1. Hà Nội có 5 cửa ô: Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy, Ô Quan Chưởng đã trở thành biểu tượng cho dáng hình Hà Nội. Đi vào âm nhạc, 5 cửa ô được ví như 5 cánh hoa: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh...” (Tiến về Hà Nội-Văn Cao). Tự thân biểu tượng đã giàu có chất thơ vì luôn có xu hướng đưa con người trở về quá khứ, mà ngày xưa thì luôn được bao phủ bởi một màn sương thời gian lãng mạn, nay được nhạc sĩ chắp thêm cánh thơ, cánh nhạc nên biểu tượng càng bay cao. Hoa đào biểu trưng cho cái đẹp mùa xuân, cho hy vọng dâng đầy. Thế mà nhạc phẩm kiệt xuất này được sáng tác năm 1949, tức là 5 năm trước ngày Hà Nội được giải phóng. Như một cánh chim bay trước thời gian, bài hát trở thành một tượng đài âm nhạc, hơn thế, một biểu tượng cho tính “tiên tri” của văn nghệ nói chung.

Còn trước cả Văn Cao một năm, năm 1948, ở Chiến khu Việt Bắc, khi mới 20 tuổi, chàng thanh niên Huy Du đã viết ca khúc Sẽ về Thủ đô cũng mang tính tiên đoán: “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/ Năm cửa ô reo bước quân ca vang... Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”. Hai câu đầu nói về thời hiện tại: Đoàn quân tạm biệt Hà Nội lên đường kháng chiến. Ra đi với tình thương mến. Ra đi với niềm quyết tâm. Thế nên “năm cửa ô” cũng “reo”. Câu cuối nói về tương lai “ngày mai sẽ về...”. Nhịp thơ đi nhanh, vui vẻ, rộn rã. Đi đánh giặc mà có tâm trạng vui vẻ, lạc quan như vậy thì đã báo trước một chiến thắng tất yếu sẽ đến!

leftcenterrightdel
Nhân dân đón mừng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu  

2. Làm từ điển về văn hóa Hà Nội không thể không nhắc đến bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi bởi âm hưởng trầm hùng từ các tên gọi đã thành biểu tượng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”. Bài hát ra đời năm 1947, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp mới nổ ra được ít ngày, cả Hà Nội lên đường. Chữ “đây” không chỉ là một điệp từ thông thường để kiến tạo nốt nhạc, hơn thế là sự tự hào khôn nguôi, còn là lời nhắn nhủ, lời tâm tình với tất cả: Hãy nhớ về Hà Nội, hẹn ngày gặp lại Hà Nội. Câu thơ/lời hát đầu toàn thanh bằng mở ra không gian mênh mang. Câu/lời sau có 4 chữ được dùng đích đáng nhất, “đắt” nhất về nghĩa: “Lắng hồn núi sông”. Chữ “lắng” thanh trắc đảo nhịp tạo nên một nhấn nhá về âm vực nhưng vẫn trong dư âm ngân nga Hà Nội cổ xưa ngàn năm. Nhưng đến câu/lời: “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung... Sông Hồng reo...” thì lời hát như có lửa, như có khói, như có âm thanh của đạn pháo... Các thanh trắc đi liền nhau “cháy, khói lửa rợp” như gấp gáp, như vội vã... Trong bài Sẽ về Thủ đô, nhạc sĩ Huy Du cũng lấy sông Hồng làm biểu tượng đa nghĩa, vừa là quá khứ đuổi giặc hôm qua, vừa là hiện thực đánh Pháp hôm nay: “Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương”. Chữ “sóng” cũng đa nghĩa, là sóng trào căm thù giặc, là sóng yên ả yêu thương, là sóng hát lời ngợi ca...

Bài hát ra đời đúng dịp Thủ đô giải phóng là Hà Nội giải phóng của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Quỳ. Mở đầu là nốt nhạc náo nức, tươi vui với nhịp hành khúc như mở ra một không gian nhộn nhịp của đoàn quân diễu hành mừng chiến thắng: “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn, ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối...”. Trong ngữ cảnh này, hai tiếng “Hà Nội” cất lên tự thân nó mang một ý nghĩa phổ quát chung cho cả đất đai, Tổ quốc Việt Nam. Hà Nội giải phóng cũng là cả nước giải phóng!

