Lẽ sống của một anh hùng
Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12-8-1941, tại Hội An (Quảng Nam). Năm 1954, ông theo cha ra Bắc tập kết, học phổ thông ở Hải Phòng. Năm 1960, ông học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1963. Tốt nghiệp đại học (năm 1964) loại xuất sắc, được chọn đi đào tạo ở nước ngoài nhưng ông đã xung phong vào Nam chiến đấu và bắt đầu làm phóng viên thông tấn tại Mặt trận Quảng-Đà, sau đó làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5), Bí thư Chi bộ Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu 5. Chu Cẩm Phong hy sinh ngày 1-5-1971, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông để lại các tác phẩm văn học: Mặt biển, mặt trận (truyện ký); Rét tháng Giêng (truyện ký)... Cuốn nhật ký được xuất bản với tên gọi “Nhật ký chiến tranh” của ông được Hội Nhà văn trao tặng thưởng. Sau đó, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007; truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2010.
Từ một sinh viên, Chu Cẩm Phong đã hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống chiến đấu nơi gian nan nhất là chiến trường Khu 5. Không những vậy, ông còn rất gương mẫu, đầy trách nhiệm, luôn xung phong đi công tác những nơi nguy hiểm. Chỉ có thể lý giải là nhờ tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do cho Tổ quốc của lớp thanh niên thời ấy mà tiêu biểu là những người như Chu Cẩm Phong. Khu 5 khi ấy ác liệt, thiếu thốn, bộ đội phải vừa tự nuôi mình vừa chiến đấu. Bạn bè nhà văn kể lại, khi làm Bí thư chi bộ, ông phân công anh em trong cơ quan làm rẫy, lấy rau, làm nhà... rất rõ ràng, khoa học. Ông tháo chiếc nhẫn (mẹ cho dành khi cưới vợ) để cơ quan bán lấy tiền mua dụng cụ lao động. Còn rất trẻ nhưng Chu Cẩm Phong đã tự tích lũy kinh nghiệm bằng cách thường xuyên lao động cùng đồng bào dân tộc thiểu số để có vốn kiến thức hướng dẫn anh em mới cách phát rẫy, chọc lỗ, tỉa lúa... Ông thức đêm để đan “teo” (giỏ nhỏ) đựng thóc đi tỉa, đan cót đựng thóc khi thu hoạch... Công việc nguy hiểm nhất khi ấy là đi gùi cõng gạo, muối... lên cứ vì hay gặp máy bay, thám báo, biệt kích địch.
Lần ấy, vào mùa mưa năm 1970, đoàn đi lấy gạo bị địch phục kích, ông bình tĩnh nói: “Tôi đi trước, có gì tôi nổ súng, các anh phía sau tìm cách chạy thoát để tránh tổn thất...”. Biết trước là có thể hy sinh nhưng ông vẫn xung phong làm nhiệm vụ. Đó là suy nghĩ và hành động của một anh hùng đặt lý tưởng cộng sản lên trên hết. Nhật ký chiến tranh ghi lại những dòng chữ sáng ngời ánh lửa lẽ sống cao quý: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng-Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm”.
Người anh hùng ấy xác định: “Trước hết là một đảng viên rồi sau đó mới là một người văn nghệ”, tức là trước hết làm người chiến sĩ, sau đó mới làm người nghệ sĩ. Cũng là mối quan hệ hữu cơ, trước là làm tốt nhiệm vụ chính trị, lấy đó làm vốn sống, vốn trải nghiệm để sáng tác. Khi chiến trường cần có sáng tác để kêu gọi, cổ vũ, tuyên truyền, ông cùng đồng đội sẵn sàng. Trong Nhật ký chiến tranh, ngày 1-10-1967 ghi: “Công tác văn nghệ sắp đến cũng rất nặng nề và khẩn trương, tất nhiên, sứ mệnh của nó cũng rất vẻ vang. Đã đến lúc không thể đi được nữa mà phải chạy, chạy hết tốc lực. Đến lúc rồi đây. Hãy đem cả sức lực, trí tuệ và tài năng mình có hy sinh cho nhiệm vụ lịch sử này”.
Ngày 1-5-1971, địch đi càn, phát hiện hầm bí mật nơi ông cùng đồng đội đang trú ẩn, chúng cày tung nắp hầm, ném lựu đạn xuống và gọi hàng. Là người chỉ huy, ông khảng khái nói với 7 đồng chí đi cùng: Chúng ta có 5 AK, 2 súng ngắn, lựu đạn nữa. Đưa súng ra phía miệng hầm, quyết tử với địch. Và họ đã dũng cảm ngã xuống để đất nước nở hoa độc lập!
