Qua điều tra, trinh sát xác định ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng 304 (Đồn 304) có gần 50 đối tượng liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất nổ. Trước tình hình trên, để giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn biên phòng phụ trách, Phòng Trinh sát, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo chỉ huy biên phòng tỉnh và nhận được chỉ đạo: Khẩn trương tổng hợp tình hình; củng cố thêm tài liệu về những đối tượng nghi vấn, báo cáo Cục Trinh sát BĐBP xin xác lập án để đấu tranh làm rõ hoạt động mua bán, tàng trữ vũ khí, chất nổ trái phép, xâm phạm an ninh quốc gia xảy ra ở địa bàn biên phòng tỉnh. Trong khi chờ ý kiến của trên, Phòng Trinh sát cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp cùng Đồn 304 triển khai thực hiện tiếp kế hoạch điều tra, xác minh, giám sát đối tượng. Sau khi được sự nhất trí của Cục Trinh sát BĐBP, ngày 7-4-1997, Chuyên án mang bí số 203S được xác lập. Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi làm Trưởng ban chuyên án. Lực lượng đánh án gồm 6 đồng chí ở Phòng Trinh sát và các trinh sát Đồn 304 đảm nhiệm.

Các lực lượng điều tra xác minh nắm tình hình ở cả 3 tuyến: Khơi, lộng, bờ. Ngày 14-4-1997, tổ phụ trách tuyến bờ nhận được tin của cơ sở S2 báo cáo: Ngày 13-4-1997, phát hiện đối tượng Huỳnh Tấn Anh, quê ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Thạnh, ngồi nhậu với Nguyễn Ngọc Sơn, công nhân Xí nghiệp Khai thác đá ở nhà hàng Hải Yến. Những người này bàn với nhau thời gian tới sẽ đưa một lượng lớn thuốc nổ đi tiêu thụ.

Tin trên đã được báo cáo kịp thời, ban chỉ đạo chuyên án triệu tập các đồng chí tổ trưởng của 3 hướng để triển khai tiếp các kế hoạch nghiệp vụ. Trong buổi họp, đồng chí Trưởng ban chuyên án khẳng định: Như vậy, kết hợp với nhiều nguồn tin đã xác định được đối tượng ở địa bàn móc nối với đối tượng trong Xí nghiệp Khai thác đá, đưa lượng thuốc nổ lớn ra tiêu thụ. Yêu cầu trinh sát kiểm tra lại nguồn tin, đồng thời bố trí cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của đối tượng. Nếu cần thiết, có thể bố trí trinh sát hóa trang, trà trộn vào nhà hàng Hải Yến để hỗ trợ khi có tình huống đột xuất. Toàn bộ công việc trên giao cho tổ tuyến bờ. Còn tổ ở tuyến khơi và lộng tiếp tục thực hiện kế hoạch đã định. 

Tối 17-4-1997, tại nhà hàng Hải Yến, trinh sát hóa trang phát hiện tên Huỳnh Tấn Anh nói chuyện với một nữ nhân viên nhà hàng, sau đó gọi điện thoại đi đâu không rõ. Khoảng 15 phút sau, y phi xe máy rất nhanh về hướng quán cà phê Thu Sương. Hai trinh sát hóa trang cũng kịp thời lên xe máy bám theo. Tại quán cà phê Thu Sương, hai tên Anh và Sơn cùng uống rượu ngoại và bàn chuyện làm ăn... Trước khi rời khỏi quán, đối tượng Anh dúi một tập tiền loại 50.000 đồng vào tay Sơn, như để đặt cọc trước.

Cùng ngày, cơ sở S3 cũng báo cáo nguồn tin tương tự như tin của trinh sát hóa trang. Từ những nguồn tin thu được, lãnh đạo Ban chuyên án chỉ đạo: Tiếp tục cho trinh sát hóa trang và cơ sở giám sát đối tượng, phát hiện thêm đối tượng mới liên quan trong tổ chức đường dây. Đồng thời xác định chắc chắn địa điểm, thời gian giao nhận hàng để tổ chức lực lượng mật phục bắt quả tang.

Ngày 20-4-1997, cơ sở S3 báo cáo: Đêm 22-4-1997, vào lúc triều cường, đối tượng Anh và Nguyễn Hồng, người xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), sẽ dùng hai chiếc xuồng loại nhỏ đi từ bãi sú Lạch Ngang đưa thuốc nổ ra tàu của người có tên là Lâm Công Hội đang neo đậu chờ sẵn ở khu vực cửa lạch Sa Huỳnh. Như vậy, theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo chuyên án, lực lượng đánh án đã xác định được địa điểm, thời gian giao nhận hàng và phát hiện thêm một số đối tượng mới có liên quan trực tiếp tới đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ. Ngày 21-4-1997, Ban chuyên án họp triển khai lực lượng phá án. Do đối tượng trong đường dây có liên quan tới địa bàn các Đồn Biên phòng 284, 292 nên Ban chuyên án thống nhất, quyết định bổ sung thêm lực lượng trinh sát của hai đồn trên tham gia vào lực lượng đánh án. Hai đồng chí đồn trưởng tham gia ban chỉ đạo đánh án. Cũng trong buổi họp này, nhiệm vụ của các tổ trong bộ phận đánh án đã được giao một cách chi tiết: Tổ trên bờ gồm 6 đồng chí do đồng chí Lê Quang Viên, Đồn phó Trinh sát Đồn 304 phụ trách, có nhiệm vụ chốt chặn ở 3 điểm: Chợ Thạch Bi, ngã ba liên xã, bến cá Sa Huỳnh. Nếu nhận được ký, ám hiệu đối tượng vận chuyển thuốc nổ qua những hướng đó thì tiến hành kiểm tra đột xuất, bắt giữ ngay đối tượng đưa về Đồn 304 khai thác nhanh để làm rõ đối tượng và phát hiện thêm các tổ chức, đường dây khác. Xét thấy đủ điều kiện thì khống chế đánh trở lại, mở rộng công tác trinh sát. Tổ dưới biển gồm 8 đồng chí do đồng chí Hồ Công Việt, Trưởng ban 6, Phòng Trinh sát phụ trách, có nhiệm vụ ngụy trang, trà trộn với tàu, thuyền của nhân dân mật phục quanh khu vực tàu đang neo đậu ngoài cửa lạch Sa Huỳnh chờ hàng. Khi nhận được ám, tín hiệu đối tượng đưa thuốc nổ ra tàu thì nhanh chóng triển khai thành 3 mũi kèm kế hoạch cụ thể.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Quang Cường

