vị, chia sẻ gian truân với công nhân, thợ mỏ. Suốt 20 năm gắn bó với vùng than, ông đã làm việc trong phong trào công nhân mỏ rồi dần trưởng thành qua nhiều cương vị đến khi được điều động lên Trung ương. Ông kể: “Dù ở đâu, giữ trọng trách nào đi nữa, tôi luôn luôn quán triệt, học tập tư tưởng của Bác về công tác quần chúng, học được tinh hoa tốt đẹp trong giai cấp công nhân và nhân dân cần cù lao động, khiêm tốn.

Tôi nhớ hồi ở Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tôi đã đến nhiều nhà máy, xí nghiệp vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu tình hình các ngành, đời sống công nhân, trên cơ sở đó đã tham gia với Chính phủ, báo cáo với Đảng những điều chân thành, thẳng thắn. Ví dụ như việc nghiên cứu một giá của Long An, giải quyết lương thực của bà Ba Thi ở TP Hồ Chí Minh... Đặc biệt là khi giải quyết đấu tranh ở Công ty Cao su Chư Păh (Gia Lai), anh giám đốc có thái độ áp bức công nhân, khi nắm chắc chắn sự việc tôi đã quyết liệt kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao về kiểm tra và xử lý theo pháp luật. Sau này, tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội gần hai khóa (từ năm 1988 đến 1996). Lúc tôi mới về, Hà Nội chỉ có khách sạn Thắng Lợi là tiếp được khách quốc tế. Tôi nhận thức ngay được vấn đề muốn đổi mới thì phải có kết cấu hạ tầng hiện đại, thế là tập trung vào thực hiện chủ trương này. Sau mấy năm, một loạt khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại ra đời; các đường vành đai quanh thành phố cũng được đề ra quy hoạch để xúc tiến triển khai...

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Thế Duyệt. Ảnh: TRẦN HOÀNG 

Tháng 5-1996, tôi về làm Trưởng ban Dân vận Trung ương, thì khoảng một năm sau có vụ việc xảy ra ở Thái Bình, đến nay tôi vẫn không thể nào quên. Bấy giờ, tình hình Thái Bình rất phức tạp, nhiều khiếu kiện tập thể, nhiều hành động mang tính chất biểu tình bạo động đã xảy ra. Nóng nhất, khó khăn và phức tạp nhất là ở Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ). Lúc đầu chưa có ai phân công mà tôi tự thấy trách nhiệm của mình, công tác dân vận thì phải đến những chỗ khó khăn trước nhất. Vì vậy tôi đã xin Trung ương được trực tiếp về Thái Bình giải quyết sự việc, liên tục trong 5 tháng. Khi tôi về đây, hầu hết các huyện đều có điểm nóng.

Sau khi họp ở Tỉnh ủy, tôi mời các đồng chí lão thành đã nghỉ hưu của tỉnh (do đã lâu tôi không nhớ con số cụ thể, chắc khoảng 30 đồng chí), để nghe ý kiến của họ. Nghe xong, tôi nhận thấy lỗi sai hoàn toàn do ta chứ không phải do có thế lực thù địch chống phá, hay do vấn đề tôn giáo. Hôm tôi xuống xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tới nơi đã thấy khoảng 600 người dân kéo đến sân hợp tác xã. Tôi vẫn bình tĩnh vào họp với các đồng chí lãnh đạo ở trong, bên ngoài người dân nói qua loa: “Đề nghị đồng chí Phạm Thế Duyệt họp xong cho chúng tôi xin gặp”. Tôi cho người chuyển lời tới bà con nên cử 10 người đại diện vào cùng họp với đoàn công tác và địa phương. Tôi còn nhớ, khi họp xong thì trời mưa, xe ô tô chở tôi bị sa lầy, người dân địa phương đã xắn quần áo giúp chúng tôi đẩy xe lên. Khi xe chạy, một số người dân chạy theo vỗ vào cửa xe nói: “Bác đừng nghĩ chúng tôi cực đoan nhé. Chúng tôi chỉ vì bức xúc không thể chấp nhận những cái không đúng!”. Sau đó, tôi tiếp tục xuống huyện Thái Thụy, vào Tòa giám mục Thái Bình, họp khối dân vận, nội chính của tỉnh để nghe thêm nhiều ý kiến. Từ tình hình thực tiễn, tôi về báo cáo Bộ Chính trị xin cho thành lập tổ công tác và được chấp thuận. Sự việc sau đó được giải quyết thỏa đáng, tình hình ở Thái Bình dần ổn định”.

Làm cán bộ không bao giờ được né tránh

Khi kể lại những câu chuyện trên, đồng chí Phạm Thế Duyệt luôn khẳng định điều quan trọng đối với người cán bộ, nhất là người lãnh đạo đứng đầu là phải hiểu tình hình của nhân dân, kiên trì xác minh, đánh giá rõ nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề nảy sinh. Kinh nghiệm đúc kết trong thời gian công tác ở vùng mỏ, ở Hà Nội cũng như trong công đoàn đã cho ông những bài học quý để ứng phó với những tình huống tương tự. Ông bảo, làm người cán bộ không bao giờ được né tránh. Càng những chỗ khó khăn càng cần phải xuất hiện, nhất định phải xuất hiện, có xuất hiện thì mới hiểu được dân.

Còn nhớ, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu vào Ban Bí thư, lại được Đảng phân công kiêm phụ trách khối dân vận và tham gia Hội đồng Nhà nước. Thời gian này, ông có nhiều dịp cùng làm việc, được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo-người tiền nhiệm của ông-trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ công tác. Ông cho biết, với khối đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo cũng là người góp sức lớn xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam” tháng 11-1993.

Chính nhờ nhận thức đúng và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này mà ngày 12-6-1999, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội thông qua với những quan điểm rất chính xác về phát huy dân chủ, Đảng lãnh đạo Mặt trận nhưng lại là thành viên của Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”, tập hợp đoàn kết mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Là người kế nhiệm, tôi rất coi trọng tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Đạo ở nhiệm kỳ trước. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; “Ngày hội nối vòng tay lớn”; “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”... đều vận động, phát triển từ quan điểm, tư tưởng của đồng chí Lê Quang Đạo”, đồng chí Phạm Thế Duyệt chia sẻ.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phạm Thế Duyệt (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) trong một lần thăm lại vùng mỏ Quảng Ninh, năm 2021. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết, từ đầu những năm 2000, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (ngày 18-11 hằng năm) được mở rộng toàn quốc. Chính ông là người mạnh dạn đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo các bộ, ngành cho đến các cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố xuống đến quận, huyện, phường, xã, để làm sao tất cả cán bộ chủ chốt của chính quyền phải về với dân, sinh hoạt cùng khu dân cư, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hiểu được ý nghĩa tổng kết năm của địa phương nơi cán bộ sinh sống. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ và chỉ thị cho các cán bộ thực hiện.

“Những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân thực hiện rất hiệu quả, thực chất. Điều đó cho thấy, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của quần chúng luôn được lắng nghe và ghi nhận. Bản thân tôi, dù bận đến mấy thì những ngày này đều cố gắng thu xếp đến dự với bà con địa phương hay về các tỉnh mình từng công tác để chứng kiến những thành quả của thế hệ trẻ hôm nay”-đồng chí Phạm Thế Duyệt vui vẻ nói.

BÍCH TRANG