Nếu những bài hát hay về Hà Nội giải phóng là những tượng đài âm nhạc thì những biểu tượng trong đó trở thành những cánh chim tự do cất đôi cánh thơ và nhạc bay trong bầu trời văn hóa Việt đậu lại nơi những con tim người Hà Nội, người Việt Nam không chỉ hôm qua, hôm nay mà cả mai sau!

3. Tất yếu có hình ảnh đoàn quân, dòng người, cờ sao... Trong bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến và không khí giải phóng, các hình ảnh ấy trở thành biểu tượng thiêng. Người Hà Nội ra đời trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn, cực kỳ gian nan, thiếu thốn của những ngày đầu đánh giặc, thế mà có những dự cảm về ngày Thủ đô yêu dấu dâng trào niềm vui chiến thắng: “Một ngày thu non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn dòng người/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao”. Một sự miêu tả trong tưởng tượng mà gần như đúng với thực tế sau này. Hơn cả một sự “tiên tri” hay một sự mẫn cảm nghệ thuật, nó trở thành lời của lịch sử khẳng định chắc chắn nhất về Hà Nội giải phóng.

Biết tin Đại đoàn 308 sẽ tiếp quản Thủ đô, từ vùng kháng chiến, nhạc sĩ Văn Chung viết ngay bài Quê tôi giải phóng tặng đoàn quân vinh dự được về Hà Nội sớm nhất; tức là viết trong tưởng tượng, trong niềm vui vô bờ. Thế nên, trong âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ rộn ràng, tươi vui chung của cả bài, có cả tiếng vỗ tay hân hoan, rộn ràng chào đón hòa bình: “Rợp trời cờ đỏ (a là hô) hoan hô/ Rợp trời cờ đỏ tung bay”. Hô ứng với không gian vui phơi phới là lòng người vui phơi phới: “Phố trên phố dưới/ Lòng người phơi phới”... Có những hình ảnh rất thật, tự nhiên mà lạ lẫm, bất ngờ: “Ríu ra ríu rít, từng đàn em bé/ Dung dăng dung dẻ từng đàn con trẻ đi học ban ngày”. Trẻ em thì gắn liền với “ríu ra ríu rít”, với “dung dăng dung dẻ” là tự nhiên dễ thấy. Còn “đi học ban ngày” là đương nhiên. Liệu có thừa? Không. Đó là cái “lạ lẫm” bất ngờ thể hiện hay nhất cái độc lập, tự do. Có giặc thì phải chạy giặc hoặc chịu sống cảnh tăm tối, làm gì có chuyện đi học trong không gian tự do. Nơi chiến khu thì có khi trẻ phải học ban đêm... Nên đến ngày giải phóng thì các hình ảnh ấy trở thành biểu tượng đẹp nhất, sinh động, tự nhiên nhất cho tự do!

leftcenterrightdel
TP Hà Nội đổi mới và phát triển hôm nay. Ảnh: TUẤN HUY 

4. Nằm trong vùng văn minh sông nước nên hình ảnh con đò, bến sông đã trở thành quen thuộc, truyền thống, nay trong không gian đi về ngược xuôi tấp nập tất yếu có thêm hình ảnh con đường, phố phường. Bài hát Sẽ về Thủ đô đã dựng nên những bức tường thành âm nhạc ngăn bước quân thù: “Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường”, còn người ra đi thì “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù”. Khi “Quê tôi giải phóng” (tên bài hát của Văn Chung) thì các biểu tượng lại như trở về với thời xưa cũ cách đó hàng ngàn năm: “Bến sông khu chợ dập dìu xe ngựa xuôi ngược con thuyền”. Nhưng có những biểu tượng mới thì cũng thật mới: “Đường rộng thênh thang thành phố của ta/ Hầm mỏ, cầu cống nhà máy của ta”. Chỉ hai chữ “của ta” được điệp lại nhấn mạnh tính sở hữu đã cho thấy điều thật mới đó. “Đường rộng thênh thang” này của ta. “Hầm mỏ, cầu cống...” này của ta. “Của ta” đã nói thay tất cả về sự giải phóng vĩ đại.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