Đúng 21 giờ ngày 23-4-1997 (lệch một ngày so với kế hoạch ban đầu), các hướng, mũi triển khai lực lượng, phương tiện tới địa điểm tập kết theo phân công. Đến 22 giờ 45 phút, lúc nước thủy triều đang lên mạnh, tổ trên bờ phát hiện 4 đối tượng dùng xe máy phân khối lớn lượn đi lượn lại từ khu vực chợ Thạch Bi đến khu vực ngã ba liên xã. Nhưng qua theo dõi, không thấy chúng có dấu hiệu vận chuyển hàng, tổ nhận định nhiều khả năng chúng tổ chức lực lượng thăm dò, nắm tình hình việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng Đồn 304 và dân quân. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua, đúng lúc triều cường, từ bãi sú Lạch Ngang xuất hiện hai chiếc xuồng con từ từ chạy về hướng Sa Huỳnh, nơi có con tàu đang neo đậu chờ hàng đến.

Hai chiếc xuồng vừa ra khỏi bãi sú khoảng 50m thì tổ trên biển nhận được ám, tín hiệu hai chiếc xuồng đó chính là xuồng mà đối tượng đang dùng vào việc vận chuyển thuốc nổ. Các mũi trên biển nhanh chóng triển khai lực lượng theo kế hoạch: Mũi 1 lợi dụng đêm tối trà trộn trong số tàu, thuyền của dân áp sát mục tiêu. Mũi 2 cũng lợi dụng đêm tối khép chặt vòng ngoài và sẵn sàng hỗ trợ khi được lệnh. Mũi 3 ra vị trí đón lõng để phòng đối tượng tháo chạy.

Khi cách con tàu đang neo đậu chờ hàng chừng 15m, đột nhiên hai chiếc xuồng trên tách ra làm hai hướng chạy ngược chiều nhau. Khoảng 10 phút sau, tiếng máy lịm dần, một chiếc xuồng cập mạn vào chiếc tàu chờ sẵn và những bóng đen lố nhố bắt đầu chuyển hàng. Đó cũng là lúc lực lượng của ta có mặt. Các chiến sĩ trinh sát bằng những động tác thành thạo bập ngay những chiếc còng số 8 vào tay các đối tượng. Mệnh lệnh được truyền đi, con tàu nhận hàng cùng các tàu khác nhổ neo quay mũi, hướng thẳng vào bờ. Phía Đông, ánh bình minh đang rạng, hứa hẹn một ngày “biển lặng”. 

Trước những chứng cứ rõ ràng, các đối tượng đã cúi đầu nhận tội. Tàu, người và 144kg thuốc nổ (tang vật) đã được áp giải về cơ quan biên phòng tỉnh để điều tra, xử lý. Huỳnh Tấn Anh và Nguyễn Hồng khai từ đầu năm 1996 đã 3 lần móc nối với Nguyễn Ngọc Sơn, công nhân Xí nghiệp Khai thác đá, lấy trộm thuốc nổ đem bán cho các chủ tàu, thuyền đánh cá. Hai lần trước, mỗi lần khoảng 20kg và lần này có số lượng nhiều nhất. Lâm Công Hội, chủ phương tiện, khai: Đây là lần đầu tiên anh ta mua với lượng thuốc nổ lớn. Mục đích sử dụng vào việc đánh bắt hải sản và có bán kiếm lời cho một số chủ phương tiện ở các nơi khác cũng có nhu cầu dùng thuốc nổ để đánh bắt hải sản ngoài khơi. Ngoài ra, các đối tượng Anh, Hồng, Hội còn khai thêm một số tổ chức, đường dây vận chuyển, mua bán thuốc nổ và một số đối tượng khác đang tàng trữ thuốc nổ, vũ khí trái phép. Một kế hoạch truy bắt các đối tượng đã được triển khai khẩn trương. Theo đó, từ ngày 24 đến 29-5-1997, ta bắt giữ 20 đối tượng (trong số này có 7 đối tượng ra tự thú), thu hồi 31kg thuốc nổ, 79 kíp nổ, 4 quả lựu đạn, 2 đầu đạn, 4 quả đạn cối 60mm. Đến ngày 10-6-1997, Chuyên án 203S kết thúc.

Những kết quả mà Chuyên án 203S đạt được đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn, hạn chế được nạn dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản, góp phần giữ cho vùng biển Quảng Ngãi được bình yên.

PHÙNG MẠNH