“Nhật ký chiến tranh” chinh phục mọi trái tim
Nhờ cắm sâu vào đời sống thực tế nên tác phẩm văn chương đích thực luôn có sự thấu hiểu sâu sắc cảnh đời, được khúc xạ qua tâm hồn nặng đầy yêu thương nên có sự thấu cảm nồng nàn lẽ người, nhờ vậy luôn có sự đồng cảm lớn, sức truyền cảm cao. Người đầu tiên được đọc tập nhật ký của Chu Cẩm Phong và trân trọng giữ gìn nó là một sĩ quan ngụy. Anh ta nhặt được cuốn sổ bằng giấy pơ-luya bên cạnh thi hài người lính giải phóng. Lúc đầu chỉ là tò mò, nhưng càng đọc càng bị thuyết phục bởi sự lay động trong từng con chữ, anh ta bí mật giữ lại và trao cho bạn mình là Hoàng Đình Hiếu. Người bạn tên Hiếu đã đọc và ngộ ra về lẽ sống, lẽ phải trái ở đời... coi tập nhật ký như tài sản quý giá, bao bìa mới cho cuốn sổ và vẽ lên bìa hình một cái cây mọc thẳng dưới ánh mặt trời. Sau này, ông Hiếu trao lại kỷ vật ấy cho các nhà văn của ta...
    |
 |
Nhà văn Chu Cẩm Phong (1941-1971). Ảnh tư liệu |
Sức thuyết phục và giá trị văn hóa của thể nhật ký nằm ở sự trung thực của sự kiện, chi tiết. Nhật ký chiến tranh thỏa mãn những yêu cầu ấy. Ví như những ghi chép nói lên tính chất khủng khiếp của chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Mặt trận Khu 5: “... Ba ngày nay, bị ba trận bom Mỹ. Đi đến đâu, gặp bom tới đó. Sáng nay lại bị một trận bom (14-5-1968). Buổi chiều ngồi làm việc thì bị oanh tạc. Một trái thủ pháo tàu nổ trên bờ đất cách mình 2 thước. Đất bụi đổ tối tăm, phủ lên giấy tờ, sổ tay, bút... (21-5-1968)”. Ví như những ghi chép về cách làm việc của các nhà văn, nhà báo giữa chiến trường, sinh động, cụ thể hơn mọi miêu tả: “Thứ hai, 12-1-1970 (5 tháng Chạp năm Kỷ Dậu): Nắng. Hôm nay tổ văn ở nhà sửa chữa bài vở lần cuối cùng để mai gửi đi duyệt... Buổi tối họp và thông qua bản thảo tập thơ và ca dao sản xuất lấy tên Vụ mùa thắng Mỹ. Chiều nay, một con lợn nữa đương khỏe mạnh, ăn rất dữ, rất nhanh nhẹn lại lăn đùng ra chết. Lần này không cho ăn vỏ sắn. Ông già Xót bảo là nó say sắn. Tiếc quá chừng. Đổ nước đường mà vẫn không cứu được”.
Giữa bộn bề, ngổn ngang thời chiến ấy vẫn thấy lóe lên ánh sáng của niềm tin chiến thắng. Ví như những ghi chép sau cho thấy cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ toàn dân, toàn diện thắng lợi là tất yếu. Vì dân tộc này đánh giặc bằng cả chiều sâu văn hóa: “Thứ hai, 22-12-1969. Buổi chiều, mình ra làng đồng bào chơi. Làng đang ăn Tết... Tuần tự buổi vui chơi của họ như thế này: Nấu cơm ra họ vãi xung quanh bếp, khắp sạp và quanh nhà (họ cầu mong mùa lúa gạo thừa thãi?), sau đó nhảy. Đàn ông nhảy trước, nhảy vòng tròn quanh đống lửa theo nhịp trống, miệng hét vang... Mấy ông già cắt nghĩa với mình: Ai cũng uống. Ai cũng làm, ai cũng đánh Mỹ. Sau đó phụ nữ nhảy. Phụ nữ nhảy theo nhịp trống và chiêng. Họ nhảy không ồn ào, ầm ĩ như nam giới. Có những cô rất diện...”. Thì ra, Việt Nam chiến thắng còn bằng cách vượt lên trên thực tại chiến tranh, vươn tới miền khát vọng đầy nhân tính. Không hề thấy chiến tranh, chỉ thấy những khát vọng hòa bình, no ấm, khát vọng về cái đẹp...
Tập nhật ký gói trong đó gần 4 năm chiến tranh, bắt đầu từ ngày 11-7-1967 với âm thanh “tiếng đại bác dưới Tư Nghĩa, Sơn Tịnh vọng đến ì ầm...”, khép lại ở ngày 27-4-1971, với hình ảnh: “10 giờ, 2 chiếc phản lực đến thả bom và bắn đạn 20 ly, sau đó quân bộ kéo sang”. Những ghi chép sinh động đến mức gấp lại, như vẫn nhìn thấy giữa bao chiến sĩ dũng cảm, ngoan cường có một nhà văn-nhà báo, một người lính, một Bí thư chi bộ... ở cương vị nào cũng hăng hái, mẫu mực. Chỉ một tinh thần sống, chiến đấu quên mình, luôn đi trước, tiên phong cũng đủ tôn lên hình tượng người anh hùng. Tập nhật ký giàu chất điện ảnh nên có thể chuyển thể thành phim. Nhưng chắc chắn thật khó cho đạo diễn, diễn viên tài năng nào có thể lột tả cho hết, cho đúng, đủ tinh thần của nguyên mẫu. Năm 2005, TP Đà Nẵng đặt tên Chu Cẩm Phong cho một con đường. Chắc sẽ còn nhiều địa phương khác làm như thế. Nhưng vẫn chưa thể tương xứng. Xin hãy đọc những trang nhật ký vàng ấy, sẽ thấy mình lớn lên!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